20/05/2020 10:45
Những điều cần lưu ý khi đi tắm biển để tránh họa sát thân
Những dòng chảy xa bờ là nguy hiểm tiềm ẩn khi đi tắm biển, đặc biệt vào mùa hè khi nhiều người thường đưa cả gia đình du lịch biển.
Du lịch biển là một loại hình du lịch hấp dẫn đối với du khách trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, khi đi du lịch biển mọi người cũng cần phải chú ý một số điêu để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân.
Đề phòng dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ hay còn gọi là sóng ngầm, được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ, nó được hình thành khi nước biển được đưa liên tục vào bờ và tập hợp lại thành một dòng chảy đi thẳng ra biển. Nó là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển.
Nơi có dòng chảy xa bờ nước biển rất lặng, hầu như không có sóng, nước biển ở chỗ đó, màu thường sẽ đậm hơn nước biển chỗ khác. Ảnh minh họa |
Các bãi biển Việt Nam nhìn chung sóng không quá to, cát mịn, có phần thoai thoải. Trước khi xuống nước, bạn nên hỏi người dân địa phương bãi tắm nào an toàn để tránh nguy cơ bị sụt cát, sứa, đá nhọn... Điều đầu tiên cần ghi nhớ là dành khoảng 5-10 phút để quan sát biển báo nguy hiểm và nhận dạng dòng chảy xa bờ.
Bởi theo kinh nghiệm của người đi biển, nơi vùng nước lặng, hầu như không có sóng thì đó là nơi có dòng nước xa bờ.
Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan, thế nên, những ngày sóng không to, các trường hợp chết đuối nhiều hơn. Có thể nhận biết dòng chảy này nhờ những đặc điểm sau:
- Nơi có dòng chảy xa bờ nước biển rất lặng, hầu như không có sóng
- Nước biển ở chỗ đó, màu thường sẽ đậm hơn nước biển chỗ khác.
Khi tắm biển, trong mọi trường hợp, không nên quay lưng ra phía đại dương vì khi ấy không thể nào quan sát, kiểm soát được những nguy hiểm sẽ xảy ra, một con sóng lớn đang tới chẳng hạn. Đối với trẻ có biết bơi cũng cần phải cẩn thận.
Điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần biết giới hạn và khả năng bơi của mình để có thể bảo vệ cho chính mình và con của mình. Luôn để ý đến trẻ bất cứ lúc nào bởi luôn xuất hiện những sự cố bất ngờ như chuột rút, đuối nước.
Ngoài ra, tắm biển gần bờ chưa hẳn đã an toàn. Bởi khi nghịch ở vùng nước nông, dù cho trẻ mặc phao nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện cơn sóng mạnh khiến trẻ bị cuốn ra xa và bị sóng biển đánh úp.
Xử lý sự cố
Nhận dạng dòng chảy xa bờ (sóng ngầm). Ảnh minh họa |
Trước khi xuống nước nên khởi động làm nóng cơ thể bằng các động tác thể dục toàn thân. Tránh ăn quá no hay uống rượu say trước khi xuống biển để tránh bị chuột rút khi đang tắm. Nếu bị chuột rút, bạn nên bình tĩnh kéo ngược hướng nhóm cơ đang bị rút, làm cơ giãn ra để giảm đau, rồi tìm cách gọi mọi người giúp để đưa bạn vào bờ. Cần nghỉ ngơi ít nhất một giờ mới xuống nước lại.
Không nên tắm biển một mình, để đảm bảo an toàn, nên đi bơi cùng ít nhất 1-2 người khác để có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố. Nếu không may gặp phải dòng chảy xa bờ thì không nên cố bơi ngược trở lại mà tiếp tục bơi song song với bờ biển cho đến khi gặp con sóng từ ngoài đánh vào và đưa lại gần bờ.
Những người biết bơi thường dễ bị đuối nước hơn do cố sức bơi ngược dòng vào bờ, sẽ nhanh đuối sức. Luôn nhớ rằng, bạn rất bé nhỏ so với biển cả mênh mông. Tốt nhất, hãy cố gắng bơi song song với bờ biển, và ra hiệu cho cứu hộ hoặc người dân gần đó ứng cứu.
Ngoài ra, du khách không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống nước. Đừng để bụng quá đói hoặc quá no. Không nín thở quá lâu khi lặn.
Chú ý lên bờ ngay khi thấy các triệu chứng sau: Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh; Thấy mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy; Bị chuột rút, rối loạn thị giác; Có dấu hiệu bị chướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp