22/07/2017 05:16
Những bí mật xảy ra lúc bạn đang ngủ và nguyên nhân không ngờ tới
Hội chứng ‘đầu nổ tung’, giấc mơ kép, mộng du, ảo giác… là những điều bí ẩn xảy ra lúc ngủ mà ai cũng gặp phải nhưng khoa học vẫn chưa tìm ra đầy đủ nguyên nhân.
Ban đêm là thời gian để chúng ta nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng sau 1 ngày dài làm việc. Tuy nhiên, rất khó để tìm được một người tự tin nói rằng mình không bao giờ gặp phải những điều lạ kì và không mấy dễ chịu đi kèm với giấc ngủ. Những trải nghiệm bí ẩn ấy và nguyên nhân chắc hẳn sẽ làm bạn bất ngờ.
1. Bóng đè
Biểu hiện: Bạn thức dậy vào ban đêm và không thể cử động. Thêm vào đó là những ảo giác đáng sợ và luôn cảm thấy có ai đó ở trong phòng. Trong thời cổ đại, người ta cho rằng điều này xảy ra do sự nghịch ngợm của ma quỷ.
Nguyên nhân: Đôi khi vì quá mệt mỏi, bạn có thể ngủ thiếp đi, cơ thể rơi vào trạng thái gần như “liệt”, đó là cách cơ thể tự bảo vệ mình, hạn chế việc bạn đi lại “lung tung” trong khi ngủ - hay còn gọi là mộng du. Với trạng thái này, não bộ chúng ta vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng các cơ bắp thì dừng hoạt động dẫn đến việc bạn thức giấc và thấy mình tạm thời không thê cử động cũng như sinh ra ảo giác. Khoảng 7% dân số đã trải qua chứng liệt nửa ngủ ít nhất một lần trong đời.
2. Ảo giác mơ ngủ
Biểu hiện: Nhìn thấy những ảo ảnh (thường là những vật dị biệt hoặc những khuôn mặt, hình thù đáng sợ) khi chuẩn bị đi vào giấc ngủ nhưng vẫn còn nhận thức.
Nguyên nhân: Loại ảo giác này thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn với người lớn. Trẻ em có nhiều hơn do chúng không muốn đi ngủ. Ảo giác này có thể là do căng thẳng hoặc chỉ đơn giản là bạn có một trí tưởng tượng tốt. Nó cũng thường xảy ra với một người lên giường sau khi say rượu.
3. Nói mớ
Biểu hiện: Thông thường, việc nói mớ khi ngủ xảy ra với những người bị suy nhược cơ thể, và họ thường không nhớ gì về nó sau khi tỉnh dậy. Tình trạng này hoàn toàn không nguy hiểm về mặt tâm lý, mặc dù một người gặp vấn đề về việc nói mớ sẽ có đôi chút lo lắng về việc sẽ bị “lật tẩy bí mật”.
Nguyên nhân: Đàn ông và trẻ em là những đối tượng dễ bị mắc chứng này, lý do cơ bản là vì căng thẳng. Tinh thần của người đó đang cố chống lại những gì mà họ không đồng ý ở thực tại.
4. Giấc mơ kép
Biểu hiện: Bạn nhìn thấy một giấc mơ, sau đó tỉnh dậy, nhưng những điều kỳ lạ tiếp tục xảy khi bạn nhận ra mình chỉ mơ rằng bản thân đã tỉnh dậy. Sau khi được khắc họa trong bộ phim Inception, nhiều người cho biết đã trải nghiệm hiện tượng này.
Những người theo chủ nghĩa bí ẩn tin rằng nếu bạn có một giấc mơ như vậy, điều này cho biết bạn có khuynh hướng thực hành tâm linh. Khoa học chính thức hiện vẫn chưa thể giải thích nguyên nhân của hiện tượng này.
5. Mộng du
Biểu hiện: Trạng thái này ngược lại với chứng liệt nửa ngủ - tức là ý thức đang bị tê liệt, nhưng các cơ vẫn hoạt động. Kết quả là trong khi ngủ, nhiều người có thể đi bộ, dọn dẹp, thậm chí rời khỏi nhà, điều này thường rất nguy hiểm. Khi thức dậy, họ không thể nhớ những gì đã xảy ra.
Mộng du xảy ra ở khoảng 4,6-10,3% dân số, với tỉ lệ nhiều hơn ở trẻ em. Nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị hiện vẫn chưa được giải thích cụ thể.
6. Hội chứng “đầu nổ tung”
Biểu hiện: Hội chứng này khiến bạn giật mình thức giấc vì những tiếng nổ cực lớn, đôi khi đi kèm ánh sáng chớp nhoáng như đèn flash. Tuy nhiên những điều này chỉ xảy ra trong đầu bạn mà thôi. Dù không thực sự gây nguy hiểm nhưng nó khiến người mắc chứng này giật mình, sợ hãi và không ngủ được ngon giấc.
Nguyên nhân: Điều này xảy ra khi, vì một lý do nào đó, có sự gia tăng hoạt động thần kinh ở những vùng não chịu trách nhiệm xử lý âm thanh. Đôi khi hội chứng là kết quả của chứng mất ngủ.
7. Chứng ngưng thở lúc ngủ
Biểu hiện: Sự ngừng thở đột ngột trong giấc mơ khiến bạn giật mình thức giấc. Chất lượng giấc ngủ giảm xuống, não cảm thấy thiếu oxy, khiến bạn cảm thấy khó thở hoặc không thể thở được khi đang ngủ. Áp lực động mạch cũng dao động và tăng theo trong quá trình này, gây ra vấn đề về tim.
Nguyên nhân: Trong khi ngủ, các cơ họng giãn nở, đôi khi tình trạng này dẫn đến tắc nghẽn đường thở. Béo phì, hút thuốc, và tuổi già cũng làm tăng nguy cơ ngưng thở trong khi ngủ.
8. Giấc mơ định kỳ
Biểu hiện: Một số người thường xuyên mơ đi mơ lại 1 giấc mơ với cốt truyện y hệt, đây là biểu hiện của giấc mơ định kỳ.
Nguyên nhân:Các nhà tâm lý học tin rằng bộ não của chúng ta sử dụng những giấc mơ như vậy để khiến bản thân chú ý đến những điều mình không nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày. Những câu chuyện này sẽ lặp đi lặp lại cho đến khi tình hình được giải quyết.
9. Đột ngột giác ngộ trong lúc ngủ
Biểu hiện: Đôi khi bạn không thể tìm ra giải pháp cho một vấn đề trong một thời gian dài, và vì vậy bạn liên tục nghĩ về nó. Và sau đó, trong giấc mơ, não cho chúng ta một đầu mối và bạn bỗng nhận ra giấc mơ đó đã cho bạn lời giải về rắc rối của mình. Dmitri Mendeleev, một nhà hóa học người Nga, đã bị ám ảnh bởi việc tạo ra một bảng các nguyên tố định kỳ - và sau đó ông nhìn thấy nó trong một giấc mơ. Điều tương tự đã xảy ra với nhà hóa học August Kekulé khi ông đã mơ thấy công thức hóa học của benzen.
Nguyên nhân: Đôi khi tiềm thức của chúng ta đã biết câu trả lời, mặc dù chưa nhận thức được. Trong thời gian ngủ, tiềm thức hoạt động tích cực hơn, do đó cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề khiến bạn “đau đầu” ban ngày.
Advertisement
Advertisement