Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những cú 'ngã ngựa' của nhà đầu tư F0

Chứng khoán

12/02/2021 23:40

Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm, làm việc trong ngành chứng khoán cũng phải chuẩn bị rất nhiều thông tin, kiến thức nền… cho nên nhà đầu tư F0 'ngã ngựa' là chuyện bình thường.

Lướt sóng thành công 3 lần, thế nhưng chỉ sau phiên giao dịch ngày 28/1, Tú Uyên, 29 tuổi, nhân viên văn phòng ở một công ty bảo hiểm ở TP.HCM đã mất toàn bộ tiền lãi cộng dồn và gần 20% số vốn ban đầu.

Tú Uyên tham gia thị trường chứng khoán vào tháng 9/2020 khi thấy đồng nghiệp, bạn bè thường xuyên nhắc đến chứng khoán và những khoản lời khủng do đầu tư chứng khoán mang lại. Trước khi đầu tư, cô tham gia vào một số nhóm, diễn đàn chứng khoán trên mạng xã hội để nghe ngóng thị trường, xem mã cổ phiếu nào đang được nhiều người “phím hàng”. 

Sau một thời gian nghiên cứu, Uyên giải ngân 120 triệu đồng đầu tiên vào 2 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng, được các công ty chứng khoán phân tích sẽ hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ. Sau hơn một tháng giải ngân, cô quyết định chốt lời khi thị giá đã tăng hơn 20%.

Thấy lợi nhuận cao hơn nhiều so với lãi gửi tiết kiệm ngân hàng, Tú Uyên rút toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng tiếp tục triển khai vòng đầu tư mới. Lần này, cô phân bổ vào danh mục thêm 2 mã cổ phiếu nằm trong rổ VN30 để “chắc ăn”.

Với triển vọng kinh tế lạc quan cùng với việc nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, Uyên tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không có cú sốc đáng kể. Do vậy, ngay cả lúc thị trường lao dốc mất hơn 61 điểm trong phiên ngày 19/1, cô vẫn nghĩ đó là đợt điều chỉnh cần thiết khi thị trường tăng trong khoảng thời gian dài.

2021-01-18-f0-hinh-icon_v1_1016446(1).png

Tuy nhiên đến ngày 28/1 khi thấy thị trường tiếp tục lao dốc trong 3 phiên liên tiếp, cộng với ca COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng ở Hải Dương, Tú Uyên cũng như nhiều nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào thị trường chứng khoán, họ còn được gọi với cái tên thân mật “nhà đầu tư F0” chấp nhận bán giá sàn cắt lỗ, chỉ mong thoát hàng càng sớm càng tốt.

Kết quả cuối cùng cô đã mất toàn bộ số tiền lãi kiếm được trước đó, cộng thêm gần 20% số tiền gốc bỏ ra. Đến bây giờ sau hơn 2 tuần trôi qua, Uyên vẫn còn choáng ngợp khi nghĩ tới chứng khoán.

Lê Tâm, 35 tuổi, Giám đốc kinh doanh một công ty tổ chức sự kiện ở TP.HCM cũng bước chân vào thị trường chứng khoán trong năm 2020, với hy vọng kiếm thêm thu nhập khi công việc chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Khác với Uyên, nhờ xuất thân từ một trường Đại học kinh tế trọng điểm ở Tp.Hồ Chí Minh, Tâm không có nhiều bỡ ngỡ khi tìm hiểu về thị trường chứng khoán. Bên cạnh việc tham gia các nhóm, diễn đàn chứng khoán trên mạng xã hội, Tâm còn tự tìm hiểu, nghiên cứu doanh nghiệp, triển vọng ngành rồi mới quyết định đầu tư. Danh mục đầu tư của Tâm theo đó đều là những cổ phiếu của doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, vẫn tăng trưởng và lợi nhuận tốt.

Tuy nhiên, Tâm vẫn có không ít lần phải cắt lỗ ngay cả lúc thị trường tăng điểm do lựa chọn cổ phiếu đầu cơ sai thời điểm và gặp phải tình trạng “mua đỉnh, bán đáy”. Đến khi thị trường biến động mạnh vào cuối tháng 1/2021 vừa qua, Tâm quyết định “nằm im” chờ qua Tết mới xem xét có quay trở lại thị trường hay không.

Cả Tú Uyên và Lê Tâm đều là những nhà đầu tư F0. Sự biến động mạnh của thị trường trong năm Canh Tý đã mang lại cho họ những trải nghiệm thật khó quên.

Với mặt bằng lãi suất thấp cộng thêm nền tảng giao dịch chứng khoán thuận tiện, thị trường chứng khoán trong năm qua chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư F0, tạo nên sự sôi động của thị trường trong thời gian qua.

Dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, tổng số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân lên tới 392.527 tài khoản, tăng 108% so với năm 2019. Ngay trong tháng 1/2021, dù thị trường chứng khoán có nhiều biến động, lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường vẫn ghi nhận con số cao kỷ lục với 86.107 tài khoản.

Cùng với sự gia tăng mạnh của nhà đầu tư F0, thanh khoản thị trường cũng liên tục tăng mạnh, có phiên giao dịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

e6485_ck_1-width497height280.jpg

Đánh giá về làn sóng nhà đầu tư F0 trong năm qua, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, sự gia tăng số lượng nhà đầu tư mới rất cần thiết để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thực tế, tại những nước có thị trường chứng khoán phát triển lâu năm, có tới hơn 50% dân số tham gia vào thị trường chứng khoán, trong khi ở Việt Nam con số này chưa đến 5%.

“Sự tham gia của nhà đầu tư F0 vừa qua là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách nghiêm túc thị trường chứng khoán không phải là sòng bạc mà bản chất là thị trường vốn. Đây là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và là kênh đầu tư dành cho nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc đầu tư của mình. Do vậy, việc nhiều nhà đầu tư mới tham gia rất tốt cho thị trường ở thời điểm hiện tại và trong tương lai”, ông Trương Hiền Phương nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, việc nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán khi chưa hiểu biết nhiều hoặc mua cổ phiếu theo lời khuyên, kêu gọi của ai đó và phản ứng cảm tính sẽ gây bất lợi cho thị trường, có thể khiến thị trường hỗn loạn và bất lợi cho nhà đầu tư khác.

Do vậy, trước khi quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết; dành thời gian phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và hạn chế hành động dựa theo cảm xúc, cảm tính. Có như thế mới góp phần làm thị trường tăng trưởng bền vững hơn.

Theo ông Lê Vương Hùng, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, với mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp, cộng thêm thanh khoản cao, làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán tất yếu sẽ còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán không phải là vấn đề đơn giản. Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm, làm việc trong ngành chứng khoán cũng phải chuẩn bị rất nhiều thông tin, kiến thức nền…

Ông Hùng cho rằng, nếu xem đây là kênh đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, nhà đầu tư phải tìm hiểu từ những vấn đề đơn giản nhất như việc xem bảng giá, quy chế giao dịch của Sở chứng khoán đến phân tích doanh nghiệp, triển vọng ngành… Thị trường cũng đòi hỏi nhà đầu tư rèn luyện kỹ năng phản ứng nhạy bén với thị trường, có sự quyết đoán cần thiết và điềm tĩnh trước diễn biến thị trường.

Theo các chuyên gia, sự biến động mạnh của thị trường trong năm qua có thể mang tới sự thành công cho nhiều người, song cũng không ít người thua lỗ. Đây là bài học để nhà đầu tư chuẩn bị đầy đủ hơn cho giai đoạn thị trường sắp tới vì cơ hội vẫn còn rất nhiều.

Dự báo của một số công ty chứng khoán, trong năm 2021, lãi suất huy động và cho vay có thể giảm tiếp từ 0,2 - 0,5% trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt. Việc tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp như trên sẽ kích thích dòng vốn giá rẻ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.

Định giá cổ phiếu P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của chứng khoán Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn sau đợt điều chỉnh vừa qua. Ngoài ra, với việc kiểm soát rất tốt dịch bệnh, chính sách thúc đẩy đầu tư công cùng yếu tố vĩ mô ổn định có thể là động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement