Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhớ thương miền Tây mùa nước nổi, ăn toàn đặc sản tươi ngon

Sức khỏe

27/08/2017 07:36

Lẩu mắm, cá lóc nướng trui, bánh xèo, ba khía… là những món ăn luôn được du khách tìm kiếm thưởng thức và xuất hiện trong tâm tưởng nhiều người khi nhớ về miền Tây sông nước.

1. Lẩu mắm

Món lẩu mắm trứ danh miền sông nước được nấu từ nước hầm xương, nêm chút nước cốt dừa và không thể thiếu được thứ mắm sặc hay mắm cá linh vùng Châu Đốc – An Giang. Giờ đây khắp cả miền Tây hay cả vùng Sài Gòn, Đông Nam Bộ đều có món lẩu mắm, nhưng ngon nhất vẫn phải ăn ở chính vùng mắm An Giang hay Cần Thơ.

Lẩu mắm thường ăn kèm với các loại rau, hoa dại mọc tràn lan khắp vùng sông nước như bông súng, bông điên điển, rau đắng, rau nhút, thêm chút bắp chuối thái sợi và vài lát chuối xanh chan chát nữa là đủ vị...

Một nồi lẩu nghi ngút khói, thơm nồng mùi mắm, dùng kèm với mẹt rau hoa đủ màu sắc, thêm chút hải sản tươi ngon, mới thấy ẩm thực của người miền Tây thú vị làm sao, vừa đẹp, vừa ngon, lại đầy hương vị quê hương, ai đã ăn rồi thì còn vương vẫn mãi.

2. Cá lóc nướng trui

Cá lóc miền Bắc gọi là cá quả, cá chuối, ở miền Tây thì đây là một món ăn rất thịnh hành, phổ biến.

Về miền Tây bất cứ thời điểm nào trong năm, bạn cũng có thể thưởng thức món ăn dân dã này.

Cách chế biến cá lóc nướng trui cũng khá đơn giản. Cá tươi sống bắt từ ao lên được rửa sạch, không đánh vẩy hay mổ bụng, người chế biến sẽ dùng thanh tre dày xuyên từ miệng tới đuôi cá, cắm xuống đất rồi chất rơm đốt xung quanh. Rơm tàn, cá được cạo lớp vảy và vết cháy than bên ngoài.

Người chế biến khéo léo dùng dao sắc rạch 2 đường nhỏ dọc theo hai bên sống lưng, để rẽ thịt sang hai bên. Cá được bày nguyên con ra đĩa dài, rưới một lớp mỡ hành và lạc rang thơm lừng lên. Khi ăn nhất định phải chấm với mắm me chua chua, cay cay, ăn với rau sống, chút bún tươi, củ quả thái sợi và bánh tráng. Món này luôn được dân nhậu nhận xét là “ngon hết xảy”, lai rai nhậu cả buổi không biết chán.

3. Bánh xèo miền Tây

Bánh xèo là món ăn cả 3 miền đều ưa chuộng, nhưng mỗi miền có những nguyên liệu đặc trưng và cách thưởng thức khác nhau.

Nếu như bánh xèo miền Trung thường được đổ khuôn nhỏ chỉ tầm cái đĩa, trong nhân hầu như chỉ có các loại hải sản, thì bánh xèo miền Tây được đổ khuôn lớn bằng một cái chảo rộng, nhân bánh khá đa dạng gồm tôm, thịt ba rọi, đậu giá, hành tây, nấm, hành lá…

Bánh được đổ khuôn nóng, chín vàng giòn, ăn kèm với cải xanh, xà lách, rau thơm. Khi ăn chấm nước mắm tỏi ớt và cà rốt bào sợi. Bánh xèo giòn tan, ăn kèm với nhiều loại rau sống kết hợp với nước mắm chua ngọt, tạo nên vị hài hòa cho món ăn, không hề ngán.

4. Ba khía

Ba khía là loài giáp xác, sống ở vùng nước lợ, nước ngập mặn, hình dáng khá giống như con cua đồng nhưng có màu đỏ óng và có bộ càng to, chắc khỏe hơn.

Dưới đôi tay khéo léo của người miền Tây, ba khía có thể chế biến thành nhiều món ngon như nấu canh chua, tẩm bột, rim mặn, rang me, hấp bia, trộn gỏi…

Ba khía muối chính là món ăn mà hầu như không một người dân nào ở miền sông nước là không biết đến. Người miền Tây có câu rằng “Đừng lo cưới vợ miệt đồng. Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm”, đủ để thấy món ăn này thông dụng và hấp dẫn như thế nào. Mắm ba khía sau khi muối được ăn với cơm, bún... đều rất hợp vị. Về miền Tây, nếu có cơ hội thưởng thức ba khía, chắc hẳn thực khách sẽ có thêm một lí do để thêm lưu luyến vùng đất tươi đẹp, thuần phác này.

5. Bún cá

Bún cá là một món ăn được người dân miền Tây vô cùng yêu thích. Có lẽ do miền Tây là miền sông nước, nhiều tôm cá nên các món ăn được chế biến từ cá luôn chiếm vị trí tối ưu trong văn hóa ẩm thực.

Bún cá có phần nước lèo được nấu bằng nước luộc cá, sau đó cho thêm xương lợn vào để tăng độ ngọt. Nước lèo của món bún cá không bao giờ thiếu mắm ruốc, nêm vào nồi canh cá khi đang sôi âm ỉ trên bếp. Cá tươi được gỡ xương, lọc nguyên thịt, xào với chút nghệ tươi vàng ươm thấm đẫm gia vị, ngoài cá tươi còn có chả cá hoặc chả mực, thịt heo quay tùy khẩu vị từng khu vực. Bún được ăn kèm với rau muống nạo sợi, bắp chuối non thái chỉ, rau thơm, đậu giá, chanh tươi và thêm chút bông điên điển nếu đúng mùa nước nổi.

Về miền Tây, du khách không nên bỏ qua món bún cá, ăn rồi mới cảm nhận được cái vị ngon khó cưỡng mà không phải nơi nào cũng có.

6. Bánh canh – Hủ tiếu

Bánh canh miền Tây được biến tấu thành nhiều loại như bánh canh giò heo, bò viên, vịt, cá, cua, ghẹ, tôm, nước cốt dừa... tha hồ cho khách chọn lựa.

Bánh canh miền Tây không có nhiều nước dùng, nước chỉ xăm xắp mặt bánh, hơi sền sệt, sợi bánh khá to, ăn vừa dai vừa giòn. Khách đến thăm miền Tây, mỗi ngày có thể kêu một tô bánh canh vị khác nhau để thưởng thức, món nào cũng có hương vị riêng và ngon nức nở, khiến ai đã ăn rồi cứ muốn ăn thêm mãi.

Hủ tiếu được nấu từ nước xương hầm, có vị ngọt tự nhiên từ củ cải đường. Một tô hủ tiếu có rất nhiều đồ ăn kèm như tôm, thịt, xương ninh nhừ, gan heo, đặc biệt không thể thiếu ngò gai. Lá ngò ăn cùng không cần thái sợi mà chỉ cắt khúc vừa ăn, dân dã nhất là lấy rau thơm từ trong giỏ, tự tay xắt nhỏ rồi cho vào tô hủ tiếu nóng sực nghi ngút khói. Nếu không thích ăn hủ tiếu nước, bạn có thể gọi món hủ tiếu trộn với nước sốt đậm đà và hành phi thơm nức mũi.

Cũng giống như phở hay bún chả của người Hà Nội, bánh canh, hủ tiếu là những món ăn phổ biến của người miền Tây và họ có thể ăn vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Đối với những người mê ẩm thực, miền Tây là một nơi "nhất định phải đến" để thưởng thức hàng ngàn món ăn dân dã mà đặc sắc. Mùa nước nổi sắp đến rồi, rủ bạn bè đi miền Tây ngay để thưởng thức đặc sản mùa lũ trứ danh thôi nào!

L.S (Em đẹp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement