Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ở tuổi 40 nhưng giàu thứ 54 trên sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trần Hùng Huy là ai?

Chứng khoán

11/06/2018 18:01

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đang có khối tài sản trị giá 1.364 tỷ đồng. Vậy, ông Trần Hùng Huy là ai?

Con nhà tông

Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB. Ông Huy là con trai của ông Trần Mộng Hùng, một trong những người sáng lập và giữ chức Chủ tịch ACB trong một thời gian dài. Mẹ ông Huy là bà Đặng Thu Thủy cũng làm việc tại ACB từ khi ngân hàng này mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng.

Ông Huy bắt đầu gia nhập ACB từ năm 2002 với vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường. Đến tháng 2/2004, ông Huy được bổ nhiệm làm Giám đốc Marketing Ngân hàng ACB. Tháng 4/2008, ông Huy là Phó tổng giám đốc ACB.

Ông Trần Hùng Huy, từ người bị nghi ngờ về năng lực và là phương án chữa cháy sau vụ khủng hoảng nhân sự tại ACB năm 2009 đã dần chứng tỏ được năng lực của mình.  
Ông Trần Hùng Huy, từ người bị nghi ngờ về năng lực và là phương án chữa cháy sau vụ khủng hoảng nhân sự tại ACB năm 2009 đã dần chứng tỏ được năng lực của mình.  

Vào ngày 18/9/2012, ở tuổi 34, ông Trần Hùng Huy bất ngờ được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB sau những biến động về nhân sự cấp cao của ngân hàng này do liên quan đến bầu Kiên. Trước khi ông Hùng ngồi vào chiếc ghế này, ông Trần Xuân Giá mới là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB.

Là một Chủ tịch Hội đồng quản trị trẻ nhất trong giới ngân hàng, ông Trần Hùng Huy được đánh giá là tuổi trẻ tài cao khi được đào tạo bài bản. Ngoài 30 tuổi, ông Huy đã có được tấm bằng tiến sỹ tại Trường Đại học Golden Gate của Mỹ. Trước đó ông cũng đã hoàn thành xong chương trình thạc sỹ Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Chapman, Hoa Kỳ.

Là người đứng đầu Ngân hàng ACB nhưng những thông tin về ông Trần Hùng Huy rất hạn chế. Tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập ACB cách đây 2 ngày, ông Huy đã gây sốt cho cộng đồng mạng khi đứng trên sâu khấu thể hiện hàng loạt ca khúc như Ngày mai em đi, Uptown Funk, Attention... 

Không chỉ hát, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB còn thể hiện vũ đạo sôi động, trẻ trung phù hợp cùng với các nhóm nhảy. Ngay lập tức, cư dân mạng đổ xô tìm hiểu thông tin về ông Trần Hùng Huy nhưng ngoài việc sinh năm 1978 và chưa… có vợ thì không có gì nhiều.

Hiện tại, ông Huy cũng là cổ đông lớn của ACB khi nắm 31.649.277 cổ phiếu ACB, tương đương với 2,92% vốn điều lệ. Chốt phiên giao dịch ngày 11/6, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đang giao dịch quanh mức 42.600 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khối tài sản của ông Huy trị giá 1.364 tỷ đồng. Ở tuổi 40, ông Huy cũng là người giàu thứ 54 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tại thời điểm 31/12/2017, ông Huy nắm 28.772.070 cổ phiếu ACB, trị giá tương đương 921 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 51 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. So với cuối năm 2017, khối tài sản của ông Huy tăng 443 tỷ đồng. Tuy nhiên, do hàng loạt doanh nghiệp khác lên sàn như VPBank, Vietjet Air… nên vị trí của ông Huy tụt xuống 3 bậc.

Ngoài ông Huy, người thân của ông Huy cũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại ACB. Cụ thể, ông Trần Mộng Hùng, ba ông Huy có 18.176.239 cổ phiếu ACB, trị giá 774 tỷ đồng và đứng thứ 82 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà Đặng Thu Thuỷ, mẹ ông Huy nắm 12.076.521 cổ phiếu ACB. Ngoài ra, 7 người cô chú của ông Huy cũng là cổ đông lớn của ACB.

Ông Trần Hùng Huy còn có hai người em là Trần Minh Hoàng và Trần Đặng Thu Thảo. Khác với người anh trai, Trần Minh Hoàng và Trần Đặng Thu Thảo chưa bao giờ xuất hiện trước công chúng. Thậm chí, các thông tin cơ bản như chân dung, ngày tháng năm sinh hay trình độ học vấn cũng không được tiết lộ.

Cả hai người em Minh Hoàng và Thu Thảo còn bị lép vế về vị trí so với anh. Nếu ông Trần Hùng Huy đứng ở vị trí cao nhất tại ACB thì Minh Hoàng và Thu Thảo đều không có chức vụ gì tại ngân hàng, mà chỉ là cổ đông lớn.

Minh Hoàng và Thu Thảo cũng thua người anh trai của mình về mặt tài sản. Số cổ phiếu ACB của cả 2 chị em cộng lại cũng không bằng số cổ phiếu của ông Hùng Huy. Tuy nhiên, cả Minh Hoàng và Thu Thảo nằm trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, với hơn 12.654.268 cổ phiếu ACB, ông Trần Minh Hoàng đứng thứ 107 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản 539 tỷ đồng.

Còn bà Trần Đặng Thu Thảo cũng đang nắm 11.629.481 cổ phiếu ACB, tương ứng với trị giá 495 tỷ đồng. Bà Thảo đang đứng vị trí 116 trong danh sách 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Xanh vỏ đỏ lòng

Ở phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đang giao dịch quanh mức 42.600 đồng/cổ phiếu, giảm 1,2% so với phiên trước đó. Đó cũng là xu hướng chung khi thị trường chứng khoán có sắc đỏ chiếm ưu thế.

Ở phiên hôm nay, sắc đỏ lan rộng ra toàn bộ thị trường, Vn-Index may mắn giữ được sắc xanh là nhờ vào một vài mã cổ phiếu trụ cột có mức tăng mạnh mẽ như ROS tăng 4.200 đồng lên mức giá trần 65.200 đồng/cổ phiếu, VJC tăng 5.000 đồng/cổ phiếu, VNM tăng 3.100 đồng/cổ phiếu, MWG tăng 1.700 đồng/cổ phiếu. 

Ở chiều ngược lại, hàng loạt mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá như GAS, MSN, HPG, FPT, SAB… Trong đó, SAB giảm 2.000 đồng/cổ phiếu, MSN giảm 1.000 đồng/cổ phiếu. Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn còn lại có mức giảm nhẹ. 

Thị trường chứng khoán ngày 11/6 diễn ra cảnh xanh vỏ đỏ lòng.
Thị trường chứng khoán ngày 11/6 diễn ra cảnh xanh vỏ đỏ lòng.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, PLX giảm tới 1.900 đồng/cổ phiếu, OIL, PVD, PVD, PVS cũng đều kết phiên trong sắc đỏ. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá với ACB, BAB, BID, CTG, EIB, HDB, LPB, MBB, SHB, STB, TPB, VCB. Trong đó, giảm mạnh nhất là HDB với mức 1.500 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 700 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại chỉ giảm giá nhẹ. 

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn 3 mã tăng tăng giá, nâng đỡ thị trường là TCB tăng 3.800 đồng/cổ phiếu, PVD tăng 1.400 đồng/cổ phiếu và VIB tăng 400 đồng/cổ phiếu. 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến khá ảm đạm. Khớp lệnh nhiều nhất nhóm thuộc về SSI với hơn 4,5 triệu đơn vị. SSI cũng chỉ tăng giá nhẹ với 50 đồng/cổ phiếu. VCI có mức tăng 1.100 đồng/cổ phiếu nhưng giao dịch rất khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 1.000 cổ phiếu. Hàng loạt mã chứng khoán còn lại chìm trong sắc đỏ như MBS, BVS, CTS, FTS, AGR, APG, APS… 

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đua nhau giảm giá với các mã tiêu biểu như CEO, CIG, CII, DXG, DIG, NVL…. Trong đó CEO còn bị kéo xuống mức giá sàn. Tuy nhiên, những mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm bất động sản vẫn khá tích cực như VIC tăng 100 đồng/cổ phiếu, VRE tăng 600 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/6, Vn-Index chỉ tăng rất nhẹ 0,01 điểm lên 1.039,02 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 182,59 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 7.500 tỷ đồng. Thị trường có 129 mã tăng giá, 44 mã đứng giá và 165 mã giảm giá. 

Hnx-Index giảm 1,4 điểm xuống 118,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 35,1 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 541 tỷ đồng. HNX có 66 mã tăng giá, 59 mã giảm giá và 90 mã giảm giá. 

Phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại bán ròng mạnh trên cả 2 sàn niêm yết. Trên HNX khối này bán ròng 380.294 cổ phiếu, giá trị bán ròng đạt hơn 6,31 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất PVS với giá trị hơn 5,83 tỷ đồng. 

Trên HOSE, khối ngoại bán ròng tới hơn 7,37 triệu đơn vị, giá trị bán ròng đạt 192,09 tỷ đồng. Mã cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là HPG đạt 65,9 tỷ đồng, VIC cũng bị bán ròng hơn 54 tỷ đồng, DXG hơn 37 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đi lên trong phiên 11/6 khi giới đầu tư hướng sự quan tâm vào cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên vào ngày 12/6, với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là chủ đề được quan tâm nhất. 

Khép lại phiên này tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,5% lên 22.804 điểm. Chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong tăng 0,34% lên 31.063,70 điểm. 

Chứng khoán Thượng Hải phiên này có lúc hạ xuống mức đáy trong gần 13 tháng giữa bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về các điều kiện thanh khoản trong thị trường. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,47% xuống 3.052,78 điểm sau khi có lúc hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. 

Chứng khoán Seoul phiên này tăng 0,8% và đà đi lên còn được ghi nhận tại thị trường Singapore, Wellington và Manila. Chứng khoán Đài Bắc phiên này đi ngang. Thị trường Sydney phiên này đóng cửa nghỉ lễ.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement