27/10/2019 05:12
Những ý kiến trái chiều xung quanh việc thanh toán tiền xăng qua ví điện tử
Người dùng có thể đổ xăng, thanh toán bằng mã QR tại trạm PVOIL và Comeco chưa đến 30 giây, tuy nhiên dịch vụ này lại nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Việc đổ xăng thanh toán qua ví điện tử đã được áp dụng từ rất lâu ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Mỹ nhưng tại Việt Nam hình thức này sẽ chính thức được áp dụng vào đầu tháng 11/2019 do dịch vụ ví điện tử MoMo và Tổng công ty Dầu Việt Nam CTCP (PVOIL) hợp tác phát triển và công bố vào ngày 23/10 tại TP.HCM.
Theo đó, người đổ xăng tại 618 trạm xăng của PVOIL, Comeco và các đơn vị liên kết có thể thao tác quét mã QR trên ứng dụng ví điện tử MoMo để thanh toán tiền xăng. Riêng trong ngày 1/11, MoMo hoàn tiền 50% cho người dùng, tối đa 30.000 đồng, nhằm khuyến khích người dùng tiếp cận tính năng mới.
MoMo hoàn tiền 50% cho người dùng, tối đa 30.000 đồng, nhằm khuyến khích người dùng tiếp cận tính năng mới. |
Sau khi thông tin này được đăng tải mặc dù không mang tính chất ép buộc tất cả người dân đều phải sử dụng dịch vụ này nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của việc này.
Trong đó, câu hỏi được đặt ra là: "Cây xăng cấm sử dụng điện thoại thì thành toán bằng mã QR như thế nào?".
Khách hàng vẫn chưa hiểu rõ về hình thức thanh toán qua ví điện tử bằng cách quét mã QR |
Một số người dùng chưa hình dung rõ hình thức thanh toán qua ví điện tử bằng cách quét mã QR là như thế nào, đa số đều nghĩ việc dùng điện thoại tại cây xăng sẽ gây cháy nổ nhưng tại sao bây giờ lại được dùng điện thoại để thanh toán. Một số khác tuy đã biết nhưng cảm thấy không thực sự hào hứng với hình thức này.
Cô Ngọc (51 tuổi, TP.HCM) thẳng thắn chia sẻ: “Vào cây xăng người nọ chen người kia vội gần chết lại còn đứng mở điện thoại thanh toán ví điện tử”.
Anh Phúc (45 tuổi) nhân viên đổ xăng trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) cho biết, nếu người dân chọn thanh toán qua thẻ sẽ được hướng dẫn vào khu vực thanh toán cách xa trạm đổ xăng nên đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, việc cấm sử dụng điện thoại vì sóng điện từ gây cháy nổ, mà đa số là từ nhận cuộc gọi hoặc gọi cho người khác, chứ mở lên thanh toán không thì sẽ không gây ảnh hưởng gì mà được đảm bảo về khoảng cách với cây xăng nên người dân phải đọc rõ thông tin, tránh hiểu sai dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng khá nhiều bạn trẻ ủng hộ việc thanh toán qua ví điện tử. Bạn Phương Hoa (22 tuổi) sinh viên trường ĐH Văn Hiến chia sẻ, hiện tại bạn đang xài ví điện tử dùng thanh toán rất nhiều dịch vụ khác trước đó, nên sau khi nghe được thông tin này bạn rất ủng hộ.
“Mỗi khi bất chợt hết xăng không còn tiền mặt phải dắt bộ tìm cây ATM rút tiền rồi tiếp tục tìm chỗ đổ xăng rất bất tiện”, bạn Hoa chia sẻ thêm.
"Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu mà người giàu hay nghèo, nam phụ lão ấu đều sử dụng. Do đó khi áp dụng thanh toán điện tử cho việc đổ xăng, sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong toàn xã hội. Đồng thời góp phần tăng cường minh bạch trong kinh doanh", ông Cao Hoài Dương Tổng giám đốc PVOIL nói.
Đa phần người dân không ủng hộ dịch vụ thanh toán tiền qua ví điện tử sau khi đổ xăng vì còn gặp khá nhiều bất tiện |
Ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Ví điện tử MoMo cho biết việc bổ sung dịch vụ thanh toán tiền xăng qua mã QR giúp tăng trải nghiệm cho hàng chục triệu khách hàng tại Việt Nam. Dự kiến xu hướng thanh toán điện tử cho các dịch vụ hàng ngày sẽ phổ biến trong tương lai.
"Người dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các dịch vụ thanh toán di động, ban đầu chỉ dùng để nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn. Nhưng theo quan sát trong 18 tháng qua, giao dịch thanh toán điện tử ở các dịch vụ ăn uống, đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng mạnh, ước tính tăng gấp đôi mỗi năm. Đây là xu thế mạnh mẽ sẽ thay đổi hoàn toàn hành vi tiêu dùng, bán lẻ", ông Đức khẳng định.
Dự kiến cuối năm 2019 MoMo và PVOIL sẽ hiện thực hóa hợp tác chiến lược, khuyến khích thanh toán điện tử. |
Đối với công tác phòng chống cháy nổ, đại diện PVOILcho biết, quy định pháp luật nêu rõ một số khu vực tại cây xăng vẫn có thể sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng với một khoảng cách phù hợp. Do đó để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, nhân viên trạm xăng sẽ mời khách hàng đến khu vực an toàn (cách đầu vòi bơm, miệng bình chứa nhiên liệu của phương tiện tối thiểu 2m) để tiến hành thao tác thanh toán.
Dự kiến cuối năm 2019 MoMo và PVOIL sẽ hiện thực hóa hợp tác chiến lược bằng các ưu đãi dài hơi và liên tục, từ đó tiếp tục khuyến khích thanh toán điện tử.
Ước tính cả nước có 15.000 cửa hàng xăng dầu quy mô lớn nhỏ. Hiện mới chỉ có một vài tập đoàn xăng dầu tiềm lực mạnh thực hiện thanh toán điện tử, như Petrolimex thanh toán qua thẻ từ đầu năm nay, PVOIL cũng triển khai ứng dụng dịch vụ PVOIL Easy cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân thông qua mã QR Code trên các ứng dụng ngân hàng.
Trước đó, MoMo đã hợp tác với nhiều đơn vị lớn trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Với hơn 12 triệu người dùng, ví điện tử này có thể thực hiện thanh toán 24/7 cho hầu hết dịch vụ thiết yếu hàng ngày.
Trong năm nay, doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực dịch vụ công, hành chính công thông qua hợp tác với hàng loạt tỉnh thành, trường học, bệnh viện... cho các dịch vụ như thanh toán viện phí, học phí, xe bus, gửi xe, quản lý chung cư...
Trước hợp tác với MoMo, PVOIL cũng đã triển khai thanh toán điện tử thông qua ứng dụng ngân hàng. Hiện hệ thống có hơn 600 cửa hàng xăng dầu sở hữu và 3.000 đại lý.
Advertisement
Advertisement