26/08/2017 01:25
Những danh ca Bolero đỉnh cao ở Việt Nam
Tuyên bố "già trẻ, lớn bé đổ xô hát Bolero là sự thụt lùi", nhưng có những danh ca Bolero tài năng khiến Tùng Dương nể phục và tôn trọng.
Trong quan điểm củaTùng Dương, anh cho rằng, Bolero là một tượng đài với những đỉnh cao cần được giữ nguyên vẹn giá trị của nó, chứ không phải việc "già trẻ, lớn bé đều hát Bolero" để chạy theo thương mại.
Anh nói:"Ca sĩ Bolero ngày xưa hát với máu thịt và niềm đam mê thực sự. Họ hát để thỏa cái đam mê trước chứ không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu".
Vậy, những tượng đài Bolero mà Tùng Dương nhắc đến gồm những ai?
Thanh Tuyền
Nhắc đến Bolero, không thể không nhắc đến Thanh Tuyền như một tượng đài sống của dòng nhạc này. Tên tuổi và giọng hát của cô đã in dấu để tạo nên cả một nền Bolero Việt từ thưở ban sơ, với những đặc trưng không thể phai mờ.
Thanh Tuyền có một giọng hát đặc biệt hiếm thấy. Cô là nữ ca sĩ duy nhất của Bolero sở hữu loại giọng full lirico soprano (đối lập với light lirico soprano phổ biến). Giọng hát của Thanh Tuyền dày, đầy đặn và tròn trịa ở quãng trung, với âm lượng lớn, khỏe khoắn, nhưng lên cao lại sáng rực rỡ.
Tiếng hát này bẩm sinh thuộc dạng hiếm, bản chất sang sảng, cất lên nghe như tiếng đại hồng chung, vừa vang xa lại vừa để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người nghe.
Nhiều người trong giới chuyên môn từng công nhận rằng, với chất giọng hiếm thấy như vậy, nếu Thanh Tuyền được tôi luyện theo chuẩn mực thanh nhạc cổ điển phương Tây, cô sẽ vô địch trong số các giọng ca nữ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đề phù hợp với màu sắc của Bolero, Thanh Tuyền lại chọn dùng lối hát bạch thanh (nhốt giọng vào cuống họng), khiến những note cao của cô dù lộng lẫy, nhưng lại hơi gắt và nhọn hoắc như mũi khoan sâu vào tai người nghe.
Với giọng hát bẩm sinh như được đo ni đóng giày cho Bolero nên Thanh Tuyền hát càng "sến" lại càng hay. Cái "sến" của cô không hề giả tạo, gượng ép, cứng nhắc như nhiều ca sĩ trẻ sau này, mà vẫn luôn tràn ngập cảm xúc, cũng như sự mùi mẫn, đa cảm.
Nhận thức được điều này, Thanh Tuyền cố gắng phát huy lối hát "sến" của mình một cách đầy văn minh, biến nó thành đặc trưng riêng trong Bolero. Cách hát này giống như một quả sầu riêng, mang hương vị rất mùi và nồng, ai không quen sẽ không thích. Nhưng một khi đã quen sẽ thành nghiện, không dứt ra được.
Thanh Tuyền được xem là đỉnh cao của lối hát "sến" trong Bolero.
Với tầm ảnh hưởng và những đóng góp to lớn như vậy, Thanh Tuyền được công chúng mệnh danh là Thiên hậu Bolero.
Hoàng Oanh
Nếu Thanh Tuyền là Thiên hậu bolero thì Hoàng Oanh xứng đáng với danh hiệu Nữ hoàng Bolero – một trong những "khai quốc công thần" xây dựng nền móng của Bolero Việt Nam đương đại.
Hoàng Oanh sở hữu một giọng hát rực rỡ, đầy trang hoàng, nhưng vẫn ngọt dịu như ánh chiều tà. Là giọng kim nên ở quãng trung, âm sắc của cô sang sảng, vang vọng như tiếng chuông khánh, đưa đẩy tới những thanh âm đẹp tuyệt vời.
Nhược điểm của Hoàng Oanh là không dàn trải hơi thở tốt như những ca sĩ khác.Tuy nhiên, khuyết điểm đó được bù lại bởi một giọng hát đẹp lộng lẫy, cùng khả năng truyền tải cảm xúc tinh tế và cách nhả chữ vô cùng chính xác, đặc sắc.
Không chỉ Bolero, Hoàng Oanh còn nổi bật ở tài năng đa dạng, khi hát được dân ca của tất cả các vùng miền đất nước, từ Bắc tới Nam. Ngoài ra, cô còn có khả năng ngâm thơ thần sầu, đong đầy cảm xúc.
Hương Lan
Xuất hiện trên nhạc đàn muộn hơn Hoành Oanh vài năm, nhưng bằng tài năng thiên phú của mình, Hương Lan đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôi sao Bolero hàng đầu ngày ấy.
Hương Lan có một giọng hát ngọt lịm, cực kì giàu âm sắc.
Vốn là con gái của cố nghệ sĩ cải lương Hữu Phước, nên ngay từ nhỏ, Hương Lan đã được cha "truyền nghề" để có những kĩ thuật hát điêu luyện. Cô sở hữu cột hơi vững chắc và khả năng điều khiển làn hơi gần như vô địch, có thể hát liên tục những câu hát dài trên dưới 20 giây không nghỉ.
Không những vậy, khả năng chuyển giọng của Hương Lan cũng rất tốt, có thể nói là ngọt hơn cả Thái Thanh và kín đáo hơn Hoàng Oanh.
Dù không được đào tạo chính thống, nhưng những kĩ thuật luyến láy của Hoàng Oanh lại ở đạt tới mức bậc thầy.
Nếu trill (rung láy) là một kĩ thuật khó, hiếm gặp với cả những diva thế giới kĩ thuật thượng thừa, thì Hương Lan vẫn dư sức sử dụng mezzo - trillo (trillo ngắn) một cách nhẹ nhàng và thoải mái như không.
Hương Lan là minh chứng rõ nhất cho việc, Bolero tuy mộc mạc, ít lạm dụng sự màu mè, phô diễn, nhưng cũng cần đến những kĩ thuật thượng thừa, đòi hỏi người hát phải rất khổ luyện, chứ không phải cứ thích là hát, già trẻ, lớn bé đều đổ xô hát được.
Bảo Yến
Có thể nói, Bảo Yến là một hiện tượng âm nhạc đặc biệt, là ca sĩ hát Bolero thành công nhất Việt Nam sau 75, đánh bật được các tên tuổi đi trước bằng lối hát rất riêng.
Chưa bàn đến việc thành công ở nhiều dòng nhạc khác nhau bởi chất giọng đa thanh xuất sắc, chỉ riêng ở Bolero, Bảo Yến đã là một tượng đài khó có thể thay thế.
Bolero cần sự nhẹ nhàng, mùi mẫn nên hầu hết ca sĩ Bolero đều là nữ cao. Riêng Bảo Yến lại sở hữu chất giọng trung trầm (mezzo alto) với âm sắc rất dày, nặng, phát triển rất mạnh ở quãng trầm và trung.
Bởi vậy, thay vì hát cao vút bạch thanh theo lối thông thường, Bảo Yến lại tập trung vào những quãng trầm ấm, đầy đặn, tạo nên một màu sắc Bolero rất riêng biệt. Đây chính là sáng tạo lớn của cô với Bolero.
Sinh ra tại vùng miền Trung (Quảng Trị), tiếng hát Bảo Yến mang đậm đặc trưng của phương ngữ nơi đây, đó là phát âm rõ phụ âm /s/, /tr/ và /r/.
Và, Bảo Yến đã thông minh, khéo léo đưa phương ngữ của mình vào Bolero, biến nó trở thành đặc trưng riêng ít ai có. Thường thì chỉ có dân ca mới phát âm rõ /r/, /s/, /tr/ nhưng Bảo Yến dù hát nhạc nhẹ hay Bolero vẫn phát âm rất chuẩn.
Các thế hệ ca sĩ Bolero sau này như Như Quỳnh, Quang Lê, Hà Vân, Long Nhật, Vân Khánh, Cẩm Ly, Quang Linh, Đàm Vĩnh Hưng… đều vô cùng ngưỡng mộ Bảo Yến, vì cô là người tiên phong phá bỏ ranh giới "sang" và "sến".
Với Bảo Yến, Bolero không phải sự ỉ ôi rên rỉ như các ca sĩ ngày nay đang làm, mà phải tròn vành, rõ chữ và gọn gàng, nhưng vẫn trọn vẹn cảm xúc.
"Tròn vành, rõ chữ, thân thiện, truyền cảm, đó là sự khác biệt của giọng ca Bảo Yến. Bảo Yến hát như đọc, nhưng vô cùng sâu lắng, xúc động. Phong cách biểu diễn của cô nhẹ nhàng, nhưng bốc lửa đầy nội lực." – Nhạc sĩ Hoàng Lương nói về Bảo Yến.
Không những vậy, cách hát Bolero của Bảo Yến cũng rất đặc biệt ở chỗ, thay vì hát bạch thanh, cô chuyển sang hát nasal (giọng mũi).
Trong thanh nhạc chính thống, việc dùng nasal là không đúng chuẩn. Nhưng bằng sự tinh tế, thông minh của mình, Bảo Yến đã kết hợp vô cùng nhuần nhuyễn nasal voice vào Bolero, tạo nên những ca khúc mùi mẫn, đậm đà cảm xúc, mà vẫn tự nhiên, không quá "sến" như nhiều ca sĩ khác.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp