01/04/2021 06:34
Những cuộc họp lúc nửa đêm của ông Vương Đình Huệ trước khi làm Chủ tịch QH
Ngày 31/3, ông Vương Đình Huệ đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Trước khi giữ cương vị mới này, ông đã có thời gian hơn một năm ngồi “ghế nóng” Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
“Thử lửa” đầu tiên với ông Vương Đình Huệ là chưa đầy 1 tháng nhậm chức Bí thư Hà Nội, ngày 6/3/2020, TP ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình).
Ngay trong đêm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp khẩn để chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc.
Theo ông Huệ, với đại dịch Covid-19, chỉ cần sơ xuất nhỏ là toàn TP sẽ bị tê liệt. Vì vậy, lãnh đạo TP luôn quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”.
“Nhớ lại tối 6/3/2020 khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội (bệnh nhân 17), trước nhiều ý kiến có cần phải họp ngay không, nhưng chúng tôi quyết định phải họp ngay trong đêm. Rõ ràng là tình hình rất nguy cấp, vì ca bệnh ở ngay quận Ba Đình - trung tâm của TP.
Nhờ sớm đưa ra quyết định phong toả khu phố Trúc Bạch, sớm trích xuất được danh sách hành khách đi cùng chuyến bay với ca bệnh thứ 17, Hà Nội sớm nắm tình hình và kiểm soát được dịch bệnh. Lúc đó, chỉ cần hành động chậm 1-2 tiếng thì không biết hậu quả sẽ thế nào”, ông Vương Đình Huệ chia sẻ với báo chí.
Lãnh đạo Thành uỷ cũng yêu cầu các cấp, ngành chống dịch nhưng không thể ngăn sông cấm chợ cực đoan, các thành phần kinh tế phải thích nghi với điều kiện mới; các cơ quan tranh thủ thời gian giãn cách xã hội phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục hành chính, tạo điều kiện hết sức cho nhân dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chỉ hai ngày sau khi Đại hội XIII của Đảng bế mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đề xuất trích ngân sách TP mua vắc-xin cho toàn dân TP… Ông còn chủ động tiên phong hỗ trợ, chia lửa cùng Hải Dương giải cứu nông sản cho bà con nông dân.
Ít ai biết rằng, ở trụ sở Thành ủy số 9 Ngô Quyền, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, các cuộc họp của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy luôn nóng với những lo toan về kịch bản tăng trưởng, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế của nhân dân trước diễn biến tình hình dịch bệnh. Nhiều cuộc họp kéo dài đến 23h để rốt ráo phê duyệt các đề xuất của HĐND, UBND TP.
“Thường trực cứ họp thêm 1 giờ là TP lại có thêm 1 tỷ USD”, Bí thư Thành ủy có lúc đã vui vẻ kể lại như thế về thời điểm chuẩn bị cho hội nghị “Hà Nội năm 2020: Hợp tác, đầu tư và phát triển”.
Bốn tiếng trao đổi hết lẽ với chủ đầu tư 8B Lê Trực
Một dấu ấn khác không thể không kể đến của Thủ đô Hà Nội là lãnh đạo TP đã chỉ đạo, tập trung giải quyết nhiều vấn đề dân sinh bức xúc kéo dài nhiều năm, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, việc xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng ở công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình) là một ví dụ điển hình.
Tại một cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành uỷ Hà Nội về xây dựng Đảng gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm trên địa bàn TP, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thường xuyên liên lạc xin lịch gặp ông để trình bày về dự án.
“Tôi đồng ý hẹn gặp và đã ngồi trao đổi hết lẽ 4 tiếng đồng hồ với chủ đầu tư. Tôi cũng nói với chủ đầu tư đây là cuộc gặp duy nhất để sau này TP sẽ thống nhất xử lý sai phạm”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chia sẻ.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, TP quyết tâm xử lý dứt điểm vụ việc sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, bảo đảm 3 yêu cầu: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Trước tình trạng người dân chặn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), vốn diễn ra nhiều năm nay, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đã trực tiếp khảo sát tình hình thực địa.
Bí thư Thành ủy cho rằng, người dân khu vực xử lý rác thải đã hy sinh nhiều quyền lợi cá nhân để chia sẻ với TP. Ngược trở lại, TP, các cấp, các ngành cũng phải chia sẻ với người dân bằng tinh thần trách nhiệm cao, chủ động cao; vận dụng tối đa quy định của pháp luật và thẩm quyền của TP, nhưng phải công khai, minh bạch và công bằng.
Ông đã yêu cầu rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải với sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra TP và Công an TP; sẵn sàng làm quy trình xử lý cả về mặt hành chính và hình sự nếu người đứng đầu các đơn vị làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải có biểu hiện trục lợi của nhà nước và gây ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.
“Lâu nay nhiều người vẫn nói “Hà Nội không vội được đâu”, nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, “Hà Nội không vội không xong”. Nhiều vấn đề của TP không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của TP”, ông Huệ bày tỏ.
Dù mới hơn một năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đã xuống thăm và làm việc với toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã và các sở, ban, ngành TP.
Không chỉ vậy, một hình ảnh gần gũi khác của ông Vương Đình Huệ với nông dân Hà Nội là khi ông đứng máy cấy, tham gia những đường cấy vụ xuân trên thửa ruộng rộng lớn tại xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất).
Mục tiêu tối thượng là hạnh phúc của nhân dân
Ngược thời gian, khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vương Đình Huệ cũng để lại dấu ấn đậm nét ở cách tiếp cận quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu, vô cùng nhạy cảm vào thời điểm đó.
“Giải pháp của mọi giải pháp là công khai, minh bạch”, ông Huệ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII.
Cũng từ quan điểm xuyên suốt này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã có câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi điều hành giá xăng dầu vì trách nhiệm với hơn 80 triệu người dân chứ không vì lợi ích của một bộ phận hay một doanh nghiệp nào cả... Nhà nước không dọa ai và cũng không ai dọa được Nhà nước...” tại hội thảo “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”.
Ông Vương Đình Huệ cũng là người được giao chủ trì soạn thảo Luật Kiểm toán năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2006) - là Luật Kiểm toán đầu tiên của Việt Nam, thay thế cho Nghị định 70-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/7/1994.
Với việc ban hành Luật Kiểm toán, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chuyển sang trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Trong gần 4 năm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ được phân công giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực liên quan đến kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội…
Một trong những điểm sáng khi đó là nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ, trong đó không thể không nhắc đến vai trò điều hành của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Liên tục 4 năm, lạm phát được kiềm chế, chỉ số CPI luôn ở mức thấp hơn chỉ tiêu QH giao.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn là người chủ công giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng và trình TƯ 3 đề án quan trọng: Cải cách tiền lương, Cải cách BHXH, đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (vốn đã được TƯ cho ý kiến qua 3 khoá nhưng chưa được thông qua).
Đó là Nghị quyết 27 TƯ 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN; Nghị quyết 28 TƯ7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 19 TƯ6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…
Đảm nhiệm chức vụ mới - Chủ tịch Quốc hội, ông Vương Đình Huệ nói đây là vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với cá nhân ông.
“Tôi nguyện sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của Quốc hội qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”, ông Huệ nói.
Advertisement