29/12/2017 07:46
Những sự kiện nổi bật của ngành tài chính ngân hàng năm 2017
Năm 2017 chứng kiến hoàng loạt cột mốc mới của làng tài chính Việt Nam. Đã rất lâu rồi, thị trường mới sôi động như vậy.
VnIndex thiết lập đỉnh 10 năm
Tròn 10 năm sau ngày lao dốc bởi ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn năm 2008, chỉ số VnIndex của thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay lại mốc 970 điểm vào ngày 4/12. Ở mốc 970 điểm, VnIndex đã tăng gần 46% so với ngày 30/12/2016.
Mức vốn hóa thị trường đến cuối năm 2017 đạt khoảng 3.360.000.000 tỉ đồng, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Chốt phiên giao dịch ngày 28/12, VnIndex thiết lập đỉnh cao nhất của năm 2017 ở số điểm 976,72.
VnIndex đang ở đỉnh cao nhất của 10 năm qua. |
Không chỉ VnIndex lấy lại trọn vẹn số điểm đã mất sau 10 năm mà vốn hóa của của sàn HOSE cũng chạm mốc 100 tỉ USD vào phiên giao dịch 8/11, mức cao nhất sau 17 năm giao dịch của sàn này. Còn ở phiên 7/11, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận kỷ lục về giá trị giao dịch với hơn 20.000 tỉ đồng ở HOSE, con số cao nhất đạt được từ trước tới nay.
Đồng Bitcoin khuynh đảo thị trường
Vào ngày 1/1/2017, mỗi đồng Bitcoin có giá 970 USD. 12 tháng sau, đồng tiền này xác lập mức đỉnh gần 20.000 USD. Rồi trong tuần cuối cùng của năm 2017, nó xuống tới 10.400 USD, thấp hơn 44% so với đỉnh đạt được trước đó một tuần. Ở ngày 28/12, mỗi đồng Bitcoin có giá 16.402 USD.
Sự lên xuống bất thường của Bitcoin nhiều phiên khiến thị trường chao đảo. Do đó, lướt sóng Bitcoin không dành cho người yếu tim. Ở phiên giao dịch ngày 22/12, chênh lệch giữa mức đỉnh và đáy lên tới hơn 5.000 USD, xấp xỉ 35% giá trị. Còn ở tháng 11, Bitcoin tăng từ 8.700 USD lên mức gần 20.000 USD, rồi sau đó xác lập mức đáy dưới 11.000 USD.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam và sẽ bị xử lý hình sự kể từ ngày 1/1/2018.
Chứng khoán phái sinh ra đời
Ngày 10/8, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam chính thức được giao dịch tại HNX. Sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh đã tiến thêm một bước quan trọng trong tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sản phẩm đầu tiên của thị trường là Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 với 4 loại hợp đồng.
Chỉ trong vòng 5 tháng, quy mô thị trường chứng khoán phái sinh đã gia tăng theo cấp số nhân. Tính đến cuối năm 2017, đã có trên 16.300 tài khoản giao dịch phái sinh được mở và quy mô giao dịch bình quân tháng 12 đạt trên 1.600 tỷ đồng/phiên giá trị danh nghĩa.
Hàng loạt ông lớn lên sàn
Trong năm 2017, hàng loạt những doanh nghiệp vốn hóa lớn đồng loạt niêm yết lên sàn chứng khoán Việt Nam như Petrolimex, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Vincom Retail, VPBank, VIB, Kido Foods, Lộc Trời Group, Pymepharco…
Với sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn, vốn hóa TTCK Việt Nam tính tới hết năm 2017 lên tới 150 tỉ USD, tương đương 68% GDP. Con số này đã xấp xỉ so với mục tiêu Chính phủ đặt ra là vốn hóa thị trường chứng khoán tương đương 70% GDP vào năm 2020.
Bitcoin khuynh đảo thị trường trong năm 2017. |
Năm 2018, dự kiến thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết như PVOil, PVPower, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Vicem, FPT Retail, Thaco… Điều này sẽ giúp quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vượt bậc.
Dấu ấn cổ phiếu ngân hàng
Với 5 ngân hàng cùng lên sàn năm 2017, thị trường đã đón tổng cộng 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán trong số hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPB (niêm yết trên HOSE); ACB, SHB, NCB (trên HNX) và VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank trên Upcom.
Ngoài ra, còn có một số ngân hàng đã được cấp mã chứng khoán và đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để chào sàn vào đầu năm 2018 như Techcombank, HDBank, TPBank…
Làn sóng thoái vốn Nhà nước
Năm 2017 đã chứng kiến sự thoái vốn Nhà nước tại một loạt các doanh nghiệp lớn. Đây cũng là năm khởi đầu cho quyết tâm tư nhân hóa kéo dài 4 năm từ năm 2017-2020 của Chính phủ. Năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn. Trong đó 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.
Việc thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã thu về 292 tỉ đồng so với giá vốn 182 tỉ đồng từ 5 lĩnh vực nhạy cảm, thu về 2.953 tỉ đồng so với giá vốn 1.803 tỉ đồng từ các lĩnh vực khác.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) năm 2017 thoái vốn tại 40 doanh nghiệp thu về 21.639 tỉ đồng trên giá vốn 1.903 tỉ đồng. Phần lớn nguồn tiền thoái vốn thu về lại đến từ Vinamilk. 39 doanh nghiệp Nhà nước còn lại chỉ đóng góp vào khoảng 1.363 tỉ đồng.
Thương vụ thoái vốn hiệu quả nhất trong năm 2017 thuộc về Vinamilk với 8.990 tỉ đồng. Còn việc thoái vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã tạo phiên khớp lệnh gần 2.500 tỉ đồng. Nhà nước đã thu về khoảng 1.800 tỉ đồng cho ngân sách. Thay Bộ Xây dựng nắm giữ cổ phần tại DIG các quỹ ngoại danh tiếng thuộc nhóm Dragon Capital.
Việc thoái vốn ở Sabeco đã trở thành thương vụ lớn nhất lịch sử. Những hoài nghi về mức giá khởi điểm quá đắt 320.000 đồng/cổ phiếu đã bị dập tắt khi Thai Beverage đã mua toàn bộ lượng cổ phần tương ứng 53,59% vốn điều lệ Sabeco. Tổng số tiền 109.953 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD được thu về Ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, câu chuyện hoái vốn 2017 nhiều thành công nhưng cũng không ít sự thất vọng. Thương vụ IPO của Becamex Bình Dương đã thành bom xịt của năm 2017 khi chỉ hơn 6% cổ phần đấu giá thành công, thu về 588 tỉ đồng so với kỳ vọng 9.650 tỷ đồng kỳ vọng.
Thoái vốn Nhà nước ở Vinamilk là phiên đấu giá hiệu quả nhất. |
Tương tự, phiên đấu giá gần 220 triệu cổ ở đợt IPO của Tổng Công ty Sông Đà chỉ có 790.900 cổ phần được bán thành công, Nhà nước chỉ thu về gần 9 tỉ đồng. Kế hoạch bán 96,25 triệu cổ phần VCG, tương ứng 21,79% vốn điều lệ nhưng chỉ bán được 5,5% vốn và thu 137 tỉ.
Màn chạy roadshow rầm rộ của những BMP, NTP, FPT và DMC với khẳng định của SCIC sẽ hoàn thành bán vốn tại các doanh nghiệp này trong tháng 12/2017 nhưng cũng đành dời lại qua năm 2018.
Tỉ giá và lãi suất ổn định
Diễn biến tỷ giá USD/VND trong năm 2017 cho thấy sự không có sự biến động trái chiều giữa tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố và tỉ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại. Gần 12 tháng qua, tỉ giá trung tâm tăng 1,4% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi đó, tỉ giá bình quân liên ngân hàng lại gần như không có thay đổi so với thời điểm đầu năm.
Ở thị trường tiền tệ, lãi suất chủ yếu có xu hướng đi ngang ở các kỳ hạn ngắn và được các ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài. Về cơ bản, kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%/năm. Kỳ hạn 6-12 tháng phổ biến từ 5,6-7%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7-7,8%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6-9%/năm, trung và dài hạn từ 9,3-11%/năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt được vay lãi suất ngắn hạn khoảng 4-5%/năm.
15 báo cáo tài chính kiểm toán không được chấp nhận
Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của 15 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn như KLF, SDD, CMC, KHL, CMT, NAF, ART, KVS, PHH, DNS, FLC, KSA, Công ty Chứng khoán Quốc tế, Công ty Chứng khoán Mê Kong, Công ty Chứng khoán WooriCBV đã không được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp nhận.
Lý do là đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán các báo cáo này là Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Thăng Long-TDK đã bị đình chỉ tư cách tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, theo quyết định số 1087/QĐ-UBCK ngày 11/10/2016.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp