Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những sự kiện gây ảnh hưởng tới ngành xe hơi Việt Nam năm 2017

Tiêu dùng

24/12/2017 06:03

2017 là một năm đầy biến động trong làng xe hơi Việt, dù có ít mẫu xe mới được ra mắt.

Những thay đổi mạnh mẽ từ phía các nhà sản xuất, cũng như chính sách đã khiến 11 tháng đã qua của năm 2017 có những xáo động lớn, ảnh hưởng tới cả giá bán xe lẫn nguồn cung xe nhập khẩu, hứa hẹn sẽ còn kéo dài sang tới năm 2018.

Công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2017 có nhiều biến động.
Công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2017 có nhiều biến động.

Loạn giá xe hơi và những lời hứa "chỉ một lần rồi thôi"

Giá xe hơi là thứ mà người ta nhắc đến nhiều nhất trong năm 2017. Hi vọng về một năm 2018 giá xe sẽ rẻ hơn, khi mà thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước trong khu vực về 0% từ 1/2018, khiến đông đảo người mua xe có tâm lý chờ đợi và không quyết định mua xe trong năm 2017.

Thị trường chững lại khiến các hãng xe phải nghĩ cách thu hút khách hàng trở lại, và chiến lược tốt nhất vẫn là khuyến mãi và giảm giá bán xe hơi. Từ đầu năm cho tới giữa năm 2017, giá xe vẫn tương đối bình ổn, giảm giá và khuyến mại ở mức cầm chừng, đồng thời không ít lãnh đạo các nhà sản xuất xe hơi lên tiếng khẳng định, giá xe lắp ráp trong nước vào thời điểm giữa năm 2017 đã được điều chỉnh giảm, thậm chí rẻ hơn cả đầu năm 2018, và lý giải rằng xe lắp ráp trong nước không chịu ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu xe hơi.

Honda CR-V là tâm điểm của làn sóng giảm giá xe hơi nửa cuối năm 2017.
Honda CR-V là tâm điểm của làn sóng giảm giá xe hơi nửa cuối năm 2017.

Tuy nhiên ngay khi những khách hàng xuống tiền mua xe vào dịp giữa năm 2017, thì giá xe bắt đầu thay đổi liên tục nhiều đợt, bắt đầu từ tháng 8, từ hầu hết các hãng xe hơi trên thị trường. Sự thay đổi giá bán theo chiều hướng giảm có thể được áp dụng theo kiểu công bố hạ giá bán xe, hoặc là những chương trình khuyến mại lớn lên tới cả trăm triệu đồng mỗi xe. Việc hạ giá này khiến cho nhiều khách hàng cảm thấy “hoang mang” tột độ, khi mà nhiều người vừa mua xe hôm trước, hôm sau xe lại giảm tiếp vài chục triệu đồng.

Chiến dịch giảm giá bán xe của nhiều hãng, phần lớn là để dọn đi kho hàng tồn, và mở đường cho những sản phẩm mới sẽ ra mắt vào năm 2018. Việc giảm giá còn nhằm chiếm lĩnh thị phần, khiến cuộc đua giảm giá trở nên khốc liệt ở mọi phân khúc, từ xe nhỏ hạng A, sedan hạng B hay crossover. Giảm giá đương nhiên là tốt với khách hàng, tuy nhiên việc thay đổi giá bán liên tục đã khiến nhiều người bị thiệt hại về kinh tế khi “tin” vào lời hứa không giảm giá của nhiều hãng xe. Những thiệt hại dễ đong đếm này khiến cho phần đông thị trường hoang mang và tiếp tục chờ đợi, và thị trường xe hơi vẫn có doanh số ảm đạm, dù giá giảm mạnh.

Việc giảm giá xe mới từ các hãng khiến cho thị trường xe cũ “tan nát”. Một chiếc Mazda CX-5 mới mua cuối năm 2016, tới nửa cuối năm 2017 có giá bán lại bằng với xe mới xuất xưởng. Người muốn bán xe phải hạ giá rất thấp và chịu thiệt quá nhiều sau chỉ chưa đầy một năm sử dụng, nên phần đông chọn giải pháp giữ lại sử dụng, khiến thị trường xe cũ gần như đóng băng.

Nghị định 116

Song song với tâm lý chờ đợi của khách hàng mua xe hơi là một tâm lý lo sợ khi bước sang năm 2018. Người ta lo ngại những chính sách mới về phí, thuế, hay các rào cản thương mại khác nhằm bảo hộ công nghiệp ô tô trong nước sẽ khiến chi phí bỏ ra để sở hữu xe không những không giảm, mà còn tăng lên trong năm 2018.

Điều này không hoàn toàn là không có cơ sở, khi mà trong những tháng cuối năm 2018, Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ra đời, thay thế cho Thông tư 20 vốn đã hết hiệu lực.

Toyota Wigo cùng nhiều mẫu xe nhập khẩu khác sẽ khó khăn hơn để về Việt Nam sau Nghị định 116
Toyota Wigo cùng nhiều mẫu xe nhập khẩu khác sẽ khó khăn hơn để về Việt Nam sau Nghị định 116

Nghị định 116 có nhiều quy định "khó" đối với xe nhập khẩu, coi như đóng hoàn toàn cánh cửa nhập khẩu xe cũ và các đại lý nhập khẩu nhỏ lẻ, khi quy định doanh nghiệp được kinh doanh nhập khẩu xe hơi khi có đủ hai điều kiện cơ bản là có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe hơi và phải có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp có quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất để thực hiện lệnh triệu hồi.

Quy định này của Nghị định 116 được cho là bảo vệ người tiêu dùng, tránh trường hợp các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ mang xe về rồi “biến mất” khi xe có vấn đề cần xử lý, như sửa chữa, thay thế phụ tùng hay triệu hồi, khiến người sở hữu xe “tiền mất, tật mang”.

Vấn đề mà nhiều người quan tâm hơn khi nhắc tới Nghị định 116 lúc này, là nó đang làm khó hàng loạt mẫu xe nhập khẩu dịp cuối năm 2017, và có thể thị trường sẽ sạch bóng rất nhiều mẫu xe nhập trong giai đoạn đầu năm 2018. Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe hơi nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài (nôm na là giấy kiểm định chất lượng) là thứ mà Nghị định 116 yêu cầu các mẫu xe nhập phải xuất trình, nếu muốn được thông quan.

Trên thực tế, giấy kiểm định chất lượng thường được cấp cho các xe nội địa, và không được cấp cho các xe xuất khẩu. Vì vậy, hàng loạt mẫu xe đang nhập khẩu hoặc sắp được mang về Việt Nam vào đầu năm 2018, đều đang nằm chờ. Toyota, Ford, GM hay Honda, những thương hiệu đang chuyển dịch rõ nét từ lắp ráp xe hơi trong nước sang nhập khẩu từ các nước trong khu vực để hưởng lợi thế thuế nhập khẩu 0% vào đầu năm 2018, đều đang chung tình trạng khan hàng xe nhập khẩu, do các lô hàng cuối năm 2017 không thể tới tay khách hàng, do thiếu giấy kiểm định chất lượng từ nước xuất khẩu sang Việt Nam.

Có thể dự đoán, giai đoạn đầu năm 2018 sẽ là sàn diễn của xe lắp ráp trong nước, khi xe nhập khẩu đang tạm thời bị trì hoãn vì giấy kiểm định chất lượng nói trên. Trường Hải hay Hyundai Thành Công sẽ là hai cái tên được hưởng lợi nhiều nhất. Toyota dù không thể ra mắt Wigo hay Avanza đúng như kế hoạch, hay Fortuner cạn hàng để bán, nhưng với những mẫu xe lắp ráp trong nước như Vios, Corolla Altis hay Innova, cũng được hưởng lợi không ít.

Nhiều khả năng sau khi tìm được “tiếng nói chung” về thủ tục giấy tờ, xe nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ lại tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam và hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, gây sức ép lên xe lắp ráp trong nước. Trong thời gian từ nay cho tới lúc đó, sẽ là cơ hội để xe lắp ráp trong nước chiếm lĩnh thị trường và tạo niềm tin cho khách hàng.

Vinfast ra đời, niềm tin vào xe hơi “Made in Việt Nam”

Vinfast là cái tên nổi đình nổi đám trong làng xe hơi Việt, bởi đơn giản nó là thương hiệu ô tô của Vingroup, một “ông trùm” tại Việt Nam. Với nguồn tài chính mạnh mẽ, Vinfast thể hiện mình đang phát triển rất nhanh, từ xây dựng nhà máy, thiết kế xe mô phỏng, tuyển dụng nhân sự chủ chốt cho tới lời hứa ra mắt xe hơi Made in Việt Nam vào năm 2019, tức là còn chưa đầy hai năm nữa.

Rất nhiều người đang mong chờ Vinfast và chiếc xe đầu tiên của thương hiệu Việt này ra đời. Một phần vì người ta đã chờ đợi một mẫu xe du lịch thương hiệu Việt quá lâu, một phần vì tò mò mẫu xe ấy sẽ có giá bao nhiêu, trông như thế nào… Nhìn chung, Vinfast đang mang lại niềm hi vọng cho đông đảo người Việt Nam, về tương lai có thể sở hữu một chiếc xe hơi mang thương hiệu Việt, và có chất lượng ngang tầm với các thương hiệu khác.

Vinfast bắt tay vào sản xuất ô tô.
Vinfast bắt tay vào sản xuất ô tô.

Hoài nghi đương nhiên là không ít, từ việc Vinfast có phải là mẫu xe hoàn toàn thuần Việt hay không (máy móc, linh kiện sản xuất tại Việt Nam), sử dụng động cơ gì, công nghệ từ nước nào, và đặc biệt là có mức giá ra sao… Dự đoán, Vinfast sẽ không ôm giấc mộng hoàn thiện một chiếc xe Việt Nam từ đầu tới cuối, mà tìm kiếm các đối tác phù hợp, để tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam. Việc tung ra sự kiện bình chọn chiếc xe yêu thích mà bất kỳ ai cũng có thể tham dự, hay lời tuyên bố sẽ sản xuất 500.000 xe/năm vào năm 2025, chứng tỏ tham vọng của thương hiệu có thế mạnh là nguồn tài chính của Vingroup.

Bị chê vì an toàn, Toyota phản ứng mạnh mẽ

Toyota năm nay không chỉ tỏa sáng về doanh số Vios, hay bay cao với Fortuner nhập khẩu, mà câu chuyện về chất lượng mới là thứ được nhắc đến xuyên suốt cả năm, trên các diễn đàn và mạng xã hội. Bởi có doanh số bán cao và là “anh cả” trong làng xe hơi du lịch Việt Nam, trước khi Trường Hải xuất hiện, nên Toyota luôn là cái tên được đem ra so sánh đầu tiên, mọi điểm yếu dù là nhỏ nhất cũng sẽ được mổ xẻ tận tình.

Những hình ảnh về xe Toyota va chạm và không bung túi khi tràn ngập trên mạng xã hội.
Những hình ảnh về xe Toyota va chạm và không bung túi khi tràn ngập trên mạng xã hội.

Câu chuyện về “thánh lật” Toyota Fortuner trở nên sôi động khi mẫu xe SUV 7 chỗ bán chạy nhất Việt Nam được tung lên mạng nhiều bức ảnh lật ngửa bụng trên đường. Người ta cho rằng Fortuner quá dễ lật so với một chiếc SUV, và cho rằng mẫu xe này sở hữu ít công nghệ an toàn tiên tiến, cộng với thiết kế gầm xe quá cao khiến xe chênh vênh và giữ thăng bằng kém.

Câu chuyện về túi khí còn rầm rộ hơn, khi nhiều vụ va chạm được chia sẻ trên mạng xã hội, túi khí của Toyota không bung. Cư dân mạng cho rằng nếu là mẫu xe khác từ một hãng xe hơi khác, túi khí chắc chắn sẽ bung để bảo vệ người bên trong xe. Toyota cho rằng, trong các trường hợp va chạm mà các bộ phận hấp thụ lực và dây an toàn vẫn có thể giúp người trong xe đảm bảo tính mạng, thì túi khí sẽ không bung.

Trên thực tế, vẫn chưa có ghi nhận nào về người tử vong trong xe Toyota sau va chạm mà túi khí không bung, nên cho tới thời điểm này, túi khí Toyota dù được cho là “bền” hơn các hãng xe hơi khác, nhưng Toyota vẫn đúng, vì rõ ràng túi khí dù không bung vẫn đảm bảo tính mạng cho người trong xe.

Chịu nhiều điều tiếng, Toyota phản ứng khá mạnh mẽ trong năm 2017, với việc thay đổi slogan thành “No Quality. No Life”, ngầm hiểu là chất lượng quan trọng nhất trên mỗi chiếc xe Toyota. Một loạt chương trình cũng được Toyota tổ chức nhằm chứng minh độ an toàn của những mẫu xe được bán tại Việt Nam, tất nhiên không quên phần giải thích vể tác dụng của túi khí, không phải là bung vô tội vạ, mà chỉ bung khi tính mạng người trong xe bị đe dọa.

Điểm quan trọng nhất, đó là Toyota đã trang bị công nghệ an toàn cực kỳ quan trọng lên hai mẫu xe chủ chốt của mình: Cân bằng điện tử. Việc trang bị cân bằng điện tử lên Innova và Corolla Altis khiến hai mẫu xe này trở nên an toàn hơn so với trước đây. Trên thực tế, phân khúc sedan hạng C như Corolla Altis, các thương hiệu khác đã trang bị cân bằng điện tử từ lâu. Dù sao, việc có thêm “vũ khí mới” này cũng sẽ khiến Innova duy trì lợi thế, và Altis trở lại cuộc đua trong phân khúc của mình.

BMW về tay Trường Hải

Sau một thời gian khá dài “ngủ đông” do vướng mắc về pháp lý với Euro Auto, BMW đang có hi vọng hồi sinh trở lại dưới tay Trường Hải. Cụ thể, hai thương hiệu BMW và MINI sẽ do Trường Hải phân phối từ 1/1/2018.

BMW sẽ do Trường Hải phân phối từ năm 2018.
BMW sẽ do Trường Hải phân phối từ năm 2018.

Trường Hải được cho là cái tên đủ mạnh để khiến BMW có đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc xe sang tại Việt Nam, mà dẫn đầu đang là Mercedes-Benz. Trường Hải hiện đang nắm giữ các thương hiệu thành công như Kia và Mazda, trong khi thương hiệu xe sang Peugeot không có được sự thành công như mong đợi.

Trên thực tế, dù đã sát tháng 1/2018, vẫn chưa có động thái nào của Trường Hải liên quan tới BMW. Suốt cả năm 2017, BMW hoàn toàn nhường sân chơi xe sang cho Mercedes-Benz, Audi hay những cái tên đặc biệt hơn như Porsche, Jaguar Land Rover, Maserati.

Hyundai chuyển hết xe du lịch về Việt Nam lắp ráp

Lần lượt cả SantaFe và đặc biệt là Grand i10 được sản xuất tại Việt Nam thay vì nhập khẩu, Hyundai Thành Công trở thành một trong những lá cờ đầu trong công nghiệp ô tô Việt Nam giai đoạn đầy nhạy cảm. Sang tới năm 2018, thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực sẽ về 0% sẽ là thách thức với tất cả những mẫu xe đang được lắp ráp tại Việt Nam.

Xe nhập khẩu từ các nước có ưu thế về công nghiệp phụ trợ phát triển hơn, sẽ có chi phí sản xuất rẻ hơn, đồng thời cũng thường được cho là có chất lượng tốt hơn so với xe lắp ráp trong nước, dự kiến sẽ tràn vào Việt Nam sau thời điểm 1/2018.

Mẫu xe được cho là bán chạy nhất trên thị trường là Hyundai Grand i10 đã được sản xuất tại Việt Nam.
Mẫu xe được cho là bán chạy nhất trên thị trường là Hyundai Grand i10 đã được sản xuất tại Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều ông lớn đang xoay trục từ sản xuất xe trong nước sang nhập khẩu từ các nước trong khu vực, thì Hyundai Thành Công lại mở rộng nhà máy, sản xuất hàng loạt mẫu xe tại Việt Nam, và được tập đoàn Hyundai kỳ vọng sẽ là bàn đạp để tấn công ra các thị trường trong khu vực.

Hiện tại, dù không công bố về doanh số, Hyundai Thành Công vẫn có những mẫu xe đắt hàng như Grand i10 hay SantaFe, cạnh tranh mạnh mẽ với những đối thủ trong phân khúc xe nhỏ hạng A hay crossover.

Kinh doanh xe thương mại về tay các ông lớn

Tháng 9/2017, Hyundai Thành Công cho biết chính thức đạt thỏa thuận liên doanh sản xuất và phân phối xe thương mại với Hyundai Hàn Quốc, tên gọi là Hyundai Thành Công xe thương mại (HTCV) từ tháng 9/2017. HTCV qua đó trở thành nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền của xe bus, xe tải Hyundai tại Việt Nam.

Liên doanh này sẽ mở một nhà máy trong khu tổ hợp ở Ninh Bình, diện tích 25 ha, công suất dự kiến 12.000 xe/năm với xe khách/bus và 30.000 xe/năm với xe tải. Mục tiêu của HTCV là tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hãng hy vọng cuối 2018 có xe xuất khẩu ra khu vực. Dự kiến, xe thương mại Hyundai do HTCV sản xuất sẽ trình làng vào tháng 3/2018.

Trước đó, xe thương mại của Hyundai do nhiều đối tác lắp ráp, trong đó có Trường Hải. Trường Hải rất mong muốn được độc quyền sản xuất và phân phối xe thương mại của Hyundai, nhưng có lẽ tập đoàn Hàn Quốc muốn quy về một mối với Hyundai Thành Công.

“Để hụt” thương vụ xe thương mại Hyundai, Trường Hải nhanh chóng tìm tới một thương hiệu xe thương mại khác, bởi rõ ràng so với xe du lịch phải cạnh tranh khốc liệt, thì xe thương mại là “mỏ vàng” cho các nhà sản xuất xe trong nước, mà Trường Hải không thể bỏ phí.

Tháng 12/2017, Daimler và Trường Hải đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối xe tải, xe bus Fuso tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Fuso được phân phối bởi Mercedes-Benz Việt Nam. Toàn bộ mảng kinh doanh xe tải, xe bus Fuso bao gồm thiết bị, sản phẩm xe, linh kiện phụ tùng, nhân sự, hệ thống đại lý trước đây do Mercesdes-Benz quản lý sẽ được chuyển giao lại cho Trường Hải. 

Fuso sẽ cùng với Thaco Truck và Thaco Bus chinh chiến trong thị trường xe thương mại tại Việt Nam. Trước khi Fuso về gia đình Trường Hải, Thaco Bus và Thaco Truck chiếm 46,7% tỷ trọng kinh doanh ô tô của Trường Hải, tính tới hết tháng 11/2017 (28,1% thuộc về Mazda và 24,8% thuộc về Kia). Sự góp mặt của Fuso sẽ khiến xe thương mại của Trường Hải thêm phần hùng mạnh.

Xe thương mại về tay Trường Hải hay Hyundai Thành Công, là tín hiệu mừng cho công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung, trước nhiều lo ngại xe thương mại Trung Quốc sẽ lấn át thị trường.

TÔ TÙNG - LAN ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement