26/08/2017 11:53
Những hình ảnh buồn của một Sài Gòn nhiều cao ốc chọc trời
Trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính là Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.
Kế hoạch di dời sẽ được tiến hành qua 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 2015 - 2020, tập trung giải tỏa di dời 9.805 căn nhà ven kênh rạch.Giai đoạn 2 từ năm 2020 - 2025, hoàn thành mục tiêu di dời 19.524 căn nhà và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch.
Ngoài ra, công tác di dời, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng tiếp tục thực hiện trên toàn tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7 và 8 để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM.
Mới đây nhất, UBND TPHCM đã gửi tờ trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án tổ chức thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TPHCM”, với danh mục 62 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM giai đoạn 2016-2020.
UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TPHCM được chỉ định các nhà đầu tư đủ năng lực để làm chủ đầu tư các dự án chỉnh trang phát triển đô thị, tương tự như các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo quy định, áp dụng hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn được 250 ngày làm thủ tục.
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (chi nhánh tại TP.HCM) nghiên cứu điều chỉnh cục bộ 8 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu dân cư các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7.
Từ năm 2016 Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đã có đề xuất phương án di dời và tái đầu tư dự án BĐS tại Kênh Đôi sau khi thực hiện xong kế hoạch giải phóng nhà ven kênh tại đây.
Theo UBND quận 8, chỉ tính riêng kênh Đôi, phía bờ Nam có hơn 5.000 căn nhà với gần 26.000 nhân khẩu (thuộc các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7).
Qua khảo sát bước đầu, trong tổng số căn nhà phía bờ Nam kênh Đôi, có 2.463 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2.104 trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều nhà xây hẳn trên kênh. Nguyện vọng nhận tiền đền bù rồi tự thu xếp chỗ ở có 1.314 trường hợp, nhận tái định cư 1.590 trường hợp và 1.663 hộ không có ý kiến...
Dự án dự kiến sẽ được thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công tư) và cần khoảng 13.000 tỷ đồng để di dời 5.000 hộ dân này.
Theo tìm hiểu, không chỉ có một số doanh nghiệp địa ốc lớn trong nước như Vingroup, Novaland, Đất Xanh... đang "nhòm ngó" đến chương trình này để tham gia đầu tư, nhiều tập đoàn nước ngoài như Capitaland, Dragon Capital... cũng đang muốn cạnh tranh.
KTS. Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng chìa khóa tháo gỡ chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch là phải bồi thường thỏa đáng, thu hút đầu tư, biến vùng đất giải tỏa thành dự án phát triển bất động sản có giá trị sinh lời cao.
Nhưng, việc làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp cùng ngành tham gia đẩy nhanh tiến trình đầu tư mới là vấn đề quan trọng cần bàn thảo để có được bộ khung chính sách chung. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đang muốn "nhảy" vào để phát triển dự án nhưng các chính sách di dời và tái định cư còn chưa tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư thu hồi vốn.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp