17/10/2020 09:27
Nữ doanh nhân gốc Việt được Google tài trợ 12 triệu USD để phát triển ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh
Ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh của nữ doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ được Google nhận đỡ đầu và tài trợ 12 triệu USD.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc cách mạng trong giáo dục, đẩy các trường học và các tổ chức đào tạo hướng đến phương pháp học trực tuyến và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các ứng dụng e-learning. Theo CNBC, một trong số ứng dụng e-learning thành công là ELSA, nền tảng ngôn ngữ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI). Phần mềm được thiết kế để giúp người học tiếng Anh không phải là người bản ngữ, cải thiện khả năng nói và phát âm của họ thông qua các bài học ngắn, dựa trên ứng dụng.
Trong thời kỳ đại dịch, công ty do Google hậu thuẫn, sử dụng machine learning để luyện nói tiếng Anh, đã thu hút được khoảng 11 triệu người dùng và khai thác được nhiều thị trường mới.
Hơn 1 tỷ người không phát âm chuẩn tiếng Anh
Nữ doanh nhân Văn Đinh Hồng Vũ thành lập ELSA vào năm 2015. Vũ tạo ra ứng dụng như một giải pháp để giúp chính bản thân. Sau khi chuyển đến Mỹ vài năm trước đó, đầu tiên là để học tập sau đó là công việc, cô thường xuyên thấy mình thiếu tự tin để giao tiếp mặc dù thông thạo tiếng Anh.
Đó là vì cách phát âm và ngữ điệu. Cô nhận ra đây là vấn đề mà nhiều người bạn của cô, không phải là người bản xứ, đều mắc phải. Những lo lắng về việc phát âm sai đã khiến họ thường bị coi thường hoặc tệ hơn nữa là không ai tin tưởng khi làm việc.
Dù thông thạo tiếng Anh nhưng lúc đầu Văn Đinh Hồng Vũ vẫn gặp trở ngại về phát âm. Ảnh: ELSA |
Không chỉ có những người bạn xung quanh Hồng Vũ mắc phải trở ngại về phát âm tiếng Anh. Trong số khoảng 1,5 tỷ người nói tiếng Anh trên toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính hơn 1 tỷ người không phải là người bản ngữ hoặc học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Vì vậy, Văn Đinh Hồng Vũ quyết định “phải làm điều gì đó” với mơ ước tạo ra một công cụ hỗ trợ công nghệ có thể phát hiện chính xác phát âm tiếng Anh bị sai của người dùng và cung cấp các giải pháp dễ thực hiện với chi phí chỉ bằng với giá thuê một gia sư.
“Để có được một giọng Mỹ hay giọng Anh hoàn hảo, điều đó rất khó. Nhưng để nói một cách tự tin và trôi chảy để người khác có thể hiểu bạn, điều đó có thể khắc phục”, Hồng Vũ chia sẻ với CNBC.
Để biến ước mơ của mình thành hiện thực, cô chấp nhận từ bỏ mọi công việc của một nhà xã hội - bằng việc khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon.
Cô dành 6 tháng liên tiếp để tìm kiếm một người đồng sáng lập về kỹ thuật. “Cách tiếp cận của tôi rất đơn giản: Mỗi ngày tôi chỉ cần nói chuyện với 5 người. Tôi không quan tâm họ là ai, miễn là tôi có thể bắt chuyện và sau đó 5 người đó sẽ giới thiệu tôi với 5 người khác”, cô kể lại.
Cuối cùng, sự nỗ lực của Hồng Vũ đã đưa cô đến Đức với một hội nghị công nghệ nhận dạng giọng nói lớn nhất thế giới, sau khi một giáo sư kỹ thuật khuyên cô “nếu bạn không tìm thấy ai ở đó, thì bạn cũng có thể đóng cửa công ty”.
Hội nghị lần đó tập hợp 3.000 chuyên gia, Hồng Vũ đã gặp Xavier Anguera, một nhà khoa học hàng đầu, theo lời mô tả của cô là “đã nghiên cứu quá lâu và rất nóng lòng với tác động của công nghệ nhận diện giọng nói”.
Xavier Anguera, đồng sáng lập và giám đốc công nghệ ELSA. Ảnh: FPT |
Trong vòng vài tuần, Xavier Anguera đã đồng ý tham gia cùng cô, tạm thời rời gia đình ở Bồ Đào Nha và chuyển đến căn hộ “nhỏ” ở San Francisco của Hồng Vũ để cùng nhau xây dựng ý tưởng.
Vũ kể lại, đó là một quá trình đòi hỏi sự trung thực hoàn toàn, với “tất cả các cuộc thảo luận khó khăn nhất đã được thực hiện sớm”, chẳng hạn như thỏa thuận về tiền lương và phân chia cổ phần.
“Chúng tôi nói nếu chúng tôi không giết nhau sau 3 tháng thì tôi nghĩ chúng tôi có thể ổn”, cô nói đùa.
Rồi 3 tháng trôi qua suôn sẻ. Với việc Anguera vào vị trí đồng sáng lập và giám đốc công nghệ, cặp đôi này ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng một nền tảng, nhập dữ liệu từ những người nói tiếng Anh không phải là bản ngữ và đánh giá nó so với tiếng Anh - Mỹ chuẩn.
Là một món quà đền đáp cho quê hương
Đối với Hồng Vũ, ELSA còn là một món quà đền đáp cho quê hương Việt Nam của mình. Nền tảng này được cô kỳ vọng sẽ giúp giúp đào tạo chuẩn phát âm cho gần 100 triệu dân, từ tài xế xe buýt đến CEO của các công ty.
Bước ngoặt thực sự đã đến vài tháng sau đó, khi ELSA giành chiến thắng trong cuộc thi khởi nghiệp năm 2016 của South by Southwest, khiến ứng dụng trở nên phổ biến, thu hút 30.000 người dùng trong vòng 24 giờ và cấp cho nhóm quyền truy cập vào dữ liệu người dùng từ khắp nơi trên thế giới .
Hồng Vũ cho biết: “Mục tiêu lúc đầu là thu thập dữ liệu, vì vậy chúng tôi có thể tiến đến nguồn cơ sở dữ liệu phong phú càng nhanh thì chúng tôi có thể đào tạo AI của mình nhanh hơn”. Với một bộ dữ liệu quốc tế được cung cấp để đào tạo công nghệ về một loạt các giọng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, từ Ấn Độ đến Tây Ban Nha, ELSA thật sự thông minh hơn hẳn.
Văn Đinh Hồng Vũ gọi được 12 triệu USD từ Google. Ảnh: ELSA |
Ngay sau đó, nhờ vào số tiền tiết kiệm của mình trong khoảng 6 tháng, Hồng Vũ và Anguera dồn hẳn vào phát triển công việc kinh doanh. Đầu năm 2018, với một đội ngũ đang phát triển và vài triệu người dùng trên 100 quốc gia, ELSA kêu gọi được 3,2 triệu USD tài trợ, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào Đông Nam Á Monk’s Hill Ventures.
“ELSA là một trong những khoản đầu tư đầu tiên của chúng tôi tại Việt Nam, nơi chúng tôi được truyền cảm hứng từ niềm tin của Hồng Vũ và Xavier trong việc giải quyết một vấn đề thực tế cho hơn 1,5 tỷ người học tiếng Anh”, Peng T. Ong, đồng sáng lập và đối tác quản lý của Monk’s Hill Ventures nói với CNBC.
Tên tuổi của ELSA càng được củng cố vào năm 2019, khi nhận được sự hỗ trợ từ Gradient Ventures tập trung vào AI của Google. Tổng số tiền tài trợ lên hơn 12 triệu USD và phía Goole cũng cấp quyền truy cập ELSA cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật của họ để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng phụ trợ.
Và rồi đại dịch COVID-19 đến, với ELSA, nó như một cú nổ. ELSA vận hành một mô hình cho phép người dùng toàn quyền truy cập vào hơn 1.000 khóa học với giá khoảng 70.000 - 140.000 đồng mỗi tháng, tùy thuộc vào gói họ chọn. Kể từ đại dịch, Hồng Vũ chứng kiến số lượng người dùng tăng hàng tháng tăng 3-4 lần.
Sự tăng trưởng đó không chỉ đến từ những người dùng trung thành của ELSA, mà còn từ các trường học và doanh nghiệp đang thích ứng với cách giảng dạy mới. Công ty hiện đã hợp tác với hàng chục trường học và doanh nghiệp trên khắp Việt Nam và Ấn Độ, cũng như Brazil và Ukraine, khi mở rộng sang thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
ELSA có khả năng xác định độ chính xác trong phát âm của người dùng. Ảnh: ELSA |
Hồng Vũ nói: “COVID-19 thực sự đã mở ra một phân khúc mới cho chúng tôi. Có một sự thay đổi trong tư duy của các bậc cha mẹ rằng chúng ta đã có một cách học khác. Thay vì luôn phải gửi con đến trung tâm học ngoại ngữ hoặc trường học, họ có thể dựa vào công nghệ”.
Peng T. Ong của Monk’s Hill Ventures nhận xét: “Trong thế giới ngày nay, tiếng Anh thông thạo được coi là một tài sản mang lại cơ hội kinh tế lớn hơn và chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy sự phát triển không ngừng của edutech, một phần do đại dịch, ở Đông Nam Á với nhiều doanh nhân chọn cách đổi mới giáo dục thông qua công nghệ”.
Hồng Vũ cho biết ELSA sẽ có thêm nhiều vòng gọi vốn khi công ty đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình ở San Francisco, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản, đồng thời đặt mục tiêu vào các thị trường mới như Brazil và Hàn Quốc.
“Năm 2020 là một năm điên rồ, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm tốt và chúng tôi rất hào hứng với những gì có sẵn cho năm 2021”, Văn Đinh Hồng Vũ nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp