19/02/2022 08:05
Những ai cần lưu ý di chứng hậu COVID-19?
Tình trạng F0 đi khám hậu COVID-19 ngày càng tăng. Các chuyên gia nhận định hậu COVID-19 là vấn đề thực tế của xã hội sau đại dịch.
Theo các nghiên cứu chia làm 3 giai đoạn. Thứ nhất là COVID-19 cấp với triệu chứng và dấu hiệu kéo dài trong 1-4 tuần. Thứ hai, COVID-19 kéo dài với COVID-19 đang diễn tiến triệu chứng và dấu hiệu kéo dài từ 4-12 tuần. Hậu COVID-19 là triệu chứng và dấu hiệu kéo dài trên 12 tuần kể từ khi mắc COVID-19.
COVID-19 có thể tác động lâu dài khiến người bệnh gặp phải các tình trạng hậu COVID-19 như: Thần kinh: mất mùi, vị kéo dài, bệnh não và đột quỵ
Tâm thần: thường gặp nhất là stress, trầm cảm. Phổi: Khó thở, ho
Da: tình trạng ban đỏ, mày đay. Tim mạch: hồi hộp, viêm cơ tim. Tổng quát: Mệt, đau cơ, đau khớp…
Tuy nhiên theo các chuyên gia, không phải ai cũng nên đi thăm khám hậu COVID-19. Các nhóm cần đi khám là những người có triệu chứng và những người nguy cơ cao.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ trên VTV: Nhóm những người có nguy cơ cao như người đã từng nằm viện, người thuộc nhóm có bệnh nền như béo phì, tiểu đường. Lớn tuổi hoặc trong thời gian nằm viện, người ta phải can thiệp thở máy, phải can thiệp ECMO. Những người đó sau xuất viện thì bác sĩ chắc chắn sẽ hẹn tái khám. Và những người này người ta vẫn còn triệu chứng khi xuất viện.
Còn đối với những người không còn triệu chứng, chất lượng cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều, các chuyên gia cho rằng cần lạc quan, không lo lắng khi thấy nhiều người khám hậu COVID-19.
Như vậy, các đối tượng nguy cơ nhập viện, bệnh nền là những đối tượng có các yếu tố nguy cơ phát triển hội chứng hậu COVID-19. Ngoài ra, bệnh nhân nhẹ cũng cần lắng nghe cơ thể có những triệu chứng bất thường để đi thăm khám sức khỏe hậu COVID-19.
Còn theo Thạc sĩ Trần Thị Tâm Nhàn, giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh: Có những bệnh nhân họ bị ảnh hưởng tâm lý khá nặng. Sau quá trình họ nhập viện và điều trị thì họ xuất hiện triệu chứng mất ngủ triền miên, luôn sống trong tâm trạng lo sợ và luôn ám ảnh tiếng máy thở, màu trắng của bệnh viện.
Tại TP Hồ Chí Minh, hơn 300.000 ca xuất viện sau khi điều trị, nhu cầu chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 về cả bệnh lý và tinh thần được đánh giá là đáng quan tâm trong năm 2022. Do đó TP dự kiến phân tầng để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 nhẹ sẽ do tuyến y tế cơ sở phụ trách với các biện pháp kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 trung bình sẽ do tuyến y tế tuyến quận huyện phụ trách.
Nhóm bệnh nhân hậu COVID-19 nặng sẽ do các bệnh viện chuyên khoa và đa khoa tuyến cuối phụ trách điều trị.
Ngoài ra, theo các chuyên gia cũng cần xác định rõ các tiêu chí hậu COVID-19 để tránh điều trị lượng lớn bệnh nhân. Một vấn đề khác, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm các bệnh lý khác và sức khỏe nhân viên y tế
Hậu COVID-19 được xem là vấn đề sức khỏe cộng đồng sau đại dịch. Do đó các chuyên gia cho rằng cần có những chiến lược tiếp cận và can thiệp sớm phù hợp, rõ ràng chắc sóc sức khỏe người dân.
Cả nước có hơn 2,2 triệu người mắc COVID-19 được chữa khỏi. Mặc dù đa số bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh, nhưng vẫn còn rất nhiều người bị các di chứng hậu COVID-19 kéo dài.
Theo thống kê từ tháng 12/2021 đến đầu năm 2022, bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19, trong đó, hơn một nửa bệnh nhân hậu COVID-19 gặp vấn đề hô hấp.
Còn tại phòng khám hậu COVID-19 của bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, tháng qua cũng đã tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám. Mỗi ngày, phòng khám có khoảng 150 bệnh nhân đến khám.
Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có thống kê ghi nhận đầy đủ về tình trạng hậu COVID-19 trên cộng đồng. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất sau 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh; 20% phải tái nhập viện.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp