04/06/2017 12:25
Nợ xấu và sở hữu chéo
Cổ phiếu ngân hàng “dậy sóng” từ thị trường niêm yết đến sàn OTC với mức tăng 5-20% tùy từng tổ chức tín dụng kể từ khi thông tin Quốc hội sẽ xem xét dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Chính phủ trình.
Thực ra cổ phiếu ngân hàng đã nhúc nhích tăng từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến công chúng về dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Mức tăng của cổ phiếu ngân hàng vẫn còn thua xa so với chính nó trong lịch sử và so với các nhóm cổ phiếu khác, đơn giản vì nợ xấu là câu chuyện chính, câu chuyện quá lớn mà bản thân ngành ngân hàng không thể tự thân một mình giải quyết được.
Những ngày tới đây nếu Quốc hội có thông qua nghị quyết về nợ xấu, thì đó cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một cuộc trường chinh đại phẫu thuật nợ. Nghị quyết về nợ xấu không phải là đôi đũa thần. Có nghị quyết rồi, quan trọng là thực hiện như thế nào để thành công.
Trong bài viết này người viết muốn đề cập đến một khía cạnh mà các cuộc thảo luận vừa qua chưa nói đến: sở hữu chéo. Giới quan sát nhìn thấy rất rõ các chuyên gia kinh tế, tài chính - ngân hàng, những người soạn thảo nghị quyết và đại diện các bộ, ngành liên quan cũng như đại diện các tổ chức tín dụng đều lên tiếng ủng hộ một nghị quyết về nợ xấu. Giới học giả, nghiên cứu góp một tiếng nói phân tích tích cực. Duy chỉ có các con nợ doanh nghiệp là im hơi lặng tiếng.
Mười hai dự án thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó một tỷ lệ không nhỏ là tiền vay ngân hàng, không có “ông” nào phát biểu một câu. Rồi còn hàng loạt doanh nghiệp bất động sản mà nợ xấu được che khuất bởi những lần đảo nợ... Cứ như thể nợ xấu chỉ là chuyện của các chủ nợ, của các ngân hàng, trong khi các con nợ mới là một trong những chủ thể chính yếu.
Vì sao nợ xấu lại liên quan đến sở hữu chéo?
Hiện nay tổng vốn tự có của hệ thống ngân hàng nhìn chung thấp hơn tổng số nợ xấu tính trên số tuyệt đối. Với các ngân hàng yếu kém, vốn chủ sở hữu đã âm.
Đó là lý do tại sao một số chuyên gia tài chính am hiểu ngân hàng đã cảnh báo tổ chức tín dụng Việt Nam dễ bị tổn thương một khi có các yếu tố tiêu cực từ thị trường tài chính bên ngoài tác động vào.
Không những thế sự dích dắc còn nằm ở chỗ vốn góp vào ngân hàng, tức trong cơ cấu vốn điều lệ, của nhiều cổ đông cả lớn lẫn nhỏ, là tiền vay ngân hàng. Có những khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu ngân hàng mà thời hạn không tính bằng 1-2 năm, chúng đã kéo dài 5-7 năm.
Những ông chủ ngân hàng góp vốn bằng tiền vay là những người chịu đựng đau đớn nhất sự thoái trào kéo dài suốt tám năm từ 2008-2015 của chứng khoán. Họ không có cách nào khác ngoài “đâm lao phải theo lao”, chịu đựng gian khổ đưa ngân hàng vượt bão. Các cổ đông lớn, kể cả các khoản đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn tổng công ty nhà nước, tham gia vào ngân hàng càng sớm (năm 2006-2007) và càng “chung thủy” với ngân hàng càng thiệt hại.
Ngay cả những cổ đông lớn tham gia vào ngân hàng muộn hơn, khoảng thời gian 2010-2012 khi VN-Index trong hành trình đi tìm đáy, cũng không thoát khỏi thua lỗ bởi lãi suất đi vay những năm đó rất cao mà thị giá cổ phiếu ngân hàng lại cứ đi từ mức thấp này xuống một mức thấp hơn.
Chẳng nói đâu xa, một nhóm nhà đầu tư ba năm trước đây thôi mua cổ phần một ngân hàng ở mức giá 16.000-17.000 đồng/cổ phiếu. Tính cả lãi vay, giá vốn tới 20.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến giờ này cổ phiếu ngân hàng ấy vẫn chỉ 11.000-12.000 đồng. Bao giờ họ mới chuyển nhượng được để hòa vốn, chỉ thị trường biết!
Tháo gỡ nợ xấu, cho dù là hành trình năm năm hay lâu hơn nữa vì còn phụ thuộc vào sự ra đời của thị trường mua bán nợ mà ở Việt Nam vẫn đang thiếu vắng do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, cần một nghị quyết về nợ xấu vì nó đánh dấu sự đồng thuận của các chủ thể, của dư luận về việc xử lý gánh nặng nợ. Có chủ trương thông suốt từ trên xuống dưới thì sẽ tìm ra biện pháp thích hợp để thực hiện.
Nợ xấu bớt dần, lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng, giá cổ phiếu ngân hàng sẽ chuyển động, bấy giờ việc chuyển nhượng mới diễn ra theo chiều hướng có lợi cho cả người mua người bán. Người bán có lợi thì đúng rồi vì họ thu hồi được vốn, rút chân ra, kết thúc một chu kỳ đầu tư vật vã. Còn người mua dám bỏ tiền ra mua do họ kỳ vọng vào một giai đoạn phát triển mới của ngân hàng.
Trào lưu mới
Một cổ đông lớn tâm sự ông chỉ mong chuyển nhượng được cổ phiếu, thu hồi được vốn đầu tư là may mắn. Làm ngân hàng vất vả, rủi ro và rất nhanh bạc đầu.
Không giống như các lĩnh vực khác, ngân hàng là ngành nghề đặc thù, là huyết mạch của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP đang dựa chủ lực vào vốn ngân hàng, không phải chứng khoán. Đầu tư công vẫn đang xếp sau vốn ngân hàng nếu xét về tác động đến tăng trưởng GDP.
Nhìn từ đây, ngay cả khi thị giá cổ phiếu ngân hàng biến động, việc chuyển nhượng và sự xuất hiện của các cổ đông mới cần được kiểm soát chặt chẽ. Xử lý sở hữu chéo cần gắn với sự minh bạch hóa vốn góp vào ngân hàng từ nay trở đi.
Ngân hàng nhìn chung có quy mô lớn hơn nhiều doanh nghiệp. Những ngân hàng nhỏ nhất với số vốn 3.000-5.000 tỉ đồng cũng có tổng vốn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng. Họ có thể cho vay tới 80% vốn huy động, tức gấp ít nhất 4-5 lần vốn điều lệ.
Chỉ cần một vài khoản vay cho một số công ty sân sau là nợ xấu, là vượt quá khả năng trích lập dự phòng kể cả làm được bao nhiêu lợi nhuận trích lập rủi ro hết.
Do đó nghị quyết về nợ xấu lần này không thể không gắn với giải quyết sở hữu chéo, gắn với xử lý dứt điểm việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào tài chính - ngân hàng của doanh nghiệp nhà nước.
Con số đầu tư ngoài ngành vào tổ chức tín dụng của doanh nghiệp nhà nước còn trên mười mấy ngàn tỉ đồng tính theo giá vốn đầu tư. Chỉ cần thu hồi được các khoản này thì dòng tiền của không ít ông lớn quốc doanh được cải thiện và thậm chí có thể sử dụng để trả bớt nợ ngân hàng, cải thiện các chỉ số tài chính.
Giải quyết nợ xấu tổng hợp từ nhiều góc độ, giống như động lực mạnh thúc đẩy sự chuyển động của cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vì vậy không thể chậm trễ hơn nữa.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp