26/04/2024 15:11
Ông Dương Công Minh khẳng định không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan
Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024 thảo luận về kết quả kinh doanh, kế hoạch phân phối lợi nhuận, định hướng chiến lược và giải đáp thắc mắc của cổ đông.
Tại đại hội, Sacombank trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản tăng 10% lên 724.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động tăng khoảng 10% lên 636.600 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng tăng 11% lên 535.800 tỷ đồng. HĐQT sẽ điều chỉnh lại các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của NHNN.
Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 10.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Sacombank cho biết tự tin xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng nhằm hoàn tất tái cơ cấu trước thời hạn, do đó đặt ra các mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023.
Năm 2023, Sacombank đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh với lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2022 và đạt 101% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 9.500 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với năm trước, theo SGGP.
Theo phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2023, sau khi trừ đi thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại năm ngoái của Sacombank là 5.717 tỷ đồng, lợi nhuận giữ lại các năm trước là 12.671 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lợi nhuận giữ lại lũy kế của ngân hàng đang ở mức 18.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sacombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức.
Trong phần thảo luận, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT, cho biết năm 2017, khi đó có lãi dự thu lớn hơn vốn chủ sở hữu, tức bản chất là âm vốn chủ sở hữu. Thời điểm đó, NHNN cho Sacombank tái cơ cấu nên mới có thể giữ được tài sản, cổ đông giữ được cổ phần. Sau 7 năm tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu đã hơn 45.700 tỷ đồng, tổng tài sản và dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng qua các năm. Vào thời điểm bắt đầu tái cơ cấu, nợ xấu và tài sản ngưng đọng khoảng 94.000 tỷ trên dư nợ 222.000, tương đương tỷ trọng 42% hiện còn gần 7%.
"Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện NH còn vấn đề liên quan đến 32% cổ phần của ông Trầm Bê. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, NH mới được chia cổ tức", ông Dương Công Minh cho biết.
Chia sẻ tại Đại hội, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT cho biết bản thân ông là cổ đông lớn nhất và là Chủ tịch ngân hàng. Vì vậy những tin đồn về ông sẽ có ảnh hưởng nhất định đến ngân hàng, và từ đó ảnh hưởng đến các cổ đông.
Nói về tin đồn ông bị cấm xuất cảnh do liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, ông Minh khẳng định: "Tôi không liên quan một dấu chấm, dấu phẩy gì đến bà Trương Mỹ Lan hay Vạn Thịnh Phát. Đây là tin đồn ông Thắng Đặng viết trên facebook. Nguyên nhân của vấn đề này là do khi Sacombank cho Bamboo vay tiền, tôi phải làm cố vấn cho khoản tín dụng của Bamboo không mất vốn. Khi đó, ông Thắng có đòi 200 tỷ đồng cho cá nhân, nhưng sau đó gia đình ông Quyết đã cho ông Thắng nghỉ trước khi nhà đầu tư mới vào đầu tư. Tôi có đề nghị ông Thắng làm việc với đối tác mới. Việc ông Thắng viết lên facebook là không đúng sự thật. Nếu có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan tôi không bao giờ ngồi đây được", theo An ninh Tiền tệ.
Trả lời câu hỏi cổ đông vì sao kế hoạch lợi nhuận năm 2024 thấp, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc, cho biết kế hoạch xây dựng trên vấn đề thận trọng trên dự báo vốn vay thấp. Tín dụng toàn ngành quý 1 chỉ tăng 0,26%, rủi ro nợ xấu cũng tăng. Định hướng của NH là đồng hành cùng khách hàng để cung ứng vốn ra thị trường. NH cũng tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro, dự kiến trích 4.300 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng thông tin, hiện dư nợ của Sacombank hơn 500.000 tỷ đồng và cho vay BĐS là 100.000 tỷ, chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là cho vay tiêu dùng cá nhân. Cho vay bất động sản dự án chỉ 9.000 tỷ đồng. NH phát triển theo đúng định hướng của NHNN, đi vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lĩnh vực xanh... NH không có đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Về phương án xử lý cổ phiếu của ông Trầm Bê và người liên quan, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết đề án tái cơ cấu đã trình NHNN trên 6 tháng, do yếu tố khách quan nên cần thời gian nghiên cứu kỹ hơn. NHNN cơ bản đã đồng ý chủ trương của Sacombank và sẽ trình Chính phủ. Số cổ phiếu này sẽ đưa đấu giá công khai, đảm bảo minh bạch, đảm bảo khả năng thu hồi nợ cho ngân hàng.
Liên quan đến việc đấu giá KCN Phong Phú, bà Diễm cho biết sau 18 lần thì đến nay đã đấu giá thành công, đã thu được 20% số tiền đấu giá. Việc đấu giá hiện trạng khoản nợ cần thời gian để cho bên mua nợ hoàn thiện pháp lý, phần nợ còn lại được hoàn trả trong 2 năm với điều kiện ngân hàng hỗ trợ thời gian để họ hoàn thiện thủ tục đền bù giải toả.
Về dư nợ của Bamboo Airways, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết dư nợ xác định còn 3.583 tỷ đồng, khoản nợ nằm trong nhóm 1. Trước đây, nếu như khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Bamboo và FLC thì hiện nay khi nhóm cổ đông mới vào, chúng tôi cũng thuyết phục nhóm cổ đông mới đưa thêm tài sản là bất động sản làm đảm bảo, để đảm bảo toàn bộ dư nợ của Bamboo Airways. Hiện nay khoản nợ đã được đảm bảo 100% bằng các bất động sản mới và còn cả tài sản đảm bảo cũ nên chắc chắn khoản vay không có khả năng mất vốn vì tài sản đảm bảo có giá trị cao. Cổ đông có thể yên tâm.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp