20/02/2017 06:32
Những lỗi dùng phanh bạn tưởng đúng hóa sai
Dùng phanh (thắng) nào trước, vào cua có cần dùng phanh hoặc lực phanh phân bổ như thế nào là những lỗi dễ mắc phải khi sử dụng phanh.
Phanh là một bộ phận không thể thiếu trên xe máy. Nhiều công nghệ hiện đại hỗ trợ quá trình phanh an toàn và hiệu quả hơn. Nhưng kỹ năng và kiến thức của người sử dụng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu khi sử dụng phanh. Bạn thực hiện phần trắc nghiệm dưới đây để biết mình có dùng phanh đúng cách:
Lái xe ga nên sử dụng phanh nào trước?
Không kể xe ga hay xe số, việc dùng phanh nào trước không quan trọng bằng việc kết hợp nhịp nhàng cả hai phanh cùng lúc. Điều này giúp thân xe duy trì độ ổn định lớn nhất có thể trong những tình huống cần giảm tốc.
Nếu sử dụng phanh trước ngay từ đầu, trọng lượng người, xe cùng tốc độ tạo thành lực quán tính đổ dồn về bánh trước. Bánh trước bị hãm đột ngột, xuất hiện tình trạng khóa bánh nếu lực phanh quá mạnh khiến xe mất kiểm soát, dẫn đến té ngã. Đây là điều ghi nhớ cần tránh khi sử dụng phanh xe máy.
Ngược lại chỉ sử dụng phanh sau khiến quãng đường phanh dài hơn so với phanh trước. Nếu lực phanh quá mạnh và đột ngột, bánh sau cũng có hiện tượng khóa bánh khiến xe bị trượt, đuôi xe văng sang trái hoặc phải gây mất kiểm soát.
Vì thế, kết hợp hai phanh cùng lúc với lực phanh từ từ và tăng dần đến khi xe dừng hẳn. Tất nhiên khi đi xe với tốc độ trung bình và điều kiện mặt đường khô ráo, người lái có thể chỉ cần dùng phanh sau để giảm tốc độ mà không làm xe mất kiểm soát.
Lực phanh thế nào là đủ?
Sử dụng phanh nào trước không quan trọng bằng kết hợp cả hai cùng lúc. Nhưng điều này không đồng nghĩa với lực phanh sử dụng cho hai bánh luôn đồng đều hoặc bánh sau nhiều hơn bánh trước.
Trong điều kiện mặt đường khô, khi sử dụng đồng thời cả hai phanh, bạn nên phân bổ tỷ lệ lực phanh 70% cho bánh trước và 30% cho bánh sau. Cách phanh này giúp xe dừng lại với quãng đường ngắn nhất có thể, đồng thời tránh trường hợp xe mất thăng bằng. Bởi lực phanh trên bánh sau giúp giảm tốc độ từ từ, lực quán tính đồng thời không phân bổ đột ngột đến bánh trước.
Nhưng khi điều kiện mặt đường trơn trượt, lực phanh cho bánh trước và bánh sau nên chuyển sang tỷ lệ 50/50.
Có cần giảm ga khi phanh?
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng không cần thiết khi giảm ga hoặc về số khi dùng phanh. Nhưng thực tế, giảm ga được coi là hình thức phanh động cơ vô cùng hữu hiệu, trợ giúp quá trình giảm tốc diễn ra nhanh và an toàn hơn. Nhiều tài xế ôtô vẫn thường sử dụng cách này để xuống dốc an toàn thay vì rà phanh liên tục.
Khi giảm ga hoặc về số thấp, vòng tua máy nhỏ lại khiến tốc độ cũng giảm đi đáng kể. Tuy nhiên thực hiện điều này cần thao tác chậm và từ từ để động cơ không khựng lại đột ngột. Trình tự phanh được khuyến cáo nên làm là giảm ga, dùng phanh kết hợp với lực phanh tăng dần đều. Đồng thời tập thói quen bóp-nhả phanh để tránh trường hợp khóa bánh (đối với xe không có ABS).
Khi vào cua
Các vận động viên (VĐV) đua xe chuyên nghiệp thực hiện những pha vào cua với tốc độ cao kết hợp dùng phanh hạn chế để vượt đối thủ. Nhưng với xe máy, ôtô bình thường, không có những công nghệ hiện đại dành riêng cho đường đua, không có kỹ năng thành thạo như các VĐV, việc dùng phanh khi vào cua là điều cần tránh, trừ trường hợp bất khả kháng.
Cách tốt nhất khi vào cua, bạn cần giảm tốc độ và kiểm soát hướng đi phù hợp. Vào cua với tốc độ và góc nghiêng vừa phải, qua cua mới bắt đầu tăng tốc. Nhưng nếu buộc phải dùng phanh, bạn cần làm gì?
Với xe hai bánh khi vào cua, lực ly tâm, lực kéo ở bánh sau và những lực khác tạo thành phương cân bằng cho xe. Nếu sử dụng phanh đột ngột hoặc ở bánh trước hoặc ở bánh sau, đều có thể phá vỡ sự thăng bằng, khiến xe dễ bị trượt ngã.
Vì thế, nếu buộc phải dùng phanh để tránh chướng ngại vật, lực phanh nên phân bổ cho bánh sau theo tỷ lệ nghịch giữa lực phanh và góc nghiêng của xe. Tránh tác động phanh lên bánh trước. Vào cua với góc nghiêng càng lớn, lực phanh bánh sau nếu có càng nhỏ và ngược lại. Vào cua bên nào thì nghiêng người bên đó.
Đối với ôtô khi vào cua, tài xế tốt nhất nên giảm ga, về số thấp và đi chậm. Tùy vào góc cua rộng hay hẹp, tốc độ cao hay thấp mà đánh lái vô-lăng nhiều hoặc ít. Nếu phải dùng phanh, cần thao tác nhấp-nhả thay vì giữ phanh liên tục có thể khiến má phanh quá nóng, trơ, dẫn đến hiện tượng mất phanh vô cùng nguy hiểm.
Phanh gấp khi bánh bị khóa
Thực tế, việc dùng phanh hiệu quả không những đòi hỏi kỹ năng mà còn tâm lý vững vàng của người điều khiển xe. Trong những trường hợp tác động lực phanh quá lớn và đột ngột khiến bánh xe bị khóa, điều cần làm là nhả phanh và từ từ thao tác lại các bước phanh.
Điều này có thể áp dụng cho ôtô lẫn xe máy. Mất bình tĩnh và tâm lý hoảng loạn chỉ khiến tình trạng thêm xấu đi. Tất nhiên điều này cần quá trình thực hành và kinh nghiệm tích lũy qua thời gian của người cầm lái.
Làm gì khi phanh gấp xe máy?
Lực quán tính khi sử dụng phanh xe khiến người lái dồn về phía trước. Vì thế, trong quá trình giảm tốc, bạn không nên chồm người về phía trước, gây hẹp không gian giữa người và tay lái. Điều này chỉ khiến phản xạ của bạn trở nên chậm, khó khăn hơn.
Cách tốt nhất là nhích người về sau để "trừ hao" lực quán tính xô người về trước trong những trường hợp phanh gấp. Kỹ năng này đòi hỏi bạn phải bình tĩnh trước những tình huống bất ngờ.
Sử dụng phanh xe côn tay thế nào?
Côn trước, phanh sau là thói quen tưởng đúng hóa sai mà nhiều người đi xe côn tay hay mắc phải. Thực tế, thao tác đúng trong trường hợp này là phanh trước, côn sau. Khi cần giảm tốc, người lái tiến hành bóp phanh và sau đó mới dùng đến côn khi xe chuẩn bị dừng.
Khi vào cua hay xuống dốc cũng tương tự, tránh dùng côn quá sớm trước khi dùng phanh. Thói quen giữ tay côn khi xe chạy và việc chuyển số đã hoàn tất chỉ làm giảm tuổi thọ các lá côn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp