11/02/2021 16:22
OECD: Trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, Việt Nam sẽ phục hồi nhanh nhất
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hầu hết các nền kinh tế mới nổi châu Á khó có khả năng phát triển trở lại như mức trước đại dịch trong năm nay.
Đối với nhiều chính phủ các nước trong khu vực, trọng tâm chính trong năm nay sẽ là ổn định thâm hụt ngân sách, nợ công và chi phí trả nợ.
Rủi ro tài trợ bên ngoài sẽ vẫn là mối quan tâm lớn đối với nhiều chính phủ trong khu vực đang gặp khó khăn về thanh khoản, các chuyên gia OECD cho biết tại một hội thảo trực tuyến gần đây.
Tiết lộ về "Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ đến năm 2021 - Phân bổ lại các nguồn lực để số hóa", Bộ phận Châu Á của Trung tâm Phát triển OECD dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trung bình của ASEAN vào năm 2021 sẽ ở mức 5,1%, sau khi giảm 3,4% vào năm 2020.
Đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á bao gồm ASEAN-10, Trung Quốc và Ấn Độ, GDP thực tế sẽ tăng trung bình 7,4% vào năm 2021, sau khi giảm 1,7% vào năm 2020.
Ông Kensuke Tanaka, người đứng đầu Bộ phận châu Á của OECD, cho biết: “Sự không chắc chắn xung quanh triển vọng kinh tế là rất cao".
Cuối cùng, triển vọng phục hồi của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian và mức độ nghiêm trọng của các lệnh hạn chế đi lại; sự khác nhau về điều kiện ban đầu và cơ cấu kinh tế cũng như năng lực của chính phủ trong việc hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Triển vọn kinh tế có thể bị cản trở bởi những hạn chế trong không gian chính sách, nguồn thu ngoại tệ giảm và tình hình không chắc chắn trên lĩnh vực sức khỏe, bao gồm các làn sóng lây truyền của virus corona chủng mới.
Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng
Năm 2020, tăng trưởng của Việt Nam là 2,6% và năm 2021 được dự báo là 7,0%.
Theo OECD, nguyên nhân là do Việt Nam được hưởng lợi từ việc kết thúc sớm giai đoạn phong tỏa do đại dịch và nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tăng.
Ấn Độ được dự báo sẽ ghi nhận mức thu nhập GDP thực tế mạnh nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trong năm 2021 với mức tăng dự báo là 7,9% ( trong năm 2020, GDP của Ấn Độ tăng trưởng -9,9%).
Trong ASEAN, Philippines được dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5,9% trong năm nay. Tuy nhiên, chi phí nợ tăng, lượng kiều hối giảm và năng lực của chính phủ trong việc xử lý nợ vẫn là những rủi ro lớn đối với triển vọng phụ hồi kinh tế của nước này.
Singapore được dự báo mức tăng trưởng 5,0% trong năm 2021. Tuy nhiên, theo OECD, điều này cũng không chắc chắn do phần lớn nền kinh tế của nước này phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài.
Trong khi đó Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 8,0% cho năm 2021 sau khi đạt mức 1,8% trong năm 2020.
Ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch và xuất khẩu, mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ bị suy giảm.
Bởi theo báo cáo của OECD, đại dịch đã buộc các chính phủ phải đưa ra quyết định nhanh chóng và hành động quyết liệt để bảo vệ công dân của mình, trong đó có việc hạn chế đi lại.
Các ngân hàng trung ương cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hạ mức lãi suất cũng như đưa ra một số bước nhằm tăng dự trữ ngoại hối.
Cụ thể, ngân hàng trung ương của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã hạ lãi suất. Riêng chỉ có Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) vẫn giữ quan điểm tiền tệ dựa trên tỷ giá hối đoái không thay đổi kể từ tháng 4 năm 2020.
Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Philippines cũng thực hiện cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) được áp dụng cho các ngân hàng.
OECD cho biết: “Các chính phủ trong khu vực sẽ có ít khả năng tăng cường chính sách chống lại chu kỳ tăng lãi suất nếu đà phục hồi kinh tế bị chững lại”.
Sau khi nới lỏng chính sách tiền tệ trên diện rộng trong năm 2020, lãi suất thực tế ở mức thấp trong lịch sử, với ít dư địa hơn nhằm điều động tiền tệ. Theo các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách ở một số nước châu Á mới nổi đã thực hiện một chính sách khác thường trong năm 2020.
Tuy nhiên, trong năm 2021, có khả năng trọng tâm này sẽ thay đổi từ việc cắt giảm lãi suất nhiều hơn nữa sang cải thiện việc truyền tải chính sách tiền tệ.
Nhóm OECD đã đưa ra một số lựa chọn chính sách thay thế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.
Một là, sự thay đổi chế độ chính sách tiền tệ theo hình thức lạm phát mục tiêu trung bình, hoặc sử dụng tỷ lệ lãi suất tự nhiên như một tham chiếu bổ sung cho chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, hệ thống lãi suất theo bậc có thể khiến lãi suất thấp bền vững hơn cho ngành ngân hàng.
Báo cáo của OECD cũng lưu ý rằng, một loạt các biện pháp hỗ trợ vào năm 2020 đã kéo dài thâm hụt ngân sách, hạn chế khả năng của các chính phủ trong việc mở rộng tài khóa.
Cuối cùng, ông Tanaka đúc kết: “Với không gian tài khóa hẹp hơn, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào việc cải thiện hệ số nhân tài khóa để đạt được mục tiêu kép là hỗ trợ nền kinh tế đồng thời khôi phục độ ổn định về tài khóa".
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp