29/11/2021 08:19
Nối dài đà tăng FDI vào Việt Nam
Xu hướng phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng rõ ràng hơn. Không những thế, có thể kỳ vọng sự gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nối dài đà tăng trưởng
Dù tốc độ tăng trưởng chưa cao, nhưng trong 2 tháng gần đây, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục có xu hướng tăng điểm. Cụ thể, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Điểm đặc biệt là, ngoại trừ phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm khá mạnh (giảm 33% so với cùng kỳ), đạt 4,4 tỷ USD và điều này là hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) toàn cầu sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đều tăng mạnh.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 11 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt gần 14,1 tỷ USD, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn điều chỉnh đạt trên 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ. Mức tăng này là rất tích cực trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu vẫn đang khá trầm lắng.
Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần được dự báo sẽ sớm tăng lên, khi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế. Thông tin được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Việt Nam dự kiến mở lại đường bay quốc tế từ tháng 12/2021. Khi các chuyến bay quốc tế được thiết lập lại, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, nghiên cứu và ra quyết định “mua bán”.
Động thái gần đây, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) chi 340 triệu USD mua cổ phần của The CrownX, công ty con của Tập đoàn Masan; hay Tập đoàn De Heus mua lại mảng thức ăn chăn nuôi của Masan… cũng đã góp phần “làm nóng” thị trường M&A Việt Nam.
Khi giá trị của các thương vụ này được ghi nhận, số liệu thống kê về tình hình đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần sẽ được cải thiện, qua đó tạo hiệu ứng tích cực lên số liệu thống kê tổng thể về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021. Hiện tại, phần tăng trưởng của đầu tư mới và đầu tư mở rộng đang phải “gánh” phần sụt giảm mạnh của đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần. Chính vì thế, tính chung, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng qua chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Chờ đón nhiều dự án lớn
Trong khi ở Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài “chốt sổ” tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 11 tháng, thì ở Nhật Bản, hàng loạt sự kiện quan trọng đã diễn ra nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước thời gian gần đây đều gắn liền với việc xúc tiến đầu tư. Có thể kỳ vọng, đầu tư vào Việt Nam sẽ tốt hơn trong thời gian tới, nhất là trong năm 2022.
Một trong số đó là Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, với chủ đề “Việt Nam - Nhật Bản nâng tầm quan hệ, hợp tác cùng phát triển”. Sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi Covid-19, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt - Nhật đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức trở lại theo hình thức trực tiếp, tại Nhật Bản và đã thu hút được sự quan tâm của hàng ngàn doanh nghiệp hai nước.
Năm ngoái, do Covid-19, sự kiện này đã buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, trong sự hồ hởi của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, bởi thực tế, mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản tới thị trường Việt Nam là rất lớn.
Và thông tin là rất tích cực, khi tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam đã chứng kiến lễ ký 44 thỏa thuận hợp tác, trị giá hàng tỷ USD.
Trong số đó, có thỏa thuận hợp tác đầu tư Nhà máy Điện Lạng Sơn,trị giá 1,75 tỷ USD; thỏa thuận phát triển dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc, trị giá 500 triệu USD; thỏa thuận hợp tác phát triển Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng), trị giá 250 triệu USD; biên bản ghi nhớ về việc Tập đoàn AEON xây dựng AEON Mall, 170 triệu USD, tại Thừa Thiên Huế…
Không những thế, trong khung khổ chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp hàng loạt tập đoàn lớn, như Hitachi, Sumitomo, MUFG, Idemitsu, Ngân hàng JBIC, Ngân hàng Mizuho… Các tập đoàn này đều khẳng định sự quan tâm và đề xuất các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng đã thẳng thắn nói rằng, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, doanh nghiệp có thể trực tiếp liên hệ với các bộ trưởng để xem xét giải quyết. Thủ tướng Chính phủ cũng luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.
“Vướng mắc ở cấp nào thì ở cấp đó phải giải quyết, nếu không giải quyết được thì các ngài trực tiếp gửi thư đích danh cho Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Một thông điệp như vậy chắc chắn sẽ tạo dựng được lòng tin với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó, góp phần quan trọng kéo dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn.
Chia sẻ điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, số lượng cam kết đầu tư vào Việt Nam ngày càng gia tăng. “Các chuyến công du nước ngoài của các nhà lãnh đạo đất nước thời gian gần đây đều gắn liền với việc xúc tiến đầu tư và động thái rất khả quan. Do đó, có thể kỳ vọng, đầu tư vào Việt Nam sẽ tốt hơn trong thời gian tới, nhất là trong năm 2022”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Thông tin tích cực là sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, với dày đặc các hoạt động tiếp xúc với các tập đoàn lớn, thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lên đường công du Thụy Sỹ và Liên bang Nga. Tuy Thụy Sỹ và Liên bang Nga không phải là các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, song chắc chắn, sẽ tiếp tục có những kế hoạch hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và hai quốc gia này.
Những cơ hội mới đang tiếp tục được mở ra. Các dự án lớn, các “món ngon” còn đang ở phía trước…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp