16/08/2017 07:21
Nỗi lo chiến tranh và thời của tài sản an toàn
Giá vàng thế giới quanh 1.200USD/oz kể từ giữa tháng 7 đến nay, nhưng có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây, lên mức cao nhất trong vòng hai tháng qua. Giá vàng leo thang do tâm lý lo sợ chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên, khi có hàng loạt tuyên bố của 2 nước này đe dọa và cảnh báo nhắm trực tiếp vào nhau.
Thị trường vàng thế giới một lần nữa lại tiếp cận vùng kháng cự gần 1.300USD/oz. Đây có thể xem là ngưỡng "tâm lý cứng" khi trong hơn 7 tháng đầu năm nay thị trường chủ yếu dao động trong biên độ 1.200 - 1.300USD/oz và đã có hai lần tiếp cận vùng kháng cự này nhưng không thể vượt qua.
Tuy nhiên, với những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tăng lên trong những ngày gần đây, dòng vốn đang chạy vào những tài sản an toàn như vàng có thể đẩy thị trường vượt kháng cự trong thời gian tới.
Trong khi đó, đồng yên tuần qua cũng tăng đến 1,5%, lên mức cao nhất trong bốn tháng so với USD. Yên Nhật luôn là đồng tiền hưởng lợi khi rủi ro địa - chính trị xuất hiện bởi Nhật Bản là nước chủ nợ lớn nhất thế giới.
Rủi ro chiến tranh lại tăng lên khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp công kích và đe dọa tấn công lẫn nhau. Ngày 9/8, Tổng thống Donald Trump cảnh báo Mỹ sẵn sàng trút "hỏa lực và thịnh nộ” lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có các hành vi đe dọa. Lầu Năm Góc cũng được cho là chuẩn bị sẵn kế hoạch tấn công phủ đầu 20 cơ sở tên lửa Triều Tiên một khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh.
Ngày 10/8, Triều Tiên thông báo quân đội nước này sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công đảo Guam bằng bốn tên lửa đạn đạo vào giữa tháng 8. Triều Tiên được cho là đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo và đang sở hữu khoảng 60 vũ khí hạt nhân.
Đến ngày 11/8, Tổng thống Donald Trump tiếp tục có những cảnh báo cứng rắn gửi đến Triều Tiên, rằng nước này "sẽ hối hận" nếu tấn công đảo Guam hay đồng minh của Mỹ. Ngày 12/8, Triều Tiên tuyên bố "đủ khả năng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào mà Mỹ muốn".
Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên liên tục leo thang suốt vài tháng qua, sau khi Bình Nhưỡng nhiều lần phóng thử tên lửa, trong đó trong tháng 7 có hai lần thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Các ICBM của Triều Tiên thậm chí có thể tấn công cả những thành phố lớn như New York.
Gần đây, Liên Hiệp Quốc đã áp lệnh trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay lên Triều Tiên, theo đó cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản, cấm các nước tiếp nhận thêm lao động Triều Tiên, lập liên doanh với Triều Tiên và cấm các liên doanh hiện có tăng mức đầu tư.
Trong cuộc họp gần nhất hồi tháng 4/2017 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vấn đề Triều Tiên được đưa lên bàn nghị sự với mối quan tâm sâu sắc, theo đó Tổng thống Donald Trump yêu cầu Trung Quốc cần có những giải pháp kiềm chế đối với Triều Tiên về vấn đề vũ khí hạt nhân, nếu không tự thân Mỹ sẽ can thiệp đơn phương khi cần thiết.
Và thực tế thời gian qua cho thấy dường như Trung Quốc đang mất dần sức ảnh hưởng với chính quyền Triều Tiên, do đó chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày càng có những động thái muốn tự tay xử lý vấn đề này.
Trong khi đó, căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, giữa Nga và Mỹ khi Mỹ đã áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Nga cũng khiến giới đầu tư thêm lo lắng.
Căng thẳng Trung - Ấn bùng lên từ giữa tháng 6, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng đường giao thông.
Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ vào cuối tuần qua đã yêu cầu người dân làng Nathang - cách khu vực tranh chấp Doklam khoảng 35km phải sơ tán ngay lập tức.
Động thái này được coi là biện pháp phòng ngừa cần thiết của quân đội Ấn Độ để tránh thương vong cho dân thường trong trường hợp xảy ra giao tranh, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tuyên bố chủ quyền với Doklam.
Nếu chiến tranh xảy ra, không chỉ vàng, đồng yên mà cả đồng USD có thể tăng mạnh trở lại trước nhu cầu đầu tư an toàn, trong khi những tài sản khác như trái phiếu và tiền tệ các nước khác có thể bị ảnh hưởng và sụt giảm nghiêm trọng. Diễn biến những ngày qua cho thấy các thị trường chứng khoán chao đảo vì Triều Tiên, 1.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi chứng khoán toàn cầu.
Cụ thể, trên thị trường chứng khoán Mỹ, S&P 500 và Dow Jones đều có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3. Chứng khoán châu Âu thì giảm mạnh nhất kể từ bầu cử Tổng thống Mỹ và thị trường mới nổi cũng trong tình trạng giảm sâu, trong khi chỉ số MSCI All Country World Index có tuần giảm mạnh nhất kể từ ngày 4/11/2016.
Advertisement
Advertisement