Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Những cách chữa COVID-19 'lạ đời' ở châu Á

Sức khỏe

16/08/2020 15:50

Một số chính trị gia tại khu vực đề xuất những phương pháp chữa trị COVID-19 gây khó hiểu.

Hơn 6 tháng kể từ khi trường hợp Covid-19 đầu tiên được công bố ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, thế giới vẫn đang vật lộn để hạn chế sự lây lan của virus corona. Các trường đại học, viện nghiên cứu và công ty dược phẩm đang trong cuộc đua phát triển vắc xin và phương pháp điều trị, một vài trong số đó dự kiến ​được sản xuất trong năm tới.

Trong bối cảnh mọi người gần như hết hy vọng về khả năng trở lại cuộc sống bình thường trước kia, một số tuyên bố kỳ lạ về các phương pháp chữa trị và phòng ngừa dịch bệnh này xuất hiện. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gợi ý tiêm thuốc khử trùng cho bệnh nhân có thể giúp điều trị COVID-19.

Các chính trị gia, quan chức và những người khác tại châu Á cũng đề xuất nhiều phương pháp "không thể nào tin được". Dưới đây là một số phương pháp kỳ quặc được đưa ra trong vài tháng qua ở châu lục này.

Một phụ nữ Ấn Độ uống nước tiểu bò trong một sự kiện để quảng cáo đây là một phương pháp chữa trị Covid-19 ở New Delhi hồi tháng 3. Ảnh: AP
Một phụ nữ Ấn Độ uống nước tiểu bò trong một sự kiện để quảng cáo đây là một phương pháp chữa trị Covid-19 ở New Delhi hồi tháng 3. Ảnh: AP

Ấn Độ

Phương pháp: Nước tiểu bò

Người đề xuất: Các thành viên của đảng BJP cầm quyền

Tháng 7, ông Dilip Ghosh, thành viên của đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền của Ấn Độ, đứng đầu chi bộ BJP ở bang West Bengal, cho rằng uống nước tiểu bò sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch chống lại COVID-19.

"Những người uống rượu, làm sao họ hiểu được giá trị của một con bò?", tờ The Hindu dẫn lại lời Ghosh. Ông không phải là người đầu tiên đưa ra ý tưởng này. Đồng nghiệp của ông, Suman Haripriya từ bang Assam, đông bắc Ấn Độ, hồi tháng 3 cũng cho rằng nước tiểu và phân bò có thể giúp chữa trị dịch bệnh hiện nay.

Nhiều người theo đạo Hindu coi bò là con vật linh thiêng. Ngoài việc thờ cúng, một số người còn uống nước tiểu của chúng vì tin rằng có các chất chữa bệnh trong đó. Tháng 3, một nhóm tín đồ đạo Hindu còn tổ chức tiệc uống nước tiểu bò ở New Delhi để đẩy lùi virus corona. Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng nước tiểu bò có thể chữa khỏi COVID-19.

Đạo sư yoga Ramdev. Ảnh: Reuters.
Đạo sư yoga Ramdev. Ảnh: Reuters.

Phương pháp: Bộ dược liệu Ayurvedic

Người đề xuất: Đạo sư yoga Ramdev

Cuối tháng 6, công ty sản xuất hàng tiêu dùng và thuốc thảo dược Patanjali của đạo sư yoga Ấn Độ Ramdev tuyên bố tìm ra phương pháp chữa khỏi COVID-19 và rao bán bộ kit Ayurvedic (một bộ thuốc chữa bệnh theo truyền thống Ấn Độ).

“Phát triển phương pháp điều trị là nhiệm vụ đầy thách thức”, ông Ramdev, người ủng hộ Thủ tướng Narendra Modi, cho biết trong buổi ra mắt bộ dược liệu Ayurvedic. "Bộ dược liệu này không chỉ kiểm soát mà còn chữa khỏi COVID- 19".

Chính phủ Ấn Độ đã vào cuộc. Cơ quan được giao nhiệm vụ đã yêu cầu Patanjali cung cấp thông tin về bộ dược liệu, bao gồm thành phần của các loại thuốc và dữ liệu kết quả trong một nghiên cứu mà họ thực hiện. Patanjali cuối cùng được phép bán bộ dược liệu này nhưng không phải như một phương pháp chữa bệnh mà là chất tăng cường hệ miễn dịch. Điều đó dường như không thể ngăn cản người mua.

“Có tới hàng triệu đơn đặt hàng cho bộ dược liệu này mỗi ngày nhưng chúng tôi chỉ có thể cung cấp 100.000 bộ. Ngay cả khi chúng tôi đã đẩy giá cao hơn, lên tới 5.000 rupee (67 USD) thay vì 500 rupee như hiện tại thì thuốc vẫn đắt hàng", Ramdev phát biểu trong một hội thảo trực tuyến gần đây.

Indonesia

Phương pháp: Vòng cổ bạch đàn

Người đề xuất: Bộ trưởng nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp Indonesia đưa ra một thông báo đáng ngạc nhiên vào đầu tháng 7, cho biết Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y tế thuộc bộ đã "phát minh ra" một "vòng cổ kháng virus" bằng gỗ bạch đàn, và dự kiến ​​sản xuất hàng loạt từ tháng 8.

Bộ trưởng Nông nghiệp Shahrul Yasin Limpo cho biết các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm chỉ ra trong số 700 loài bạch đàn được thử nghiệm, có một loại "có thể loại trừ được virus corona" và tuyên bố chiếc vòng cổ có thể tiêu diệt 42% virus này trong thời gian đeo 15 phút.

Giữa sự hoài nghi của cộng đồng và các chuyên gia y tế, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã dừng kế hoạch lại sau vài ngày, và sau đó kết luận vòng cổ có thể điều trị các triệu chứng như khó thở, nên sản phẩm này chỉ đơn thuần là liệu pháp mùi hương chứ không phải kháng virus.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto vẫn bảo vệ sản phẩm này. Ông chia sẻ với truyền thông địa phương rằng những người đeo vòng cổ có thể cảm thấy tự tin, an toàn hơn và điều này giúp họ tăng cường miễn dịch.

Trong tháng 2, khi Indonesia vẫn chưa có ca nhiễm COVID- 19 nào, ông Putranto vẫn khẳng định loại virus này không thể lây lan tới Indonesia, nhờ có "những lời cầu nguyện".

Philippines

Phương pháp: Xăng

Người đề xuất: Tổng thống Rodrigo Duterte

"Nếu bạn không có cồn... chỉ cần đến trạm xăng và lấy một ít", đó là phát biểu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, được ghi âm trước khi phát sóng vào ngày 31/7.

Ông còn nói "mọi người nghĩ rằng tôi đang đùa ư, không phải vậy", chỉ vài ngày trước khi thủ đô Manila và các tỉnh lân cận phải phong tỏa do dịch bệnh tăng đột biến. Quốc gia này hiện có nhiều ca nhiễm COVID-19 được xác nhận nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trước đó một tuần, ông Duterte cho biết khẩu trang có thể được khử trùng, bằng cách ngâm trong xăng hoặc dầu diesel nếu không có cồn. Tuy nhiên, Bộ Y tế Philippines cho rằng gợi ý của tổng thống chỉ là đùa, và khuyến cáo người dân giặt khẩu trang vải, vứt bỏ khẩu trang y tế và khẩu trang N95 sau khi sử dụng.

Cùng ngày, các chuyên gia hóa học tổng hợp của Philippines đã đăng tải một thông tin đồ họa trên Facebook với nội dung: "Xăng không sử dụng làm chất khử trùng".

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP.

Malaysia

Phương pháp: Nước ấm

Người đề xuất: Bộ trưởng Y tế

Một tuần sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Y tế Malaysia, ông Adham Baba, tuyên bố rằng uống nước ấm có thể "tiêu diệt" virus corona trong cơ thể. Ông cho biết nước ấm có thể "đẩy" virus xuống dạ dày, sau đó, các axit tiêu hóa sẽ tiêu diệt nó. Ông nói thêm virus corona không thể chịu được nhiệt do đó sẽ chết trong dạ dày.

Tuyên bố của ông Adham đã gây xôn xao dư luận, khiến các phương tiện truyền thông sôi sục với hàng loạt những câu hỏi từ các chuyên gia, bao gồm cả cựu thứ trưởng y tế Malaysia Lee Boon Chye.

Thái Lan

Phương pháp: Y học cổ truyền Thái

Người đề xuất: Bệnh viện Chao Phraya Abhaibhubejhr

Ngày 28/1, bệnh viện y học cổ truyền hàng đầu của Thái Lan Chao Phraya Abhaibhubejhr sử dụng tài khoản Facebook để kêu gọi mọi người sử dụng andrographis paniculata, vốn được biết đến như chất phòng và ngừa cảm lạnh. Bệnh viện khẳng định dược liệu này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch của mọi người trước khi nhiễm COVID-19.

"Dược liệu hoạt động giống như một người lính trong cơ thể con người, bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng và giúp giảm mức độ nghiêm trọng nếu bị nhiễm virus".

Tuy nhiên, bệnh viện này đã thừa nhận đây là tuyên bố không chính xác.

"Không có nghiên cứu nào khẳng định loài cây này có thể bảo vệ hoặc làm giảm các triệu chứng trên cơ thể người khi bị nhiễm COVID-19”, Pakakrong Kwankao, đứng đầu Trung tâm Chứng thực thực nghiệm của bệnh viện, nói hôm 4/2.

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết không có bằng chứng nào cho thấy loại thảo mộc này là phương thuốc hiệu quả đối với virus corona. Thế nhưng, bệnh viện vẫn chưa gỡ bài đăng sau khi đưa ra những tuyên bố dễ gây hiểu lầm như vậy.

Chính phủ Thái Lan đang điều tra tác dụng của loại thảo mộc này trong việc chống COVID-19.

Singapore

Phương pháp: Y học cổ truyền Trung Quốc (TCM)

Người đề xuất: Các học viên của trung tâm TCM

Kể từ khi COVID-19 bùng phát ở đảo quốc, các chất giúp tăng cường sức khỏe như "nhân sâm đỏ" và "tảo xoắn" – những thảo dược phổ biến của y học cổ truyền Trung Quốc - được các học viên quảng cáo là "hiệu quả trong việc phòng chống virus corona".

Tại Trung Quốc đại lục, những bệnh nhân nhiễm COVID- 19 đã được sử dụng những thuốc thảo dược này để làm giảm các triệu chứng viêm phổi dạng nhẹ. Nhưng các quan chức thuộc Cơ quan Khoa học Y tế Singapore đưa ra cảnh báo với cộng đồng vào tháng 5, rằng "không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ chất tăng cường sức khỏe nào, thuốc độc quyền của Trung Quốc, hay thảo dược có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, đặc biệt trong việc ngăn ngừa, phòng chống hoặc điều trị COVID-19".

"Tránh mua các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ các trang web không rõ nguồn gốc, diễn đàn trực tuyến, các blog cửa hàng và các quảng cáo gửi qua email, và đặc biệt là những hiệu thuốc không được cấp phép hoặc không rõ nguồn gốc", khuyến cáo từ các quan chức y tế.

HOA NGUYỄN
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement