Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những người Mỹ vẫn tin Trump chiến thắng

Kinh tế thế giới

27/11/2020 14:09

Nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump vẫn tin rằng cuộc bầu cử có gian lận và ông sẽ giành lại được chiến thắng, tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ hai.

Dù mỗi ngày qua đi, nỗ lực thách thức kết quả bầu cử của Tổng thống Donald Trump lại đón nhận thêm tin xấu, nhiều người ủng hộ ông vẫn không từ bỏ hy vọng mong manh, từ chối công nhận chiến thắng dành cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Một số người, như Jonathan Serrano, một nhà khởi nghiệp đến từ Chicago, bang Illinois, tin rằng Trump không nên thừa nhận thất bại cho đến khi tất cả các bang xác nhận kết quả bầu cử, phá vỡ truyền thống nhận thua mà các đời tổng thống Mỹ duy trì từ năm 1896 đến nay.

"Ông ấy chỉ nên nhận thua khi kết quả bầu cử chính thức được công bố. Biden mới 'được cho là' tổng thống đắc cử, chưa phải là Tổng thống đắc cử chính thức. Người ta tin ông ấy chiến thắng chỉ vì truyền thông xướng tên ông ấy là người thắng", Serrano nói.

Dylan Martin, chuyên gia về truyền thông tại California, nhận định Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền thách thức kết quả bầu cử tại tòa án và truyền thông không có quyền quyết định ai là tổng thống đắc cử.

Tổng thống Donald Trump nói chuyện với các phóng viên tại  Nhà Trắng  ngày 26/11. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump nói chuyện với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 26/11. Ảnh: Reuters.

Nhưng trong lịch sử chính trị Mỹ hiện đại, các hãng tin quốc gia có truyền thống "xướng tên" tổng thống đắc cử dựa trên những dữ liệu kiểm phiếu được công bố và kết quả phân tích, thăm dò do họ tiến hành. Các ứng viên tổng thống trước đây cũng đều dựa vào tuyên bố của truyền thông để xác định xem họ là người thắng hay thua cuộc bầu cử, bao gồm cả Trump hồi năm 2016.

4 năm trước, Trump đã tuyên bố chiến thắng không lâu sau khi các hãng tin xướng tên ông vào đêm bầu cử. Đối thủ Hillary Clinton ngay sau đó cũng phát biểu nhận thua và gọi điện chúc mừng Trump.

"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump. Al Gore từng có hơn 30 ngày thách thức kết quả bầu cử năm 2000. Vì thế, đảng Dân chủ và giới truyền thông nên dành cho Tổng thống Trump đặc quyền tương tự. Liệu các vụ kiện của ông ấy có thể thay đổi kết quả bầu cử hay không không phải vấn đề chính", Martin bình luận.

Năm 2000, tranh cãi nảy sinh tại bang là Florida, nơi ứng viên đảng Dân chủ Al Gore để thua ứng viên đảng Cộng hòa George W Bush với cách biệt 537 phiếu sau khi Tòa án Tối cao tạm dừng kiểm phiếu tại đây. 25 đại cử tri Florida đã giúp định đoạt thắng lợi dành cho Bush. Nhưng trong cuộc bầu cử năm nay, Trump cần lật ngược kết quả tại ít nhất ba bang với 38 phiếu đại cử tri mới đủ lấy lại chiến thắng từ tay Biden.

"Chiến dịch của Trump đã nộp hàng trăm bản khai có tuyên thệ cáo buộc về hành vi gian lận và bất thường trong cuộc bầu cử. Việc truyền thông không đưa tin về thực tế rằng đã có những bằng chứng được phát hiện, hay họ thậm chí đi xa đến mức nói rằng những tuyên bố Trump đưa ra hoàn toàn vô căn cứ, là hành vi sai trái của báo chí", Martin nhấn mạnh.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa hai ứng viên George W. Bush (trái) của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ tốn không ít thời gian để kiểm phiếu lại ở Florida. Nguồn: USA TODAY
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 giữa hai ứng viên George W. Bush (trái) của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ tốn không ít thời gian để kiểm phiếu lại ở Florida. Nguồn: USA TODAY

Tuy nhiên, chiến dịch pháp lý của Trump đến nay chưa trình ra tòa án bằng chứng về gian lận bầu cử trên diện rộng, ngoài bản khai có tuyên thệ của các nhân chứng, vốn không được coi là bằng chứng thuyết phục tại tòa. Tính đến ngày 23/11, các thẩm phán liên bang đã bác ít nhất 25 trong 36 đơn kiện được đội ngũ pháp lý của Trump nộp tại các bang chiến trường quan trọng.

"Tổng thống Trump xứng đáng được hưởng một quy trình bầu cử công bằng, đúng luật và đúng trật tự, thứ mà chúng ta đang không được chứng kiến", Stefanie Mingari, thành viên Câu lạc bộ đảng Cộng hòa vùng Tây Bắc ở Chicago, Illinois, nói. "Mỗi ngày qua đi, chúng ta lại chứng kiến thêm những hành vi gian lận và sự bất công. Cuộc bầu cử này là một nỗi xấu hổ, tính toàn vẹn của nước Mỹ đang lâm nguy".

Mingari tin rằng cách tốt nhất hiện nay là đảm bảo mọi phiếu bầu hợp pháp đều được tính, ngoại trừ các "phiếu bầu đến muộn".

Nhưng trong mắt các thẩm phán liên bang, những lá phiếu qua thư được cho là "đến muộn" này hoàn toàn hợp pháp, theo luật bầu cử được từng bang quy định.

Trong một tuyên bố nhân danh tổ chức của mình, Betsy Mahan, chủ tịch đảng Cộng hòa hạt Sacramento ở California, lưu ý rằng không nên coi thường những cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử dù chúng chưa được chứng minh. "Có quá nhiều bất thường trong cuộc bỏ phiếu đã bị bỏ qua. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực pháp lý nhằm xác định xem liệu có bất kỳ hoạt động gian lận nào trong cuộc bầu cử này hay không và sẽ chấp nhận kết quả sau khi tòa án hoặc quốc hội quyết định người chiến thắng", bà cho hay.

Các nhân viên kiểm phiếu qua thư ở hạt Lehigh, bang Pennsylvania. Ảnh: Sky News
Các nhân viên kiểm phiếu qua thư ở hạt Lehigh, bang Pennsylvania. Ảnh: Sky News

Gabe Hartwig, chủ tịch tổ chức Đảng viên Cộng hòa Trẻ Atlanta, chỉ công nhận Biden là "người có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử của đại cử tri".

Theo Hartwig, Tổng thống Trump "có quyền trình lên tòa án bất kỳ bằng chứng nào về gian lận bầu cử mà đội ngũ pháp lý của ông đã phát hiện". Nếu không có bằng chứng đáng tin cậy nào được đưa ra, kết quả của đại cử tri đoàn nên được giữ nguyên.

Trong lúc quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống đang được tiến hành, những người ủng hộ Trump hiện bị chia rẽ về những gì sẽ diễn ra sau khi Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Serrano hy vọng sẽ nhìn thấy một cuộc chuyển giao quyền lực yên bình hoặc tốt hơn hết là Tổng thống Trump có thể tiếp tục đảm nhận một nhiệm kỳ nữa.

Với Jack Patton, một cư dân thành phố New York, chủ tịch nhóm Cộng hòa Đại học Nam California, Biden là tổng thống kế tiếp và anh muốn "nhìn thấy cả hai đảng phối hợp với nhau chặt chẽ hơn".

Hartwig lại nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" trong kết quả bầu cử năm nay.

"Nếu gạt cuộc đua tổng thống sang một bên, cuộc bầu cử ngày 3/11 là điều tuyệt vời đối với các đảng viên Cộng hòa. Chúng ta đã mở rộng liên minh với nhóm cử tri da màu và cử tri gốc Tây Ban Nha, giành lại một số ghế tại Hạ viện, kiểm soát lại các nghị viện bang và có khả năng vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng viện", anh chia sẻ.

Quyền kiểm soát Thượng viện sẽ được quyết định bởi kết quả của hai cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ tại Georgia vào ngày 5/1. Nếu đảng Cộng hòa chỉ thắng một trong hai ghế, họ sẽ giữ thành công thế đa số tại Thượng viện.

Mingari thì vẫn lạc quan rằng Tổng thống Trump sẽ tìm được đường giành lại chiến thắng. "Tôi mong Tổng thống Trump sẽ tái đắc cử và tất cả những ai đang cố gắng hủy hoại quy trình bầu cử của chúng ta bằng hành vi gian lận và lừa dối cử tri sẽ phải chịu trách nhiệm", cô nói.

VŨ HOÀNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement