08/07/2021 07:23
Nóng, lạnh cổ phiếu điện
Giữa cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, song không phải cổ phiếu ngành điện nào cũng được hưởng lợi.
Nguội lạnh cổ phiếu nhiệt điện
Nắng nóng gay gắt xảy ra trên diện rộng khiến nhu cầu sử dụng điện của cả nước tăng vọt. Ngày 21/6/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, công suất tiêu thụ điện toàn quốc thiết lập mức đỉnh mới với con số 42.146 MW. Công suất tiêu thụ điện tính riêng khu vực miền Bắc và TP. Hà Nội đã lập kỷ lục mới lần lượt đạt 18.700 MW và 4.700 MW.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện thương phẩm đạt 90,56 tỷ kWh, tăng trưởng 8,57% so với cùng kỳ 2020. Hiện EVN và các đơn vị đang triển khai đầu tư các công trình lưới điện theo kế hoạch năm 2021, trong đó tập trung các dự án lưới điện quan trọng như đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; các công trình lưới điện đấu nối nguồn điện lớn; giải tỏa nguồn điện năng lượng mặt trời...
Trong 5 tháng đầu năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo lấy đi khoảng 13% tổng sản lượng tiêu thụ từ các nguồn năng lượng truyền thống.
Công ty Chứng khoán SSI nhận định, tăng trưởng tiêu thụ điện tháng 5 khá bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Tuy nhiên, sản lượng dồi dào từ các nguồn năng lượng tái tạo đã ảnh hưởng đến sản lượng phát điện từ các công ty nhiệt điện.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, các nguồn năng lượng tái tạo lấy đi khoảng 13% tổng sản lượng tiêu thụ từ các nguồn năng lượng truyền thống. Việc huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện cũng bị sụt giảm do điều kiện thủy văn thuận lợi cho các nhà máy thủy điện hoạt động.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) vừa có Nghị quyết Hội đồng quản trị đánh giá sơ bộ về hoạt động các tháng 4, 5, 6 năm 2021. HND cho biết, sản lượng điện sản xuất đạt 95,5% kế hoạch quý. Kết quả sản xuất - kinh doanh điện các tháng lãi 166 tỷ đồng. Trước đó, trong quý I, Công ty thua lỗ 11,2 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện thực phát giảm.
Trong nhóm nhiệt điện, các công ty điện khí trở nên kém cạnh tranh hơn so với các công ty điện than. Sản lượng phát điện từ các nhà máy điện khí trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm tới 16,8% so với cùng kỳ.
Tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2), lợi nhuận nhiều quý gần đây không cao. Lãnh đạo NT2 lý giải, việc nguồn điện từ năng lượng tái tạo tham gia vào hệ thống đã làm giảm huy động từ điện khí. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện kể từ khi dịch COVID-19 cũng sụt giảm mạnh. Trước đây, Công ty quen với việc giá khí thấp thì nay giá khí cao, có những thời điểm nhà máy không có đủ khí để chạy.
Năm 2021, NT2 đặt kế hoạch sản xuất 4,6 tỷ kWh điện, tổng doanh thu đạt 7.716 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 462,2 tỷ đồng. Với kế hoạch này, doanh thu NT2 tăng 26,8% nhưng lợi nhuận lại sụt giảm 26% so với kết quả thực hiện trong năm ngoái. Dự báo phải đến quý II/2022, tăng trưởng lợi nhuận của NT2 mới khả quan.
Theo SSI, trong bối cảnh giá khí tăng, giá bán điện bình quân từ các nhà máy điện khí từ đầu năm 2021 đã vượt hơn các nhà máy điện than. Do đó, EVN sẽ sử dụng các nguồn thủy điện và điện than, thay vì điện khí.
Hàng loạt cổ phiếu nhóm ngành nhiệt điện như PPC, NT2 , HND… đang có đà sụt giảm mạnh dù đang ở cao điểm tiêu thụ điện mùa hè. Đơn cử, giá cổ phiếu PPC ngày 30/6/2021 là 24.950 đồng/cổ phiếu, giảm 14,2% so với ngày 6/4/2021 và gần như đi ngang so với hồi đầu năm nay.
Cùng thời điểm này, giá cổ phiếu NT2 là 20.550 đồng/cổ phiếu, giảm 16,2% so với phiên 4/1/2021; giá cổ phiếu HND đạt 18.000 đồng/cổ phiếu, giảm 6,25% so với đầu năm.
Có thể nhận rõ áp lực từ điện năng lượng tái tạo đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhiệt điện, điện khí như PPC, HND, NT2…
Điện năng lượng tái tạo chưa vội mừng
Nếu như các doanh nghiệp nhiệt điện đang có biểu hiện hụt hơi thì sóng tăng trưởng dài hạn được kỳ vọng ở nhóm doanh nghiệp điện năng lượng tái tạo.
Một số cổ phiếu ngành điện ghi nhận đà tăng khá tốt kể từ đầu năm đến nay. Chẳng hạn, cổ phiếu VSH (của Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) đóng cửa phiên giao dịch 30/6 ở mức 21.850 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% so với thị giá ngày 4/1/2021.
Cổ phiếu DNH của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi tăng 15% trong 6 tháng đầu năm, đạt mức 37.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 6.
Ở nhóm doanh nghiệp điện mặt trời, ngoại trừ PC1 có đà tăng khả quan, thì một số cổ phiếu đã có sự điều chỉnh so với giai đoạn trước. Cụ thể như SHE giao dịch ở mức 16.900 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với phiên giao dịch đầu năm.
Trước khi điều chỉnh giá của đợt chia cổ tức 2020, giá cổ phiếu BCG cũng hạ nhiệt so với thời điểm đầu tháng 3. Trong khi ASM giảm 17%, TTA giảm 26%.
Tuy nhiên, với dự báo nhu cầu điện của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai, giới chuyên gia phân tích đánh giá, triển vọng tăng trưởng của nhóm ngành năng lượng tái tạo rất tích cực trong dài hạn.
Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG) đang tập trung triển khai các dự án điện gió và các dự án điện mặt trời áp mái, mục tiêu hoàn thành 200 MW dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp và điện mặt trời áp mái trong năm 2021.
Trong năm 2022, doanh nghiệp tiếp tục tập trung triển khai các dự án đã được bổ sung vào quy hoạch điện 8. Kế hoạch mở rộng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bên cạnh hai trụ cột khác là xây dựng và bất động sản giúp Công ty tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 806 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với mức thực hiện năm 2020.
Doanh nghiệp cùng nhóm ngành là TTA đặt mục tiêu doanh thu 680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 37% và 16,2% so với thực hiện năm ngoái.
Cơ sở cho mục tiêu này là các nhà máy điện của Công ty đã đi vào hoạt động ổn định và dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai, do Công ty liên kết đầu tư, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2021.
Kết thúc quý I/2021, TTA ghi nhận lãi 31 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái do trong kỳ Công ty ghi nhận hai nhà máy đi vào hoạt động là Thủy điện Pá Hu và Điện mặt trời Hồ Núi Một.
Còn tại ASM, doanh thu từ điện mặt trời đã đóng góp tích cực cho doanh nghiệp trong thời gian qua. Năm 2020, mảng kinh doanh này mang về 515 tỷ đồng lợi nhuận cho ASM, đạt 136% so với kế hoạch đề ra và tăng 227% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2021, ASM đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả cổ tức 10 - 20%. ASM đã đấu nối thành công Nhà máy điện mặt trời An Hảo giai đoạn 3 4 sẽ đem lại triển vọng tích cực cho doanh nghiệp trong năm nay.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai (ASM) cho biết, Công suất phát điện tại hai nhà máy của Sao Mai tại Long An và An Giang đang rất tốt. Riêng nhà máy ở An Giang, do tiến độ đầu tư đường dây mạch kép 110 kV từ Tịnh Biên đi Châu Đốc chủ đầu tư là SPC bị chậm tiến độ nên nhà máy bị giảm công suất gần 30% trong mấy tháng nay.
Giới chuyên gia đánh giá sự cân bằng hơn giữa cung và cầu điện trong năm 2022 sẽ cải thiện hiệu suất hoạt động và sản lượng của nhóm năng lượng tái tạo.
Nếu công suất điện mặt trời không thay đổi thêm và công suất điện gió được triển khai đúng theo với dự thảo Quy hoạch điện 8, tỷ lệ cung - cầu điện trên toàn quốc sẽ đạt mức cân bằng. Với xu hướng chú trọng vấn đề biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, nhóm cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo sẽ đem lại cơ hội đầu tư dài hạn cho nhà đầu tư với triển vọng đến từ điện mặt trời, điện gió.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp