Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ô tô nhập khẩu giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm

Chính sách - Hạ tầng

06/07/2020 16:40

Trong nửa đầu năm 2020, lượng ô tô nhập khẩu đã giảm gần 1/2. Xe trong nước được giảm 50% phí trước bạ sẽ là một sức ép lớn với xe ngoại.

Năm ngoái, người Việt đổ xô mua ô tô nhập khẩu. Đến cuối năm 2019, cả nước có gần 140.000 chiếc ô tô cập cảng, tổng trị giá hơn 3,1 tỷ USD. Thế nhưng, chỉ vì COVID-19, mọi thách tích và kỳ vọng đều bị xoá sạch.

Ô tô nhập giảm một nửa so với năm ngoái

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 6/2020 chỉ đạt 3.000 chiếc, giảm 44,5% so với tháng trước. Về giá trị, ô tô nhập khẩu chỉ đạt 68 triệu USD, giảm 37,4% so với tháng trước. Đây là 3 tháng liên tiếp ô tô nhập khẩu liên tục giảm về cả lượng và trị giá.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, cả nước nhập về khoảng 39.000 chiếc ô tô, kim ngạch đạt 879 triệu USD. Lượng ô tô nhập về Việt Nam trong 6 tháng qua ước giảm 47% về lượng và gần 48% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Mỗi chiếc ô tô nhập cảng Việt Nam có giá trung bình gần 520 triệu đồng.

Đây là hệ quả của đại dịch COVID-19 khiến sức tiêu dùng ngày càng đi xuống, nhất là đối với các mặt hàng có giá trị cao như ô tô. Điều này là nỗi thất vọng ê chề với nhiều nhà nhập khẩu ô tô.

Năm ngoái, thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam nóng hơn bao giờ hết. Trừ tháng “cô hồn” rơi vào tháng 8 dương lịch, số lượng và giá trị ô tô nhập khẩu đều tăng liên tục sau mỗi tháng. Lúc bấy giờ, người ta kỳ vọng năm 2020 sẽ là bước đà để thị trường ôtô Việt Nam bứt phá. 

Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 5/2020, tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA chỉ đạt 79.396 xe, giảm 34% so với cùng kì năm ngoái. Xe ô tô du lịch giảm 36%, xe thương mại giảm 28% và xe chuyên dụng giảm 39%.

Trong đó, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu giảm 38% so với 5 tháng đầu năm 2019.

Sức mua giảm khiến tỷ lệ xe tồn kho liên tục gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ, trong quý I/2020, chỉ số tồn kho ngành sản xuất xe có động cơ (trong đó có ô tô) tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Điều này phản ánh khó khăn rất lớn của ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt trong thời gian trước, người dân không muốn mua xe ngoại vì chờ Chính phủ chính thức giảm 50% phí trước bạ cho ô tô trong nước.

Sức ép của ô tô trong nước

Ngày 28/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Nghị định quy định giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, người mua xe trong nước sẽ được giảm chi phí lăn bánh xe từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/chiếc.

Sức nóng của xe trong nước đã được thể hiện rõ ở thời gian trước. Riêng tháng 5, theo VAMA, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 11.095 xe, tăng 50% so với tháng trước. Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ là 7.986 xe.

Tuy sức mua vẫn chưa được cao nhưng 5 tháng đầu năm 2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước chỉ giảm 32%, thấp hơn so với ô tô nhập khẩu.

Ngay khi Nghị định quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô trong nước có hiệu lực, thời gian gần đây không ít dòng xe như Toyota Fortuner, Honda CR-V, Mitsubishi Xpander... chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Sau 2-3 năm rời bỏ dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam để đổi lấy mác “xe ngoại”, nhiều dòng ô tô đang quay trở lại khi hàng loạt chính sách khuyến khích, ưu đãi cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được Chính phủ ban hành.

Nghe thế, không ít đại lý, tay buôn xe lớn cũng giảm lượng nhập để thăm dò tình hình. Nhiều nơi dự liệu nếu các mẫu ô tô trên được lắp ráp trong nước, giá xe sẽ giảm so ít nhiều với mẫu nhập cùng loại. Vì thế, việc nhập xe “bạo” như năm ngoái chắc chắn gây rủi ro, bất lợi hơn nữa trong tình hình sức mua sụt giảm.

Để đối phó với sức ép của ô tô trong nước, rất nhiều mẫu xe nhập dưới 1,5 tỷ đồng đã và đang “cắn răng” giảm giá. Cụ thể, mẫu xe Volkwagen Passat được nhập khẩu trực tiếp từ Đức đang được đại lý khuyến mại gói chăm sóc toàn diện trị giá 177 triệu đồng.

Khônh ít đại lý Ford tại Hà Nội tuyên bố giảm trực tiếp các mẫu xe từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng ở các phiên bản xe như Eco Sport, Everest, Ranger hay Explorer… Gần đây, mẫu Everest bản thấp nhất Ambiente (số sàn) có giá chỉ 840 triệu đồng, rất cạnh tranh so với đối thủ Toyota Fortuner phiên bản thấp nhất số sàn, hiện đang được bán với giá 933 triệu đồng.

Cần giảm 50% phí trước bạ cho xe ngoại?

Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lên tiếng đề nghị có thêm chính sách cho giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô nhập khẩu. EuroCham cho rằng đây là “sự phân biệt đối xử”. Ngoài ra, Hiệp hội còn khuyến nghị giảm 50% thuế VAT cho ô tô nhập khẩu.

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng Việt Nam (VIVA), nhiều thành viên VIVA đồng tình với kiến nghị trên. Các doanh nghiệp thuộc VIVA cho rằng, dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động lớn đến nhiều quốc gia nên việc ưu đãi cho xe lắp ráp của Việt Nam sẽ gây khó khăn đáng kể với xe nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo VAMA, việc giảm lệ phí trước bạ là để khuyến khích sản xuất trong nước, kích cầu tiêu dùng trong tình hình khó khăn. Nếu áp dụng cho cả ôtô nhập khẩu, chính sách ưu đãi sẽ không còn ý nghĩa.

Chưa kể, nếu có thêm chính sách này, xe nhập khẩu sẽ tràn về cạnh tranh quyết liệt với xe trong nước. Khi đó, khó tránh khỏi tình trạng người tiêu dùng lựa chọn mua xe nhập khẩu thay cho xe nội địa. Đáng nói, lúc đó, các mẫu xe sang từ Châu Âu có thể sẽ không hưởng được lợi nào mà chính là các dòng xe tầm trung cho đến giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia,…

Trước đó đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng doanh số ô tô nhập khẩu vẫn giảm mạnh so với ô tô trong nước. Ảnh: Tạp chí Tài chính
Trước đó đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng doanh số ô tô nhập khẩu vẫn giảm mạnh so với ô tô trong nước. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước cho rằng việc giảm 50% phí trước bạ cho xe nội không có gì là bất công vì trước đó, chính sách có lợi cho xe ngoại đã được tung ra hồi đầu năm. Vậy mà ô tô nhập khẩu vẫn ì ạch. “Sao không xem xét lại chính nội tại ngành ô tô nhập khẩu đang có vấn đề, đang kém hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng so với ô tô trong nước?”, một đại lý xe đặt câu hỏi ngược lại.

Hồi giữa tháng 2/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2020, gỡ bỏ một số quy định về giấy chứng nhận kiểu loại, kiểm tra theo từng lô xe nhập khẩu… Các mẫu ô tô chưa qua sử dụng được nhập khẩu sẽ không cần giấy chứng nhận kiểu loại (VTA), mà thay vào đó sẽ được đánh giá ngay tại Việt Nam. Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa 36 tháng/lần.

Còn các mẫu mã ô tô đã có VTA sẽ không cần phải kiểm, đánh giá lại. VTA đã được cung cấp sẽ có hiệu lực trong vòng 36 tháng. Sau thời hạn này, ô tô mới cùng kiểu loại nhập về mới phải đánh giá lại kiểu loại.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực vào ngày 01/8, mang thêm nhiều ưu đãi cho ô tô nhập khẩu từ Châu Âu. Đối với mặt hàng ô tô, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình xoá 70% thuế nhập khẩu ô tô từ EU trong 9-10 năm, giai đoạn từ tháng 8/2020 - 8/2030.
Cụ thể, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế đối với dòng xe dung tích xy lanh trên 2500cc trong giai đoạn 9 năm, và dưới 2500cc trong giai đoạn 10 năm. Theo lộ trình, nếu mức giảm thuế được trải đều qua các năm, thuế nhập khẩu sẽ giảm tối thiểu 7% ngay trong tháng sau. Trường hợp giảm theo chu kỳ 2-3 năm, mỗi năm sẽ có mức cắt giảm từ 15%-30%.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement