15/08/2020 07:49
Những lần gây địa chấn của giá vàng
Vàng chứng kiến nhiều cơn địa chấn những năm qua. Theo giới chuyên gia, mức tăng của kim loại quý năm 2020 là đáng kể nhưng không phải chưa từng xảy ra.
"Bản chất của giá vàng là sự thất thường. Bạn phải lựa chọn trở thành nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Nếu ngắn hạn, hãy dựa vào sự may mắn", ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cao cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty giao dịch ngoại hối Oanda (Mỹ), chia sẻ.
Cơn địa chấn giá vàng gần nhất diễn ra vào phiên giao dịch hôm 12/8 (theo giờ New York). "Lúc này, chẳng ai có thể phàn nàn về việc giá kim loại quý thiếu biến động nữa. Hôm 12/8, các nhà đầu tư đã trải qua một phiên giao dịch không khác gì chơi tàu lượn siêu tốc", ông Halley mô tả.
Năm 2020 không phải năm duy nhất chứng kiến giá vàng biến động mạnh khiến thị trường chao đảo. Thực tế cho thấy kim loại quý tăng giá càng nhanh, các đợt điều chỉnh giảm sẽ càng mạnh.
Giới quan sát nhận định bản chất của vàng là sự thất thường. Ảnh: Chí Hùng. |
Những lần trồi sụt
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/1978 đến tháng 1/1980, giá vàng tăng hơn 400% từ dưới 200 USD/ounce lên hơn 800 USD/ounce. Tốc độ này tương đương với mức tăng từ 1.200 USD/ounce vào tháng 9/2019 lên khoảng 5.000 USD/ounce.
Đây là thời điểm bà Margaret Thatcher (1925-2013) trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh và ông Paul Volcker (1927-2019) được chọn làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Hai sự kiện này đánh dấu sự thay đổi lớn của nền kinh tế toàn cầu.
"Bản chất của giá vàng là sự thất thường. Bạn phải lựa chọn trở thành nhà đầu tư ngắn hạn hay dài hạn. Nếu ngắn hạn, hãy dựa vào sự may mắn" - Jeffrey Halley tại Oanda (Mỹ) |
Đến giai đoạn năm 2008-2011, nền kinh tế toàn cầu chật vật gượng dậy từ cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng trung ương ồ ạt in thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế khiến giá vàng tăng vọt. Trong vòng 3 năm, kim loại quý tăng giá 200%.
"Các gói kích thích tiền tệ, nỗi lo ngại hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và việc Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng khiến giá vàng leo dốc và nhanh chóng vượt ngưỡng 1.920 USD/ounce", ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore), trả lời Zing.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, các nhà đầu tư ồ ạt chốt lời, giá vàng thế giới lao dốc xuống 1.820 USD/ounce, mất gần 90 USD/ounce so với đỉnh. Vào những tháng cuối năm, vàng được giao dịch quanh vùng 1.600-1.700 USD/ounce và khép lại năm với mức 1.600 USD/ounce.
Dù vẫn tăng trong cả năm 2011, đến năm 2013, giá kim loại quý trượt dốc thẳng đứng xuống mức thấp dưới 1.200 USD/ounce. Nguyên nhân là FED thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi, lạm phát toàn cầu thấp, thị trường chứng khoán leo dốc và đồng USD mạnh lên.
Mối lo ngại lạm phát khiến giá kim loại quý tăng mạnh. Ảnh: Chí Hùng. |
Nhớ lại cơn địa chấn giá vàng năm 2011, anh Nguyễn Tài, sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM, kể: "Tôi bỏ 40 triệu đồng để mua vàng ở mức giá 1.800 USD/ounce. Đến khi giá kim loại quý chạm ngưỡng 1.920 USD/ounce, tài khoản của tôi đã lãi hơn 80 triệu đồng. Tin rằng giá vàng còn tăng nữa, tôi không chốt lời mà mua tất tay ở mức giá 1.920 USD/ounce".
"Kết quả là 1 giờ sau, giá vàng rơi tự do xuống 1.840 USD/ounce, tôi mất trắng. Đó là bài học cay đắng cho sự tham lam, không quản lý rủi ro mà tôi không bao giờ quên", anh Tài tiếc nuối.
Tại thị trường Việt Nam, cơn bão giá vàng bắt đầu bùng nổ từ ngày 11/2/2011. Giá kim loại quý tăng một mạch từ vùng 35 triệu đồng/lượng (ngày 11/2) lên 49 triệu đồng (ngày 9/8). Chỉ trong 2 phiên giao dịch ngày 8 và 9/8, nhà đầu tư vàng lãi thêm 5 triệu đồng/lượng.
Nhưng đến cuối tháng 9, thị trường vàng chứng kiến cảnh nhà nhà đội mưa bán vàng khi giá kim loại quý rơi tự do xuống còn 41 triệu đồng/lượng. Đến cuối năm 2013, vàng được giao dịch ở mức 35,1 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất trong vòng hơn 3 năm.
Tăng càng nhiều, điều chỉnh giảm càng mạnh
Kể từ đó đến nay, trước khi leo dốc trở lại và thiết lập kỷ lục giá mới trong năm nay, vàng mất giá đến 45%. Đỉnh điểm là giá vàng lao dốc một mạch từ mức 1.184 USD/ounce ngày 16/10/2015 xuống còn 1.051 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm 27/11, mức thấp kỷ lục trong vòng gần 6 năm.
Nguyên nhân là thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc sau bê bối giao dịch nội gián của lãnh đạo Citic Securities, công ty môi giới chứng khoán lớn nhất nước này. Cùng với đó là sức mạnh đồng USD tăng lên và FED có khả năng nâng lãi suất.
Năm nay, gói cứu trợ của các chính phủ nhằm giúp nền kinh tế đối phó với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 dẫn đến mối lo ngại về lạm phát. Sức mạnh của đồng USD suy yếu, lãi suất thực rơi tự do, giới đầu tư ồ ạt đổ tiền vào vàng khiến giá kim loại quý tăng mạnh.
Sự trồi sụt của giá vàng trong vòng 10 năm qua. |
Chỉ trong vỏn vẹn 3 tuần, giá vàng đã xuyên thủng mức kỷ lục 1.920 USD/ounce hồi năm 2011, vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và thiết lập mức kỷ lục mới 2.050 USD/ounce. Đến ngày 12/8, kim loại quý điều chỉnh giá mạnh xuống 1.862 USD/ounce trước khi bật tăng áp sát ngưỡng 1.960 USD/ounce vào đầu giờ chiều ngày 13/8 (theo giờ New York).
"Tôi nhận thấy hai điều ở đợt biến động giá này. Đầu tiên là biến động giá bị chi phối bởi các nhà đầu cơ muốn bán tháo nhanh khi giá giảm. Thứ hai, những nhà đầu tư dài hạn đã mua mạnh tay ở mức giá 1.850 USD/ounce", ông Halley tại Oanda giải thích.
"Các đợt điều chỉnh mạnh của giá vàng là hoàn toàn bình thường. Mức tăng càng lớn, điều chỉnh giảm sẽ càng mạnh", chuyên gia phân tích giá vàng Jim Wyckoff của Kitco News nói với Zing.
Trong khi đó, ông Halley của Oanda cho rằng những biến động giá gần đây đã mở rộng phạm vi ồ ạt, dẫn đến khoảng cách lớn giữa mức hỗ trợ và mức kháng cự. "Giá vàng sẽ còn tiếp tục biến động mạnh", ông cảnh báo.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp