Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những doanh nghiệp nào bị Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang công an điều tra?

Doanh nghiệp

17/10/2022 19:05

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), các doanh nghiệp này được cho là lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.

Mới đây, KTNN đã có báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 gửi tới Quốc hội. Tổng hợp từ 194 báo cáo kiểm toán (BCKT) đã phát hành trong năm nay, KTNN đã kiến nghị xử lý hơn 27.700 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN gần 1.500 tỷ đồng, giảm chi NSNN hơn 9.000 tỷ đồng và kiến nghị khác hơn 17.200 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý.

KTNN cho biết, đã chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra, xử lý hành vi trốn thuế của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.

Những doanh nghiệp nào bị Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang công an điều tra? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng để điều tra, xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm về công tác khai thác khoáng sản (cát) của 7 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty TNHH Đầu tư Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ và Thương mại Tín Thành.

Trong 9 tháng năm 2022, KTNN đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như: Chuyên đề "Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ"; chuyên đề "Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021"; chuyên đề "Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017- 2021".

Dự kiến, KTNN sẽ hoàn thành 100% kế hoạch năm 2022, trong đó nhiệm vụ kiểm toán trọng tâm cuối năm là kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cấp tỉnh năm 2021, trên cơ sở đó kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội đầu năm 2023, theo TPO.

Trong 9 tháng qua, KTNN đã cung cấp 731 BCKT và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát (cùng kỳ năm trước là 160 BCKT và các tài liệu có liên quan).

Ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, những nỗ lực trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì đó đã được quốc tế đánh giá rất cao. Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2021 của Việt Nam đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (tăng 3 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2020).

Dù vậy, báo cáo do ông Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ký duyệt cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể chưa tốt. Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc, theo Dân trí.

"Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở có chuyển biến tích cực nhưng chưa đều, vẫn còn một số địa phương ít phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 

Công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Vẫn xảy ra tình trạng một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật lại có hành vi tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội", báo cáo nêu.

KTNN cho biết, năm 2023 sẽ lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Năm 2023, KTNN dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.

Lựa chọn một số chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội quan tâm về quản lý, bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, rác thải để thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá công tác bảo vệ môi trường: Công tác quản lý, bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018 - 2022; công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp và làng nghề trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định…

Bên cạnh đó, KTNN cũng lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các công trình trọng điểm, giao thông liên vùng khu vực Tây Bắc, Đồng bằng Bắc bộ; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển…

Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement