27/10/2020 16:42
Những 'siêu bão' đã từng gây thiệt hại lớn cho Việt Nam
Trước cơn bão số 9 dự kiến đổ bộ vào miền Trung, Việt Nam từng hứng chịu nhiều "siêu bão" gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bão Doksuri xảy ra vào năm 2017
Lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 (màu đỏ) đối với cơn bão này.
Siêu bão Doksur. Ảnh Bangkok Post |
Bão Doksuri áp sát đất liền trưa 15/9/2017, sau đó đổ bộ vào khu vực giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15.
Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng, 2 cột truyền hình và 2.855 cột điện gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.
Ngư dân Nghệ An hối hả vào bờ chạy bão số 10. Ảnh: Tuổi Trẻ/ Doãn Hòa |
Bão nhiệt đới Damrey vào năm 2017
Vị trí và đường đi của cơn bão số 12 năm 2017. Ảnh: Internet |
Lần thứ hai trong năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo đạt ở mức cấp độ rủi ro thiên tai bậc cấp 4 (ở mức cảnh báo màu đỏ): Tức là mức rủi ro rất lớn, gần sát với mức nguy hiểm cao nhất ở các tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa – Ninh Thuận.
Hình ảnh Nha Trang sau cơn bão. Ảnh: VnExpress. |
Vào lúc 6h30 phút sáng 4/11/2017, bão Damrey đổ bộ vào thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà và gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực Nam Trung Bộ.
Có ít nhất 106 người đã thiệt mạng, với 197 người khác bị thương và 25 người mất tích. Lũ lụt lan rộng đã được báo cáo, với hơn 116.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng 413.500 tỷ đồng.
“Quái bão” Mirinae vào 2016
Bão Mirinae hình thành từ vùng áp thấp nhiệt đới đêm 27/7/2016, bão đổ bộ vào khu vực Thái Bình – Ninh Bình, ảnh hưởng trực tiếp từ Nam Quảng Ninh đến Bắc Thanh Hóa.
Ảnh: Trung tâm DBKTTV Quốc gia. |
Mirinea không phải một cơn bão mạnh, chỉ có sức gió tương đương cấp 8 - 9. Tuy nhiên đây lại là một “quái bão”, có quy luật khác thường khi vào đất liền, di chuyển chậm, có thời điểm hầu như không di chuyển và giữ nguyên cường độ suốt đêm, gây thiệt hại lớn.
Trong khoảng 4 giờ quần thảo trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và đồng bằng Bắc Bộ, bão đã làm 30 nhà đổ sập, 25.000 nhà khác tốc mái, quật đổ 17.000 cột điện.
Cây đổ đè lên ôtô của người dân Hà Nội, rất may không có thiệt hại về người. Ảnh: VnExpress/Giang Huy. |
Hà Nội là địa phương có nhiều người bị thương nhất với 9 trên tổng số 21 người.
Cơn bão còn khiến 30 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 25.000 nhà tốc mái hư hỏng; 67 tàu, thuyền bị chìm, 17.000 cột điện bị gãy đổ.
Bão Nari 2013
Bão và mưa lớn đẩy cả thuyền vào phố Hội An. Ảnh: VnExpress/Văn Đông |
Bão Nari đổ bộ vào Việt Nam lúc 23h ngày 14/10/2013. Nó đã càn quét các tỉnh miền Trung làm tốc mái nhiều ngôi nhà, gây gãy cây lớn, ngã cột điện, làm thiệt hại diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp cùng khoảng 77 tàu thuyền bị hư hỏng.
Khu vực ven biển Đà Nẵng ngổn ngang sau bão. Ảnh: VnExpress/Văn Đông |
Cơn bão kèm mưa lớn với lượng mưa từ 200mm đến 400mm sau đó gây ngập lụt, ách tắc giao thông Bắc Nam và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống dân cư địa phương. Mưa làm 350 ha lúa và 3284 ha hoa màu bị ngập và cuốn trôi 104.000 mét khối đất từ khu vực thủy lợi và nhiều tuyến đường bê tông.
Sau 12 giờ càn quét, bão Nari khiến nhiều vùng miền Trung tan hoang, nhất là ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Ít nhất 4 người thiệt mạng, gần 50 người bị thương.
Siêu bão Hải Yến vào năm 2013
Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2013 và là 1 trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử nhân loại, AFP dẫn lời các chuyên gia khí tượng hàng đầu nước Mỹ cho biết. Siêu bão Hải Yến có sức gió lên đến 314 km/giờ và giật đến 379 km/giờ.
Là một trong những siêu bão mạnh nhất trong lịch sử, phần mắt bão Hải Yến được nhìn rất rõ từ bên ngoài không gian. Hình ảnh siêu bão Hải Yến chụp từ vệ tinh vào hôm 7/11 của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cung cấp. Ảnh: AFP |
Siêu bão loại này có thể thổi tung các mái nhà dễ dàng, làm sập tường và làm tróc mái nhà do sức ép lớn mà chúng tạo ra.
Vào đầu tháng 11/2013, bão Hải Yến đã đổ bộ vào Philippines và gây ra thảm họa.
Hướng di chuyển của siêu bão Hải Yến. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương |
Trước những cảnh báo về sức tàn phá của siêu bão Hải Yến, nhiều tỉnh miền Trung đã lên phương án sơ tán dân. Nhưng sau đó, bão Hải Yến đột ngột thay đổi hướng di chuyển.
Thay vì đi vào Thanh Hóa, bão Hải Yến đã đi lên phía Bắc, càn quét qua vùng biển các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình và đổ bộ vào Hải Phòng- Quảng Ninh.
Siêu bão Hải Yến ập vào Philippines, phá hủy 70 – 80% các thành phố mà nó quét qua. Ảnh: Internet. |
Bão Hải Yến khiến 13 người chết, 81 người bị thương.
Bão Sơn Tinh vào năm 2012
Bão Sơn Tinh được hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines vào ngày 23/10/2012. Ngày 25/10, sau khi vào Biển Đông, bão Sơn Tinh di chuyển thần tốc với tốc độ lên tới 30k/h, tiến thẳng vào đất liền Việt Nam.
Ảnh vệ tinh. |
Ban đầu, cơn bão được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa- Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, sau đó cơn bão bất ngờ thay đổi hướng di chuyển và cường độ bão tăng lên cấp siêu bão và dịch chuyển dần ra vùng biển Nam Định, Thái Bình.
Vào chiều tối 28/10, khi còn cách ven biển các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình dưới 100 km, bão mạnh cấp 11-12 hoành hành suốt nhiều giờ tại đây khiến các địa phương này hứng chịu những trận gió mạnh có lúc giật tới cấp 14, mưa lớn suốt đêm.
Tỉnh lộ 330 trên địa bàn huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh. Ảnh: Pháp luật Plus |
Bão Sơn Tinh không đổ bộ vào đất liền mà di chuyển vòng lên phía bắc, tan ở ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh, gây hại trên 7.500 tỷ đồng.
Trong đó nặng nề nhất là Thái Bình (2.662 tỷ), Nam Định (1.535 tỷ), Hải Phòng (gần 1.000 tỷ). Một số tỉnh nằm sâu trong đất liền cũng thiệt hại nặng như Hải Dương (trên 800 tỷ), Hưng Yên (trên 600 tỷ), Hà Nam (350 tỷ)… Nhiều người chết và mất tích. Tháp truyền hình cao 180 m, trị giá hàng hàng chục tỷ đồng ở TP Nam Định bị bão quật đổ.
Bão Chanchu vào 2006
Hình ảnh đường đi của cơn bão Chanchu 2006. |
Bão Chanchu được Đài Quan sát Hồng Kông (HKO) lúc đó đánh giá là mạnh nhất từng ghi nhận trên biển Đông.
Trưa 13/5, bão Chanchu sau khi càn quét Philippines đã vào Biển Đông và di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Bắc với sức gió tăng từ cấp 10 lên 12, giật trên cấp 12.
Đến trưa 15/5, bão Chanchu đổi hướng Bắc và sau đó là Bắc Đông Bắc. Đến 1h ngày 18/5, bão Chanchu đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Không đổ bộ đất liền, nhưng bão Chanchu năm 2006 đã nhấn chìm hơn 260 ngư dân miền Trung dưới lòng biển, chỉ 20 người được tìm thấy xác.
Sóng biển đánh vào cầu tàu ở thành phố Sán Đầu, Quảng Đông, Trung Quốc. |
Quảng Nam có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160, trong đó nặng nề nhất là xã Bình Minh, huyện Thăng Bình với 86 người, 20 gia đình có 2-3 người bị nạn. Đà Nẵng có 6 tàu bị chìm, 5 tàu mất liên lạc.
Bão Xangsane vào năm 2006
Bão Xangsane hình thành trên vùng biển phía đông Philippines ngày 25/9/2006.
Đường phố Đà Nẵng sau cơn bão lịch sử Xangsane. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Ngày 1/10/2006, bão Xangsane (con voi lớn) đổ bộ vào Việt Nam, tâm bão đi qua TP.Đà Nẵng. Sau 6 giờ tàn phá tại Việt Nam, bão Xangsane đã sang Lào và suy yếu.
Cơn bão lớn nhất tại miền Trung trong vài thập kỷ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người, hơn 500 người bị thương, thiệt hại hơn 10.000 tỉ đồng.
Bão Xangsane còn làm 15.119 căn nhà sập và cuốn trôi; 251.418 căn nhà tốc mái, hư hỏng, 2.059 trường học, cơ quan bị hư hỏng, 579 tàu thuyền chìm và bị hư hại cùng hàng ngàn héc ta nuôi trồng thủy sản, lúa, hoa màu, hàng trăm ki lô mét đường giao thông… bị tàn phá.
Xangsane được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm tính đến 2006, vào Biển Đông thì cường độ bão mạnh lên cấp 13, giật cấp 14 và giữ nguyên cường độ này khi đổ bộ.
Bão Linda vào năm 1997
Sáng 3/11/1997, bão Linda đi sang vùng biển Cà Mau - Kiên Giang, nó cũng nhanh chóng đạt tới cấp độ bão cuồng phong và tiến dần về phía Tây vịnh Thái Lan. Tại đây, bão chuyển hướng.
Sau khi chuyển hướng Tây Bắc, bão Linda đã suy yếu thành bão nhiệt đới trước khi tấn công vịnh Thái Lan với tốc độ gió giảm còn 85km/giờ. Tuy nhiên, nhờ nhiệt độ nước biển ấm, Linda dần tăng cường trở lại, khi nó giảm tốc độ di chuyển do sự suy yếu của áp cao cận nhiệt.
Đường đi của bão Linda. |
Vào ngày 6/11/1997, cơn bão một lần nữa đạt cấp độ bão cuồng phong tại địa điểm ngoài khơi phía Tây Nam bờ biển Myanmar. Nhưng bão Linda cũng chỉ duy trì được cường độ tối đa trong khoảng 18 tiếng. Sau đó, Linda ít di chuyển và suy yếu dần trong những ngày tiếp theo.
Đến 9/11/1997, cơn bão Linda chính thức tan biến trên biển do độ đứt gió tăng lên và dòng dẫn suy yếu, không vượt vịnh Bengal và đổ bộ vào biên giới Ấn Độ - Bangladesh như dự kiến.
Việt Nam là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của cơn bão cuồng phong Linda với khoảng 3.000 người chết và mất tích, 1.232 người bị thương, khoảng 200.000 ngôi nhà bị tàn phá.
Trong đó riêng tỉnh Cà Mau đã có tới 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương; làm sập, hư hỏng hơn 160.000 căn nhà và nhiều cơ sở vật chất khác.
Tại cửa biển thuộc xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) có trên 500 người tử nạn, nhiều nhất là khu vực kinh Xáng Mới với khoảng 140 gia đình có phụ nữ mất chồng, mất cha. Nơi đây sau này được nhắc đến với cái tên ''làng góa phụ''. Tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó do bão Linda gây ra lên đến hơn 385 triệu USD (khoảng 7.200 tỷ đồng).
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp