Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nơi ôtô không được chào đón

Xe+

04/03/2021 07:42

Trong khi các nhà sản xuất ôtô hứa hẹn loại bỏ động cơ đốt trong, thành phố Heidelberg đang cố gắng loại bỏ ôtô.

Noi oto khong duoc chao don anh 1

Heidelberg, thành phố xinh đẹp bên sông Neckar ở miền Nam nước Đức, với 160.000 dân, nơi trường đại học lâu đời nhất nước Đức tọa lạc.

Eckart Wurzner, thị trưởng thành phố Heidelberg, đặt mục tiêu giải phóng thành phố của mình khỏi khí thải. Ông cảm thấy không quá ấn tượng bởi những lời hứa hẹn loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch từ General Motors, Ford và nhiều hãng ôtô lớn khác.

Ông Wurzner không phản đối ôtô điện. Trên thực tế, thành phố có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình mua xe EV, khoản tiền tương đương 1.200 USD. Người dùng lắp đặt trạm sạc riêng được nhận thêm 1.200 USD nữa.

Noi oto khong duoc chao don anh 2
Ông Eckart Wurzner, thị trưởng thành phố Heidelberg.

Tuy nhiên, ôtô điện không nằm trong nhóm những giải pháp hàng đầu mà ông Wurzner lựa chọn để giảm thiểu ảnh hưởng của Heidelberg tới khí hậu, dù thành phố được đánh giá cao trong việc quy hoạch đô thị thân thiện với môi trường.

Ông Wurzner đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào ôtô, bất kể chúng sử dụng loại nhiên liệu nào. Thành phố Heidelberg lên kế hoạch lập đội xe buýt chạy bằng nhiên liệu hydro, xây dựng hệ thống “đường cao tốc” tới vùng ngoại ô cho xe đạp, tạo ra các khu dân cư khuyến khích đi bộ. Những hộ gia đình không dùng ôtô riêng được sử dụng miễn phí phương tiện giao thông công cộng một năm.

Loại bỏ ôtô dùng động cơ đốt trong có thể là chưa đủ

Heidelberg thuộc nhóm những thành phố đi đầu trong việc giảm sự phụ thuộc vào ôtô – phong trào phát triển mạnh mẽ nhất tại châu Âu. Tuy nhiên, nhiều khu vực trên thế giới cũng đang bắt đầu lựa chọn hướng đi này, ví dụ như Austin (Texas, Mỹ) hay Portland (Orengon, Mỹ).

Đại dịch COVID-19 khiến các đô thị vốn đông đúc nay trở nên thoáng đãng khi không còn nhiều xe trên đường, và người dân thích điều đó.

Tuyên bố loại bỏ nhiên liệu hóa thạch từ General Motors, Ford hay Jaguar Land Rover như một lời thừa nhận ngầm, rằng các hãng xe này sẽ không được chào đón ở nhiều thành phố, trừ khi họ thực sự quyết liệt trong việc bảo vệ môi trường. Dù vậy, động thái kể trên có thể là chưa đủ, khi các nhà quy hoạch đô thị đang cố gắng giải phóng không gian mà ôtô hiện chiếm dụng.

Noi oto khong duoc chao don anh 3
Xe buýt điện ở khu phố cổ của Heidelberg.

Cụ thể, nhiều thành phố ở châu Âu như Rome, London và Paris lên kế hoạch chỉ sử dụng phương tiện không phát thải tại khu vực trung tâm trong thập niên tiếp theo. Một số thành phố khác như Stockholm hay Stuttgart (quê hương của Mercedes-Benz) hiện đã ban hành lệnh cấm các mẫu ôtô dùng động cơ diesel cũ.

Chính phủ các nước cũng không đứng ngoài cuộc. Ireland, Hà Lan, Thụy Điển và Slovenia cho biết sẽ cấm bán xe dùng động cơ đốt trong sau năm 2030. Vương quốc Anh và Đan Mạch dự kiến làm vậy vào năm 2035, trong khi với Pháp và Tây Ban Nha, mốc thời gian được đưa ra là năm 2040.

Nơi ôtô không được chào đón

Heidelberg mang đến cái nhìn trực quan nhất về mô hình đô thị hạn chế ôtô trong tương lai.

Một trong những biện pháp được Heidelberg áp dụng là xây cầu vượt tại các khu vực giao thông đông đúc và cầu qua sông Neckar dành riêng cho người đi xe đạp. Nhờ vậy, xe đạp không cần tranh giành không gian lưu thông với các loại xe dùng động cơ.

Song song đó, trong thập niên vừa qua, Heidelberg cũng cắt giảm 50% mức tiêu thụ năng lượng của các trường học và tòa nhà ở thành phố - việc không dễ dàng khi nhiều công trình có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Noi oto khong duoc chao don anh 5
Heidelberg đang xây dựng hệ thống “đường cao tốc” tới vùng ngoại ô cho xe đạp.

Ôtô điện không làm ô nhiễm không khí nhưng vẫn chiếm dụng không gian như xe chạy xăng và diesel. Thị trưởng Wurzner cho biết Heidelberg vẫn gặp tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm, dù chỉ khoảng 20% người dân di chuyển bằng ôtô, trong khi số còn lại đi bộ, đạp xe hoặc đi xe buýt điện.

Mặt khác, ôtô điện cũng là loại phương tiện đắt đỏ. Với giá bán trung bình hiện tại, xe EV nằm ngoài tầm với của những người có thu nhập thấp. Vì vậy, cần những giải pháp thay thế toàn diện và dễ tiếp cận hơn về mặt tài chính, ví dụ như các phương tiện giao thông công cộng hay tuyến đường dành cho người đi xe đạp.

Noi oto khong duoc chao don anh 6
Heidelberg có những cây cầu dành riêng cho xe đạp đi qua sông Neckar.

Bên cạnh đó, Heidelberg còn có một trong những khu vực dành cho người đi bộ rộng và dài nhất nước Đức, thường xuyên đón những đoàn khách du lịch đông đúc trước khi dịch COVID-19 bùng nổ. Thế nhưng, minh chứng lớn nhất cho tham vọng tạo ra môi trường sống không khí thải của thành phố này là Bahnstadt – khu dân cư được xây dựng trên cảng nội địa cũ ở rìa Heidelberg.

Các tòa chung cư ở Bahnstadt gần như không cần dùng năng lượng để phục vụ hệ thống máy sưởi. Nguồn điện ít ỏi mà chúng cần tới được cung cấp bởi một nhà máy sản xuất điện từ gỗ thừa.

Noi oto khong duoc chao don anh 7
Các tòa chung cư ở Bahnstadt gần như không cần dùng năng lượng để phục vụ hệ thống máy sưởi.

Ôtô không bị cấm ở Bahnstadt, nhưng lượng xe tham gia giao thông gần như bằng không. Đa phần phố sá là đường cụt và các tòa chung cư được quy hoạch nằm bao quanh những khoảng sân lớn, nối với nhau bằng đường dành cho người đi bộ. Con phố duy nhất chạy xuyên suốt Bahnstadt có tốc độ giới hạn 30 km/h và xe đạp được ưu tiên nhường đường.

Song song đó, khu dân cư 5.600 người này còn có sáu điểm thuê ôtô theo giờ, với hai xe điện mỗi điểm. Người dân chỉ cần đi bộ một quãng ngắn để tới ga tàu chính của Heidelberg và có tuyến đường riêng vào trung tâm thành phố cho xe đạp.

Đồng thời, Bahnstadt vẫn có trường mẫu giáo, tiểu học, siêu thị, tiệm bánh, quán cà phê, trung tâm cộng đồng và các tòa cao ốc văn phòng lớn, đủ để đáp ứng nhu cầu sông của cư dân.

Dieter Bartmann, một trong những người đầu tiên chuyển tới Bahnstadt vào năm 2012, cho biết ông chỉ di chuyển bằng ôtô khoảng 20 km trong tháng một, chủ yếu để chở các loại hàng hóa mà xe đạp không chở được.

Vị cư dân này cũng bày tỏ mong muốn Bahnstadt sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc hạn chế ôtô dùng động cơ đốt trong. Theo ông Bartmann, hầm gửi xe của một số tòa nhà hiện không được thiết kế để phục vụ xe điện cũng như lắp đặt hệ thống điểm sạc. Ngoài ra, đường cho người đi bộ và xe đạp cũng chưa đủ rộng và đôi khi rơi vào tình trạng đông đúc, chen lấn.

Noi oto khong duoc chao don anh 10

Thị trưởng Wurzner cho biết Heidelberg đặt mục tiêu trung hòa khí thải CO2 (lượng khí thải CO2 tạo ra bằng lượng khí thải CO2 được loại bỏ khỏi môi trường) kể từ năm 2030. Thành phố này lên kế hoạch tự sản xuất điện gió và năng lượng mặt trời, đồng thời xây dựng trạm tiếp nhiên liệu cho đội gồm 42 chiếc xe buýt dùng nhiên liệu hydro.

Theo ông Wurzner, nhiều lãnh đạo thành phố ở Mỹ, châu Âu và châu Á cũng bày tỏ mong muốn đi theo hướng phát triển mà ông đang áp dụng cho Heidelberg.

“Tất cả đều biết đây là xu hướng phát triển bắt buộc của tương lai. Vấn đề chỉ là thời gian nhanh hay chậm mà thôi”, ông Wurzner nói.

VỸ PHONG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement