Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

NHNN đề xuất thành lập Cục Phòng chống rửa tiền

Ngân hàng

28/08/2023 15:52

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất thành lập Cục phòng chống rửa tiền trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng chống rửa tiền từ một đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thành một đơn vị thuộc NHNN.

Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có liên quan đến đơn vị thực hiện phòng, chống rửa tiền.

Theo đó, NHNN đề xuất thành lập Cục phòng chống rửa tiền (PCRT) trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng chống rửa tiền từ một đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) thành một đơn vị thuộc NHNN.

Theo quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế. Thực hiện quy định trên, NHNN đề xuất sáp nhập Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính với Vụ Dự báo, thống kê; đồng thời đổi tên gọi của Vụ Dự báo, thống kê thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính.

Cục Phòng chống rửa tiền được Thống đốc NHNN phân cấp, ủy quyền để quyết định một số vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về phòng chống rửa tiền như sau.

NHNN đề xuất thành lập Cục Phòng chống rửa tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền được ban hành văn bản cá biệt, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

Thứ hai, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền trong tiếp nhận, xử lý, chuyển giao, trao đổi thông tin về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong và ngoài nước.

Cụ thể: (1) yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; (2) chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (3) lập danh sách cảnh báo tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền theo quy định của pháp luật; cảnh báo những vấn đề nảy sinh liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; (4) phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Thứ ba, phân cấp, ủy quyền cho Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các cơ quan trong nước và quốc tế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thứ tư, phân cấp, ủy quyền cho Cục Phòng chống rửa tiền tiếp cận thông tin được thu thập/lưu giữ bởi các cơ quan khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thứ năm, phân cấp, ủy quyền cho Cục Phòng chống rửa tiền trong giám sát đối tượng báo cáo trong việc thực hiện báo cáo theo quy định tại khoản 11 Điều 48 của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022; phối hợp cung cấp thông tin giám sát cho cơ quan thanh tra các bộ, ngành để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về phòng chống rửa tiền, theo VnEconomy.

NHNN cũng cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mô hình Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chưa đảm bảo tính độc lập cần thiết, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, theo chuẩn mực quốc tế, Cơ quan Phòng chống rửa tiền phải là một cơ quan làm nhiệm vụ tách biệt về phòng chống rửa tiền và hạn chế có thêm các tầng trung gian kiểm soát để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động.

Tại Báo cáo đánh giá đa phương lần 2 của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về Phòng chống rửa tiền (APG) được công bố vào tháng 2/2022, sau khi đã nghiên cứu các văn bản pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ của Cục Phòng chống rửa tiền, APG tiếp tục đánh giá Việt Nam chỉ đạt mức Tuân thủ một phần đối với Khuyến nghị số 29 của FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền) và chỉ ra việc Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền chịu trách nhiệm trước Chánh thanh tra, giám sát ngân hàng và Thống đốc NHNN về mọi hoạt động của Cục là chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu để Cục Phòng chống rửa tiền thực hiện chức năng của mình một cách độc lập và tự chủ;

Việc Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Cơ quan TTGSNH có thể dẫn đến một số quan ngại về vấn đề bảo mật thông tin và lo ngại về tính độc lập trong hoạt động của các tổ chức tình báo tài chính (FIU), vốn được coi trọng đặc biệt.

Tại Hội nghị toàn thể tháng 6/2023 của FATF, FATF đã chính thức đưa Việt Nam (cùng 2 quốc gia khác là Cameroon và Croatia) vào Danh sách Xám của FATF – Danh sách các quốc gia chịu sự giám sát và phối hợp chặt chẽ với FATF để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế Phòng chống rửa tiền, Phòng chống tài trợ khủng bố, Phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt do Việt Nam không thực hiện một cách có hiệu quả các hành động khuyến nghị của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương năm 2022.

Trước thềm Hội nghị toàn thể tháng 6/2023, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thống đốc NHNN đã ký cam kết cấp Chính phủ với FATF về việc thực hiện Kế hoạch hành động gồm 17 hành động do FATF đưa ra cho Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định (hoàn thành trước tháng 5/2025). Hai trong số 17 hành động trong Kế hoạch hành động của FATF liên quan đến đảm bảo tính độc lập của FIU và tăng cường chất lượng và số lượng các sản phẩm phân tích và chuyển giao thông tin tình báo tài chính .

Do đó, NHNN đã có các dự thảo trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất thành lập Cục Phòng chống rửa tiền, trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng chống rửa tiền từ đơn vị thuộc Cơ quan TTGSNH thành đơn vị thuộc NHNN.

Việc hoàn thành chương trình hành động trong khung thời gian mà FATF đặt ra nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là cấp bách.

Khi bị FATF liệt vào danh sách quốc gia có rủi ro cao về rửa tiền, FATF sẽ cảnh báo đến tất cả các tổ chức tài chính phải quan tâm "đặc biệt" đến quan hệ kinh doanh và giao dịch với cá nhân, tổ chức ở các quốc gia đó.

Quốc gia sẽ phải cam kết thực hiện một chương trình hành động nhằm giải quyết những thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt dưới sự giám sát chặt chẽ của FATF. Trường hợp quốc gia không hoàn thành chương trình hành động này trong khung thời gian mà FATF đặt ra, FATF sẽ yêu cầu các nước áp dụng các biện pháp trừng phạt "cứng rắn" đối với các quốc gia này nhằm bảo vệ hệ thống tài chính toàn cầu khỏi những rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt.

Như vậy, một khi quốc gia bị rơi vào Danh sách công khai của FATF sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín quốc tế, môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định có liên quan đến đơn vị thực hiện phòng, chống rửa tiền, NHNN đề xuất sáp nhập Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính với Vụ Dự báo, thống kê; đồng thời đổi tên gọi của Vụ Dự báo, thống kê thành Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính. Sau khi sắp xếp cơ cấu tổ chức của NHNN giữ nguyên 25 đầu mối theo quy định tại Nghị định số 102/2022/NĐ-CP.

Về cơ cấu tổ chức của Cục Phòng chống rửa tiền, hiện nay đang có 4 phòng. Trong quá trình tổ chức lại, Cục được giao bổ sung nhiệm vụ thanh tra về phòng chống rửa tiền, đây là nhiệm vụ có khối lượng công việc lớn, cần có đơn vị đầu mối cấp phòng riêng thực hiện. Vì vậy, NHNN trình Chính phủ xem xét, chấp thuận số lượng Phòng của Cục Phòng chống rửa tiền tăng lên thành 5 phòng.

Với các chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc được giao, NHNN dự kiến biên chế của Cục Phòng chống rửa tiền là 69 người.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement