19/08/2017 08:40
Những gia đình tỉ phú mới nổi trên sàn chứng khoán sở hữu bao nhiêu tiền?
Với mức giá chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu, VPBank đã tạo nên cột mốc lịch sử mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đã xuất hiện thêm nhiều gia đình tỉ phú nhờ nắm giữ VPB lọt vào cuộc đua vào top 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Ba gia đình tỉ phú mới từ VPBank
Theo bản cáo bạch niêm yết của VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đang sở hữu hơn 70,2 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 5% vốn điều lệ. Ngoài ra, mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên đang nắm hơn 66,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 4,7% vốn điều lệ và bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Dũng đang nắm gần 68 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 4,8% vốn điều lệ.
Như vậy, tổng cộng gia đình ông Dũng đang nắm giữ hơn 204,7 triệu cổ phiếu, tương đương 14,56% vốn điều lệ VPBank. Tính theo giá niêm yết là 39.000 đồng/cổ phiếu thì ngay sau khi lên sàn, số tài sản mà gia đình ông Dũng đang nắm sẽ lên tới 7.984 tỉ đồng
Tương tự, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cũng đang nắm giữ hơn 35,7 triệu cổ phiếu. Vợ ông Quân là bà Kim Ngọc Cẩm Ly nắm giữ hơn 66,3 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng số cổ phiếu VPBank mà 2 vợ chồng ông Quân nắm giữ là hơn 102 triệu cổ phiếu, chiếm 7,26% vốn điều lệ. Như vậy, số tài sản của gia đình ông Quân cũng lên tới hơn 3.982 tỉ đồng.
Một lãnh đạo cao cấp khác của VPBank là ông Lô Bằng Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng sở hữu gần 1,9 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, gia đình ông Giang lại nắm giữ một lượng cổ phiếu tương đối lớn của VPBank. Cụ thể bà Lý Thị Thu Hà, mẹ đẻ ông Giang nắm giữ hơn 64,5 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 4,59% vốn điều lệ. Bà Lô Hải Yến Ngọc, chị ruột ông Giang nắm hơn 1 triệu cổ phiếu và bà Nguyễn Thu Thủy, vợ ông Giang năm giữ hơn 46,5 triệu cổ phiếu.
Tổng cộng, gia đình ông Giang sở hữu hơn 114 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương 8,1% vốn điều lệ. Tổng tài sản tính theo giá cổ phiếu VPB ngày chào sàn lên tới hơn 4.446 tỉ đồng.
Như vậy, sau khi VPBank lên sàn, thị trường chứng khoán đã có thêm ba gia đình tỉ phú. Tổng số tài sản mà ba thành viên Hội đồng quản trị VPBank và người nhà đang nắm giữ trị giá khoảng 16.412 tỉ đồng.
Ba gia đình tỉ phú của VPBank đã góp phần làm dài thêm danh sách những gia đình tỉ phú của Việt Nam. Trong giới tài chính ngân hàng, gia đình tỉ phú đình đám nhất phải kể đến ACB. Cụ thể là gia đình ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB đang nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của ACB với tổng trị giá hàng ngàn tỉ đồng. Trong đó, cá nhân ông Huy nắm giữ 28.772.070 cổ phiếu ACB, trị giá hơn 739 tỉ đồng. Cha ông Huy là Trần Mộng Hùng đang nắm số cổ phiếu trị giá hơn 424 tỉ đồng. Mẹ đẻ ông Huy là bà Đặng Thu Thủy đang nắm 282 tỉ đồng cổ phiếu của ACB.
Ngoài ra, ông Huy còn có chị gái là Trần Đặng Thu Thảo có 272 tỉ đồng, em trai là Trần Minh Hoàng nắm giữ 295 tỉ đồng, người chú tên Trần Phú Mỹ có 198 tỉ đồng và người cô tên Đặng Thu Hà có 268 tỉ đồng giá trị cổ phiếu của ACB. Đó là chưa kể, ông Huy còn có ba người chú và hai người cô, mỗi người nắm từ từ vài tỉ đồng đến gần trăm tỉ đồng giá trị cổ phiếu ACB.
Thế nhưng, tài sản của những gia đình tỉ phú ngành tài chính ngân hàng sẽ rất nhỏ bé khi đặt cạnh mảng bất động sản. Người giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup đã sở hữu khối tài sản trị giá 30.950 tỉ đồng. Vợ ông Vượng là bà Phạm Thu Hương cũng có khối tài sản 5.337 tỉ đồng. Ngoài ra, em vợ ông Vượng là bà Phạm Thúy Hằng cũng sở hữu số lượng cổ phiếu của Vingroup trị giá 3.564 tỉ đồng.
Người giàu thứ hai trên thị trường chứng khoán là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC cũng có gia đình đang nắm giữ hàng ngàn tỉ đồng. Cụ thể, cá nhân ông Quyết đang nắm giữ khối tài sản 30.675 tỉ đồng. Vợ ông Quyết là bà Lê Thị Ngọc Diệp đang có khối tài sản 2.077 tỉ đồng.
Ngoài ra, Việt Nam còn có hàng loạt gia đình tỉ phú khác như: gia đình ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland. Gia đình ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát. Gia đình ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động…
Thiết lập lại danh sách 20 người giàu
Với mức giá chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu, hàng loạt lãnh đạo của VPBank và người nhà đã lọt vào danh sách 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Những người đang nắm giữ cổ phiếu VPBank đã đánh bật những tỷ phú vốn nổi danh trên thị trường chứng khoánkhỏi danh sách 20 người giàu nhất.
Cụ thể, những lãnh đạo và người nhà của VPBank đã chiếm từ vị trí 13-16 trong danh sách 20 người giàu nhất sàn chứng khoán. Đứng đầu danh sách những người giàu đến từ VPBank là ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank. Với việc nắm giữ hơn 70,2 triệu cổ phiếu VPB, số tài sản của ông Dũng tính theo giá cổ phiếu VPBank là 2.740 tỉ đồng. Với khối tài sản này, ông Dũng đang đứng vị trí thứ 13, xếp sau ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với vị trí thứ 12 trong danh sách.
Xếp thứ 2 trong danh sách những người giàu đến từ VPBank là bà Hoàng Anh Minh, vợ ông Ngô Chí Dũng. Bà Minh cũng đang sở hữu hơn 67,9 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng giá trị 2.649 tỉ đồng. Bà Minh xếp vị trí thứ 14 trong danh sác những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Kế đến là bà Vũ Thị Quyên, mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng nắm giữ 66,56 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng giá trị 2.596 tỷ đồng. Bà Quyên đang xếp vị trí thứ 15 trên sàn chứng khoán. Như vậy, tổng cộng gia đình ông Minh đang sở hữu khối tài sản tính theo giá trị cổ phiếu VPBank lên tới gần 8.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xếp thứ 16 trong danh sách những người giàu nhất cũng là một cổ đông lớn của VPBank. Cụ thể, bà Kim Ngọc Cẩm Ly là vợ ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đang sở hữu hơn 66,3 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng với khối tài sản trị giá 2.587 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán.
Tương tự, bà Lý Thị Thu Hà là mẹ ông Lô Bằng Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cũng đang sở hữu 64,57 triệu cổ phiếu VPBank, tương đương giá trị 2.518 tỉ đồng. Với số tài sản này, bà Hà đang xếp thứ 18 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Như vậy, sau khi lên sàn với mức giá 39.000 đồng/cổ phiếu, danh sách 20 người giàu nhất sàn chứng khoán đã bị xáo trộn mạnh khi có đến năm người đến từ VPBank lần lượt bổ sung vào danh sách này. Thay vào đó, hàng loạt tỷ phú nổi danh trên sàn chứng khoán bị đánh bật khỏi danh sách 20 người giàu nhất.
Có thể kể đến những cái tên rất nổi tiếng như ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai...
Sau niêm yết, giá trị vốn hoá của VPBank đạt khoảng 52.000 tỉ đồng và trở thành nhà băng tư nhân có giá trị vốn hoá lớn nhất trên thị trường và đứng thứ tư trong hệ thống tín dụng Việt Nam. Tuy nhiên, theo giới đầu tư chứng khoán và các chuyên gia phân tích thì nhiều khả năng sẽ có làn sóng chốt lời ngay thời điểm VPBank lên sàn.
Lý do là mức giá chào sàn của VPBank hiện đang quá cao, dù các chỉ số kinh doanh của nhà băng này đang được đánh giá là tốt nhất trên thị trường. Điều này được chứng minh trong hai phiên giao dịch đầu tiên của VPBank. Số lượng cổ phiếu bán ra quá nhiều khiến thị giá rớt từ 39.000 đồng/cổ phiếu về mức 37.200 đồng/cổ phiếu.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp