Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nuôi một con gà

Vĩ mô

30/01/2017 08:46

Tết của tôi bây giờ, heo gà vắng bóng, đến ông táo cũng phải cam phận cơm hàng cháo chợ.

Thời bao cấp khó khăn, nhà nhà trồng rau, nuôi heo nuôi gà, tăng gia sản xuất. Buổi chiều ba mươi tết, heo gà cũng phải theo lệ tất niên, về chuồng sớm. Có một lần, chiều mùa đông cuối năm, mưa bay lạnh buốt, nhà người ta trong xóm đã chộn rộn nấu cúng tất niên mà mấy chị em tôi còn đi tìm gà.

Mẹ ở nhà lui cui trong bếp nhưng ruột gan cũng nháo nhác ngoài hàng rào, vườn nhà này, vườn nhà nọ, sợ mấy con gà của nhà bị trộm bắt mất, sáng mai mùng một tết, đầu năm đầu tháng đã mất của, xui rủi cả năm, mà lại không dám kể, không dám lên tiếng thở than gì với ai.

Cái tết của mẹ tôi là lo toan từ bàn thờ, bếp lửa đến bể nước, chuồng gà chuồng heo, am thờ ngoài vườn, đến ngã ba ngã tư đường sao cho ông táo đi về hanh thông thuận lợi.

Tết của tôi bây giờ, heo gà vắng bóng, đến ông táo cũng phải cam phận cơm hàng cháo chợ. Tôi sống một mình, đã từng lập gia đình nhưng rồi sau đó đổ vỡ, không còn cảm hứng để tiếp tục phấn đấu cho cuộc hôn nhân nào nữa.

Cũng thỉnh thoảng nhớ cảm giác có người cùng thức dậy vào lúc sớm mai, nhưng lập tức, những ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ làm cho cảm xúc nhớ nhung ấy tắt lịm.

Nỗi nhớ nhiều nhất, không hiểu vì sao cứ quanh quẩn nơi mẹ tôi, với chuyện gà qué quanh năm suốt tháng, với chiều ba mươi thịt con gà trống, bẻ cổ bẻ cánh, tạo dáng cho con gà mỏ ngậm bông hoa giấy đặt trên mâm cúng tất niên.

Mẹ tôi làm gà gọn gàng, khéo léo lắm. Tôi bây giờ cũng vẫn chẳng hiểu vì sao người ta có thể chăm bẵm lũ gà mỗi ngày, biết từng con gà từ lúc mới nở, mãn nguyện khi rải cơm nguội, lúa gạo cho bầy gà ăn… với một tình cảm chăm lo, yêu quý vô cùng, tình cảm có thật qua từng ngày tháng, vậy mà rồi cuối cùng bắt con gà cắt cổ ngoẻn một cái, nhanh và gọn, trụng nước sôi, lặt lông, cũng chăm chú, tập trung như lúc cho gà ăn, cũng nhẹ nhàng nâng niu như lúc xếp trứng vô ổ cho gà mẹ ấp…

Gia đình tôi qua được thời đói kém, khó khăn ấy là nhờ những con gà mẹ nuôi. Bây giờ tôi cứ nghĩ, có khi người đàn bà ba mươi mấy tuổi là mẹ tôi ngày ấy, vượt qua được những thắt ngặt của cái nghèo cái đói, vượt qua được những đổ vỡ hôn nhân khi cha tôi đi theo người đàn bà khác, là nhờ bầy gà.

Bầy gà sinh sôi từ gà mái mẹ thành gà trống con, gà trống đầu đàn, rồi lại tiếp tục gà cha gà con, gà anh gà chị, phả hệ bầy gà rối nùi hỗn loạn.

Những con gà thời bao cấp là nguồn trứng của các con trong nhà, là bầy gà con để mẹ tiếp tục chắt chiu gom góp gầy đàn, là của để dành những khi giỗ chạp, thậm chí có khi thành quà biếu thơm thảo nghĩa tình. Con gà mà không chỉ là con gà, còn là sự dành dụm, chăm nom của người phụ nữ trong gia đình, là hy vọng tượng hình một cách cụ thể, rõ ràng, sinh động.

Thế hệ chúng tôi không nuôi gà. Mọi thứ sẵn trong siêu thị, chỉ cần có tiền. Nhưng tiền không phải là những búp lông vàng ươm chạy líu ríu theo chân gà mẹ cục ta cục tác. Tiền lạnh.

Chồng cũ của tôi muốn tôi gom hết tiền dành dụm đưa cho bà chị chồng mượn làm ăn, dù chị ấy mấy lần có mượn mà không có trả.

Thưởng tết, hai vợ chồng cũng được một khoản đáng kể. Chồng cũ của tôi muốn tôi dành hết khoản tiền ấy biếu cha mẹ chồng sắm tết cho hoành tráng, cho được tiếng với cả nhà, dù tôi đã nói muốn để ra một phần gửi mua mấy hộp thuốc chữa bệnh cho mẹ, muốn dành dụm để sớm thoát cảnh ở nhà thuê.

Nếu đó là mấy con gà, chẳng ai vay mượn làm gì. Đằng này chỉ là tiền giấy, nên mới sinh chuyện cãi vã, mới sinh “tiền anh tiền tôi”, mà tôi ghét đàn ông so đo tiền bạc.

Một ngày cuối năm, bình gas hết tôi hụt tiền, kêu chở gas cũng phải mượn tiền đứa bạn, trong khi anh ta nói tiền của mẹ cho mua điện thoại, “phải mua kẻo mẹ anh buồn”.

Khi chồng tôi săm soi chiếc điện thoại mới, mặc kệ tôi với nỗi túng quẫn của mình, tôi đã quyết định cuộc hôn nhân này đến đây là chấm dứt. Tôi làm ra tiền, tôi xài tiền của tôi, mắc mớ gì mà nghèo đi, hèn đi vì một gã đàn ông ích kỷ.

Nghĩ luẩn quẩn, chẳng lẽ giờ tôi và bạn bè cùng rủ nhau đi… nuôi một con gà? Ngớ ngẩn. Vào thời mẹ tôi, bà đã nuôi gà mà không ngớ ngẩn, là vì nó hợp tình hợp cảnh.

Lớp phụ nữ hiện đại không thiếu bản lĩnh, chọn cái gì cho hợp tình hợp cảnh, mà có thể níu mình với những người yêu thương, mà không trở thành thứ khiến sinh ra xích mích và chia tách? Căn nhà thì lớn quá, trẻ con thì phải có điều kiện mới dám sinh, mà để dành tiền thì dễ sinh chuyện quá…

Hạnh Dung có được câu chuyện này từ một người phụ nữ cho rằng Hạnh Dung luôn muốn sửa chữa, muốn hàn gắn cho thành, nên có khi rất chi là… cổ điển, cổ lỗ sĩ.

Nhưng nghĩ cho cùng, những con gà từ góc sân, góc vườn, xó chuồng tối tăm ẩm thấp, trở thành con gà trên mâm cúng tất niên, có một giá trị riêng nào đó, như thể là sự dành dụm tình yêu, hy vọng và lòng kiên nhẫn, cho những sum vầy ấm áp của gia đình.

Chuyện nuôi con gà là chuyện cổ lỗ sĩ ngày xửa ngày xưa đó, có gì khó hiểu đâu, nhưng rồi lúc tưởng mình đã hiểu hết, lại thấy thực sự thì vẫn chưa…

Thì ra, sự cổ điển, thậm chí cổ lỗ sĩ nữa, vẫn có cái giá của nó, vẫn hàm chứa sức mạnh riêng của nó đấy chứ, phải không chị em mình?

Theo HẠNH DUNG (Phụ nữ TP.HCM)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement