Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những thách thức của nông sản khi Việt Nam tham gia EVFTA

Doanh nghiệp

31/07/2019 06:46

Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường liên minh châu Âu.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do từ cấp song phương đến châu lục, liên châu lục, mới đây nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm tiêu, thứ hai về cà phê, thứ ba về gạo, thứ tư về thủy sản, thứ năm về sản phẩm gỗ…, Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn đến phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam khi EVFTA được ký kết.

Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên. Nhưng đây cũng là một thị trường chất lượng cao, nếu nông sản Việt không qua được cánh cửa tiêu chuẩn thì cơ hội sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.

Cơ hội cho nông sản Việt Nam

Một nước nhiệt đới hợp tác, mở cửa thúc đẩy thương mại với một khối các nước ôn đới như EU được xem sẽ là cơ hội để cho phần lớn hàng hóa nông sản hai bên bổ trợ nhau, đặc biệt khi Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây là điều kiện để một số chủng loại nông sản nổi bật của Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Các nước EU cam kết cắt giảm thuế các mặt hàng gạo về 0% sau từ 3-7 năm; rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%, rau quả chế biến cũng có 85,6% dòng thuế về 0%; hạt điều hưởng thuế 0%; cà phê, hạt tiêu 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực…

Nông sản Việt: cơ hội và thách thức với khi tham gia EVFTA
Nông sản Việt: cơ hội và thách thức với khi tham gia EVFTA

Các sản phẩm chăn nuôi sẽ có khoảng 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; nhóm thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh có lộ trình cắt giảm thuế 7 năm.

Với EVFTA, thủy sản là một trong những ngành hàng được kỳ vọng sẽ tạo ra sự bứt phá với những ưu đãi thuế quan mới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản (khoảng 840 dòng thuế) sẽ về mức 0%.

Đây là những dòng thuế hiện đang có thuế suất cơ sở từ 0% đến 22%, trong đó phần lớn ở mức cao từ 6% đến 22%. Còn 50% số dòng thuế còn lại hiện đang có thuế suất cơ sở từ 5,5% đến 26% sẽ về 0% sau từ ba đến bảy năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Việc Việt Nam và EU ký Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng thủy sản nước ta, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chính như cá tra và tôm. Riêng đối với tôm, thuế nhập khẩu giảm mạnh ngay từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực và sẽ về 0% trong những năm tiếp theo.

Cụ thể, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3 năm đến 5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế bảy năm. Đối với sản phẩm cá tra lộ trình giảm thuế ba năm, riêng cá hun khói lộ trình bảy năm…

Khi đó, ngoài lợi ích được giảm thuế thì các mặt hàng thủy sản Việt Nam còn gia tăng được sức cạnh tranh đối với các quốc gia xuất khẩu khác chưa tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.

Đây cũng là một điểm cộng giúp cho hàng thủy sản Việt Nam thuận lợi hơn trong việc chinh phục thị trường châu Âu. Đối với mặt hàng cá tra, việc ký Hiệp định EVFTA sẽ góp phần quan trọng cải thiện hình ảnh cho cá tra Việt Nam đối với người tiêu dùng châu Âu khiến họ yên tâm về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng này.

Nhiều thách thức phải đối mặt

Bên cạnh những cơ hội lớn do EVFTA đem lại cũng đặt ra nhiều thách thức với nông sản Việt Nam khi nền nông nghiệp vẫn chủ yếu là kinh tế hộ, sản xuất manh mún.

Một là, các rào cản kỹ thuật trong thương mại và việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, chưa kể đến các yêu cầu cụ thể của khách hàng đối với từng mặt hàng riêng lẻ. Chẳng hạn như sản phẩm hạt điều có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn với thị trường trọng điểm là EU, đặc biệt là Đức và Hà Lan.

Tuy nhiên, cùng với lợi thế khi ký kết EVFTA thì mặt hàng điều chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật mới như vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn dán, xuất xứ…; đồng thời các quốc gia nhập khẩu chắc chắn sẽ khắt khe hơn khi kiểm tra các lô hàng của Việt Nam.

Vì vậy, dù được hưởng lợi từ thuế quan thì sản phẩm điều cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua các rào cản này.

Hai là, khi tham gia Hiệp định EVFTA thì nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng tăng đáng kể. Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ thì thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, mà EU cũng là một trong những thị trường có truyền thống sử dụng các công cụ này.

Trong khi đó, lực lượng tư pháp của Việt Nam tham gia vào việc bảo vệ, đấu tranh bênh vực quyền lợi ngành hàng, sản phẩm nông sản một cách chính đáng còn thiếu và yếu.

Ba là, thời gian hội nhập, đổi mới của nền kinh tế còn ngắn nhưng phải cạnh tranh với những nước có bề dày kinh tế, có chiều sâu và đã hoàn thiện thể chế.

Bốn là, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún. Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân, 10 triệu hecta đất canh tác mà phải cạnh tranh với những quốc gia có tài nguyên đất mênh mông. Khắc phục vấn đề này phải thực hiện bằng cách vận động hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã hay liên kết cùng doanh nghiệp.

Năm là, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, 3 năm gần đây phản ánh rõ nhất vấn đề này. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp là không thể lường được trong sản xuất.

Trước những thách thức trên, đòi hỏi các ngành hàng nông nghiệp Việt Nam phải sớm đổi mới toàn diện trên tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, trong đó tập trung đổi mới công nghệ để nhanh chóng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều này cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với những quy định của EVFTA để từ đó hoàn thiện các khâu hoạt động của mình; sản xuất, chế biến ra những sản phẩm đáp ứng đầy đủ yêu cầu từ phía đối tác. Đối với những người nông dân, lực lượng trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cần được tập huấn đầy đủ hơn về quy trình sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, về nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đây là những điểm yếu hiện nay của nông dân nước ta vốn quen với phương thức sản xuất truyền thống. Về phía các cơ quan chức năng, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các vấn đề có liên quan đến Hiệp định, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ…, giúp hàng nông sản Việt Nam tận dụng được hết các cơ hội từ EVFTA.

VIÊN VIÊN t/h
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement