Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nông sản vào siêu thị không khó, nhưng tồn tại được thì không đơn giản

Thị trường 24h

09/04/2019 22:03

Nông nghiệp chủ lực TP.HCM giúp nông dân làm giàu bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chật vật tìm đầu ra cho nông sản.

Nông sản TP.HCM vào chợ vẫn còn rất thấp

6 sản phẩm nông nghiệp được UBND thành phố công bố là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2018 – 2020: rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, và cá cảnh. Đây là nhóm sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố và có xu hướng phát triển ổn định, có tiềm năng mở rộng thị trường vừa sản phẩm tiêu dùng, vừa sản xuất giống chất lượng cao cung ứng cho thành phố và các tỉnh.

Thế nhưng, thực tế, nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã đang trực tiếp nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm chủ lực vẫn trăn trở tìm đầu ra cho nông sản.

Nông dân TP.HCM cần nâng cao chất lượng để đưa hàng hóa vào siêu thị. Ảnh: Cẩm Viên
Nông dân TP.HCM cần nâng cao chất lượng để đưa hàng hóa vào siêu thị. Ảnh: Cẩm Viên

Qua khảo sát đánh giá cho thấy, tình hình tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn thành phố qua thương lái chiếm tỷ lệ 42,2% sản lượng. Thương lái mua trực tiếp tại ruộng sau đó vận chuyển đến các chợ đầu mối hoặc tự bán tại chợ đầu mối và chất lượng sản phẩm theo hiện có của nhà sản xuất (có gì mua đó).

Giá bán sản phẩm theo giá thị trường trong ngày, người sản xuất không chủ động giá bán. Tiêu thụ qua chợ đầu mối chiếm tỷ lệ 19,1%, tiêu thụ qua chợ lẻ (chợ truyền thống) chiếm tỷ lệ 10,4%, còn lại khoảng 1% là bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố về rau là rất lớn, nhưng sản xuất rau tại thành phố chỉ đáp ứng 33,3% nhu cầu.

Ông Tsan A Sìn (Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại Bình Điền) cho biết chợ đầu mối Bình Điền hoạt động với hình thức “mở” cho nên các nguồn hàng rất dễ tiếp cận thị trường khi thông qua các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, trong thực tế mặt hàng nông sản thực phẩm có xuất xứ từ TP.HCM vào chợ Bình Điền vẫn còn rất thấp so với quy mô sản xuất, nuôi trồng của thành phố.

Một khó khăn mà nông dân TP.HCM gặp phải nữa là thành phố đang ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế sản phẩm rất lớn, nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cho việc canh tác ứng dụng công nghệ cao sẽ rất cao. Các nông hộ và tổ hợp tác chỉ liên kết với nhau về kỹ thuật chưa liên kết về mặt buôn bán và chất lượng sản phẩm.

Việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn do người sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng theo yêu cầu nhà phân phối; quy mô nhỏ lẻ rất khó để đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Bên cạnh đó do chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển, phương thức thanh toán chưa hợp lý gây khó cho người sản xuất.

Thế nên việc đề ra các giải pháp giúp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rất cần thiết và cấp bách, giúp cho người nông dân, trang trại, hợp tác xã, các nhà sản xuất có thể tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng thông qua hệ thống các kênh tiêu thụ hiện đại.

Các nhà phân phối lớn có uy tín của thành phố, qua đó giảm bớt các khâu trung gian tiêu thụ, giúp người sản xuất yên tâm về giá cả, giúp nhà phân phối kiểm soát được chất lượng và giá mua đầu vào, từ đó giúp bình ổn giá cả thị trường.

Nâng cao chất lượng, nông sản rộng cửa ra

Trao đổi về vấn đề tìm đầu ra cho nông sản chủ lực TP.HCM, ông Nguyễn Nhật Trường (Trưởng bộ phận thu mua nông sản Saigon Co.op) cho biết: “Năm 2019, có hơn 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các hợp tác xã, doanh nghiệp TP.HCM để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường thành phố.

Trong chính sách thu mua, Saigon Co.op đặt yêu cầu an toàn thực phẩm, chất lượng lên hàng đầu, còn yếu tố giá thì linh động điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm thị trường để hợp tác xã, nông dân không bị thiệt.

Nông sản vào siêu thị không khó, nhưng tồn tại được thì không đơn giản

Tuy nhiên việc hợp tác còn những hạn chế, khó khăn như: sản phẩm nông nghiệp thường bị ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết, đặc biệt vào mùa mưa các hợp tác xã, doanh nghiệp không đủ sản lượng cung ứng; các hợp tác xã, doanh nghiệp còn chậm trong việc tiếp cận, tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu sản phẩm mới, sơ chế sản phẩm, đóng gói, các hoạt động chăm sóc và hỗ trợ bán hàng”.

Saigon Co.op cũng đề xuất các hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân khu vực nuôi trồng ra thành vườn nhỏ để kinh doanh cho kênh siêu thị, khắc phục tình trạng yêu cầu siêu thị thu mua cả vườn với sản lượng lớn một lần, chưa phù hợp với nhu cầu của kênh phân phối lẻ.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp cam kết về lượng và bảo đảm chất lượng hàng hoá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; áp dụng kỹ thuật công nghệ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm.

Mặt khác đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa; cần đầu tư máy móc thiết bị, nhân sự, kỹ thuật, phục vụ đóng gói sản phẩm và sơ chế đáp ứng được sự tiện lợi của khách hàng. Các hợp tác xã cần có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, chạy theo thị trường dẫn đến “được mùa mất giá” gây thiệt hại cho các hợp tác xã, hộ nông dân.

Ông Tsan A Sìn, Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại Bình Điền chia sẻ: “TP.HCM là một thị trường tiêu thụ và có mạng lưới phân phối lại cho các tỉnh, thành khác trong cả nước và xuất khẩu, nên phải xác định đây là một thị trường khó tính, có sức cạnh tranh và yêu cầu cao về tiêu thụ. Giá cả - chất lượng – mẫu mã vẫn giữ vai trò tiên quyết trong việc đưa hàng vào chợ Bình Điền”.

Ông Tsan A Sìn khẳng định thêm nông sản đi vào các chợ đầu mối thật sự không quá khó. Vấn đề là sự minh bạch về thông tin trong sản xuất, chất lượng tốt, số lượng phải đảm bảo, nguồn cung ứng phải đầy đủ và ổn định. Do đó việc thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo mô hình liên kết chuỗi… cần được hộ nông dân, hợp tác xã và địa phương quan tâm.

Nông sản TP.HCM sẽ rộng cửa ra tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị… nếu nông dân đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm trên nông sản của mình.

Một thông tin vui cho cho nông dân TP.HCM là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty quản lý kinh doanh chợ Bình Điền cam kết sẽ luôn hỗ trợ và đồng hành với các nhà cung ứng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM.

VIÊN VIÊN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement