21/09/2017 02:26
Nợ công lên đến hơn 2 triệu tỷ đồng, tương đương 61% GDP
Nợ công năm 2015 tương đương 61% GDP. Trong khi đó nợ công năm 2011 mới chỉ là 54,9% GDP. Nợ chính phủ bảo lãnh cũng rất lớn.
Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Bản tin nợ công số 5. Bản tin này được phát hành chậm hơn so với quy định và cách thời điểm phát hành bản tin nợ công số 4 hơn 1 năm.
Theo đó,nợ côngnăm 2015 chiếm 61% GDP (trần Quốc hội cho phép là 65% GDP). Trong khi đó, nợ công năm 2011 mới chỉ chiếm 54,9% GDP.
Trong đó,nợ nước ngoàichiếm 42% GDP. Nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 49,2%.
Năm 2015 nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 14,9% GDP, trong khi năm 2011 là 15,6% GDP.
Cụ thể hơn về số liệu, Bản tin nợ công cho thấy, năm 2015 dư nợ của Chính phủ là hơn 94 tỷ USD, tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó nợ nước ngoài là 39,6 tỷ USD, nợ trong nước là hơn 54 tỷ USD.
Con số nợ vay năm 2015 cao hơn nhiều năm 2011. Năm 2011, dư nợ vay Chính phủ là hơn 52 tỷ USD (tương đương hơn 1 triệu tỷ đồng).
Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,3 tỷ USD, tương đương hơn 288 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ vay trong nước.
Số liệu từ Bản tin nợ công cho thấy khuynh hướng tăng cường vay nợ trong nước những năm gần đây, hạn chế vay nước ngoài. Từ năm 2013 trở về trước, vay nợ nước ngoài luôn cao hơn vay nợ trong nước. Nhưng từ 2014 đến nay có sự thay đổi rõ rệt, nợ vay trong nước tăng lên nhanh chóng. Từ mức chỉ vay trong nước 20 tỷ USD vào năm 2011 thì con số này đã tăng lên gấp gàn 3 lần, với hơn 54 tỷ USD nợ được vay trong nước.
Tỷ lệ nợ vay nước ngoài theo đó cũng giảm dần dù số lượng tuyệt đối vẫn tăng nhẹ. Nếu như nợ vay trong nước năm 2015 tăng gấp gần 3 lần năm 2011, thì nợ vay nước ngoài chỉ tăng từ con số 32 tỷ USD của năm 2011 lên hơn 39 tỷ USD của năm 2015.
Bản tin nợ công cũng đề cập đến số liệu liên quan đến vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh trong giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, năm 2015 nợ được Chính phủ bảo lãnh là gần 21 tỷ USD, tương đương trên 455 nghìn tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2011 (năm 2011 con số này mới chỉ là 13 tỷ USD). Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là vay nước ngoài với hơn 11,3 tỷ USD, còn lại là vay trong nước.
Năm 2015 cũng đã thanh toán hơn 5,4 tỷ USD để trả nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Liên quan đến số nợ được Chính phủ bảo lãnh, giữa năm 2016 Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng bày tỏ quan ngại về khoản nợ này.
Tính đến hết 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỷ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC). Con số bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP. Đáng chú ý, riêng trong giai đoạn 2011-2015 đã có sự “bùng nổ” về bảo lãnh các khoản vay.
Giai đoạn này, Bộ Tài chính đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết tương đương 15,6 tỷ USD. Hầu hết là vay nước ngoài với 14 tỷ USD.
Bộ Tài chính cho hay, tổng số tiền Chính phủ cam kết cấp bảo lãnh giai đoạn này đã gấp gần 3 lần giai đoạn 2007-2010. Trong đó, năm 2012 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh chính phủ (4,35 tỷ USD).
“Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai”, Bộ Tài chính đánh giá.
Advertisement
Advertisement