03/02/2020 13:01
Nông sản rớt giá thê thảm, ùn ứ không thể xuất khẩu sang Trung Quốc
Những ngày vừa qua, các loại trái cây tại Việt Nam không chỉ rơi vào tình trạng rớt giá thê thảm mà tại các cửa khẩu còn diễn ra tình trạng ùn ứ nông sản không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết thanh long không thể xuất khẩu nên giá rớt xuống khoảng 7.000/kg so với 20.000/kg trước khi có dịch virus corona.
Không ngoại lệ, nếu như năm trước giá dưa hấu sẽ được bán với giá từ 7.000-9.000 đồng/kg thì năm nay giá dưa chỉ bán ở mức 800-1.000 đồng/kg, còn tính cả phí công bốc dỡ lên xe thì giá dao động từ 1.300-1.800 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, hiện tại nhiều thương lái còn không dám mua vì không thể xuất khẩu mặc dù giá đã hạ rất thấp.
Dưa hấu rớt giá thê thảm chỉ còn 800-1.000 đồng/kg |
Không chỉ sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, dưa hấu, thanh long cũng đang giảm giá mạnh mà thương lái cũng thờ ơ. Tại vườn ở Tân Phong (Tiền Giang), giá chôm chôm chỉ còn 10.000 đồng/kg trong khi trước đây ở mức 25.000-35.000 đồng/kg.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra đang hoành hành ở Trung Quốc khiến tình hình tiêu thụ nông sản từ Việt Nam qua nước này đang vấp phải nhiều trở ngại lớn.
Hàng nông sản đang ùn ứ tại các khu vực cửa khẩu chủ yếu là dưa hấu và thanh long, được các doanh nghiệp tư thương vận chuyển từ phía Nam ra trước khi Trung Quốc có thông báo chính thức tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa.
Hàng trăm xe container hoa quả đông lạnh đang nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: B.NGỌC |
Tính tới ngày 31/1, có khoảng 117 chiếc xe container chở thanh long xuất sang Trung Quốc phải nằm chờ tại bãi xe cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Mỗi xe chứa từ 13-18 tấn thanh long và có hàng nghìn tấn thanh long đang nằm chờ thông quan trong ngày đầu tiên cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc dừng giao thương hàng hóa để hạn chế dịch corona lây lan.
Hoạt động giao thương tại các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị, Đồng Đăng, Chi Ma…, tỉnh Lạng Sơn cũng đình trệ vì đại dịch corona bùng phát. Các cửa khẩu vùng biên hiu hắt, không còn cảnh xe cộ chất đầy hàng hóa tấp nập qua lại. Thi thoảng có một vài hành khách qua lại thăm nom cửa hàng hoặc trên đường đi du lịch trở về.
Trước tình trạng trên, các chiến dịch giải cứu nông sản cũng được đưa ra để giải quyết tình hình trước mắt
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cũng bày tỏ lo lắng khi thông tin mở cửa cửa khẩu vào 9/2 có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào do chưa lường hết được diễn biến của dịch cúm corona. Ngoài ra, dịch cúm corono từ Trung Quốc còn gây tác động đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ bởi người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới hạn chế đi lại mua sắm, gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ không ít mặt hàng.
Do đó, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng doanh nghiệp cần phải thận trọng cũng như có giải pháp tự ứng cứu, không thể hoàn toàn trông chờ vào việc mở cửa trở lại. "Chẳng hạn, các mặt hàng nông sản khác như gạo tuy có ảnh hưởng nhưng không quá lớn như rau củ, trái cây và có thể chủ động tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ" - ông Tùng nêu ý kiến.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, để tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu biên giới, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hộ nông dân cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan cần cập nhật thông tin về lịch đóng - mở cửa khẩu để điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các khu vực này, nhằm bảo đảm an toàn chất lượng hàng hóa, tránh tình trạng bị ép giá.
Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc (như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…) để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh các tác động bất lợi.
"Đồng thời, thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu để tránh phát sinh rủi ro và giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thời gian qua" - đại diện Cục Xuất nhập khẩu lưu ý thêm.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp