08/03/2018 16:56
Nông nghiệp Việt Nam có đáng lo khi CPTPP được ký kết?
Trong khi nhiều ngành hàng công nghiệp được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn sau khi CPTPP được ký kết, thì cũng có những lo ngại đối với nhóm hàng nông nghiệp.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết vào rạng sáng 9-3 (giờ Việt Nam) tại Chi Lê. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia Hiệp định này, chủ yếu từ nhóm hàng xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy hải sản…
Tuy nhiên, không ít lo ngại khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ, nhiều nhóm hàng nông sản như thịt gia súc, gia cầm, mía đường… sẽ đối diện với áp lực cạnh tranh mới. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhóm hàng hàng này liên tục trong nhiều năm ở trạng thái thường xuyên phải “cầu cứu”.
Mới đây Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, trong lĩnh vực nông nghiệp như canh tác mía và ngành công nghiệp mía đường rất chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác.
Dù chưa có được chính xác những điều khoản trong CPTPP nhưng theo nhận định của các chuyên gia trong nước, nội dung của hiệp định này cơ bản giống với TPP, trừ những điều khoản liên quan đến thị trường Hoa Kỳ do nước này rút khỏi hiệp định từ năm 2017. Và theo cam kết thì những mặt hàng yếu thế của Việt Nam xem ra vẫn còn thời gian để chuẩn bị.
Cụ thể, chỉ có sữa và các sản phẩm từ sữa được xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu vào VN sau khi hiệp định được ký, nhưng không phải là toàn bộ. Vẫn có những nhóm sản phẩm sau 3 năm nữa thuế nhập mới được xóa bỏ. Gạo và phân bón cũng nằm trong nhóm được xóa bỏ thuế ngay sau khi ký hiệp định…
Ký kết CPTPP sẽ thay đổi nhiều lĩnh vực thương mại của Việt Nam. |
Nhóm hàng trong nước thường xuyên chịu sức ép từ sản phẩm nhập khẩu như thịt gà sau ít nhất 11 năm nữa thuế suất mới xóa bỏ, tương tự thịt heo tươi là 10 năm, thịt heo đông lạnh là 8 năm; các loại thực phẩm chế biến từ thịt xóa bỏ vào năm thứ 8-11, chế biến từ thủy sản được cho là ngắn nhất cũng sau 5 năm nữa.
Ngoài ra, CPTPP không có cam kết về trợ cấp nội địa đối với nông sản. Vì vậy, có thể hiểu là VN vẫn có thể tiếp tục sử dụng các biện pháp trợ cấp nội địa cho nông sản mà WTO cho phép. Chẳng hạn biện pháp trợ cấp cho nông nghiệp nông thôn không hoặc ít tác động bóp méo thương mại, trợ cáp trong chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất như các trợ cấp đầu tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp…
Theo các chuyên gia đánh giá, nếu tận dụng tốt khoảng thời gian áp dụng xóa bỏ thuế theo lộ trình, ngành này vẫn có cơ hội vươn lại. Ngoài ra nhiều nhóm hàng nông lâm thủy hải sản hiện chưa có được sự đầu tư bài bản. Sau khi hiệp định này được ký kết có thể thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ các nước trong khối đầu tư phát triển ngành hàng này dựa trên lợi thế về nhân lực…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp