11/09/2019 11:46
Nông sản Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc
Việt Nam là nước có sản lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản lớn nhưng chưa phát huy được thế mạnh này tại các thị trường “khó tính” như Hàn Quốc.
Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1992 đến năm 2018, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng 132,4 lần, từ 0,5 tỷ USD lên 66,2 tỷ USD, định hướng tới năm 2020 đạt mức 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, năm 2018, kim ngạchxuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tới 47,9 tỷ USD. Việt Nam hiện là nước nhập siêu lớn nhất từ Hàn Quốc với mức 29,7 tỷ USD vào năm 2018.
Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử Việt Nam, cũng trong năm 2018, Hàn Quốc nhập khẩu 35,2 tỷ USDnông sản, nhưng hàng nông, lâm thuỷ sản của Việt Nam chỉ chiếm 5,9% thị phần. Trong đó, các sản phẩm Việt Nam xuất sang thị trường Hàn Quốc chủ yếu là đồ gỗ, thủy sản và trái cây.
Riêng về trái cây, Việt Nam hiện chỉ mới được phép xuất khẩu 5 loại trái cây vào Hàn Quốc (dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long), trong khi một số loại khác như vú sữa, bưởi, chôm chôm, vải, nhãn đang chờ xin phép nhập khẩu. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, trong đó có các sản phẩm ngành nông, lâm, thuỷ sản vào thị trường Hàn Quốc nhằm góp phần giảm bớt nhập siêu.
Việt Nam là nước có sản lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản lớn do các lợi thế về khí hậu, đất đai, nhân công… nhưng lại chưa phát huy được thế mạnh này trong xuất khẩu tới các thị trường “khó tính”.
Tại Hàn Quốc, mức tiêu thụ rau trung bình là 200 kg/người/năm và trái cây 60 kg/người/năm, cho thấy nhu cầu về các sản phẩm nông sản là rất lớn. Tuy nhiên, cùng với đó là những yêu cầu khá khắt khe, nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch…
Chính vì vậy, muốn xuất khẩu nhiều hơn sang Hàn Quốc, nông sản Việt phải được công nghiệp hoá, đồng bộ về chủng loại và chất lượng, cũng như phải xây dựng được các thương hiệu mạnh để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện.
Nông sản Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh tại thị trường Hàn Quốc. |
Về giá cả, do chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, chưa tập trung, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất còn thấp, chi phí sản xuất cao… nên tại thị trường Hàn Quốc, nông sản của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh giá được với các nước khác.
Đáng chú ý, hiện nhiều sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam trước khi xuất đi đều phải được chiếu xạ để bảo đảm điều kiện, tuy nhiên, hiện mới chỉ có trung tâm chiếu xạ ở miền Nam, các loại nông sản miền Bắc như chanh leo, vải thiều, nhãn… lại không có trung tâm chiếu xạ, còn nếu vận chuyến xuống phía Nam thì quá mất thời gian và tiền bạc, tăng chi phí, không còn sức cạnh tranh trên thị trường.
Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu nông sản ra nước ngoài nói chung và thị trường Hàn Quốc nói riêng thì Việt Nam cần tập trung vào bốn giải pháp sau:
Một là, các cơ quan Nhà nước nên đưa ra các chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn… để các doanh nghiệp hình thành các vùng nguyên liệu ổn định. Về phía các doanh nghiệp, cần sát sao với người sản xuất từ những bước đầu tiên của nuôi trồng như nguyên liệu, giống, phân bón đến quá trình sản xuất, thu hái, bảo quản sản phẩm; cam kết với họ về việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đồng thời có những hỗ trợ cần thiết cho họ theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi… thay vì chỉ kiểm tra an toàn của sản phẩm cuối cùng.
Hai là, cũng cần xây dựng được cơ chế thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước để chia sẻ các thông tin thị trường, vùng nguyên liệu… từ đó tăng cường hợp tác, giao thương, đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề như thiếu thông tin, doanh nghiệp lừa đảo, giả mạo.
Ba là, cần có sự hỗ trợ về chi phí máy bay để các doanh nghiệp xuất khẩu qua đường hàng không, thay vì chỉ xuất khẩu qua đường biển, giảm bớt thời gian và thu lại hiệu quả nhiều hơn cho các doanh nghiệp cũng như người nông dân.
Bốn là, cần phải đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ - đây sẽ là con đường tiềm năng lâu dài để nông sản Việt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu ra quốc tế. Các doanh nghiệp hai nước nên có sự phối hợp đầu tư vào các vùng nguyên liệu, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi sản xuất để đưa sản phẩm hữu cơ đến đúng địa chỉ.
Advertisement
Advertisement