30/12/2020 10:47
Nhìn lại năm 2020: 10 sự kiện y tế nổi bật
Cùng với cả thế giới, ngành y tế Việt Nam có một năm đầy biến động và dưới đây là 10 sự kiện liên quan đến lĩnh vực này.
1. Kiểm soát tốt dịch COVID-19, cứu sống phi công người Anh
Kể từ khi phát hiện 2 cha con người Trung Quốc là ông Li Ding (65 tuổi) và con Li Zichao (28 tuổi) dương tính COVID-19 vào ngày 23/1/2020, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt thế nên so với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam không chịu nhiều thiệt hại về người.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có 1.454 ca nhiễm, 1.319 ca được chữa khỏi và chỉ có 35 ca tử vong.
Việt Nam điều trị thành công bệnh nhân 91 mắc COVID-19 khiến cả thế giới tâm phục. |
Đặc biệt, Việt Nam được giới y tế thế giới đánh giá cao trong việc điều trị và cứu sống bệnh nhân 91, một phi công người Anh.
Nhiều thời điểm bệnh nhân này rơi vào tình trạng nguy kịch, phổi đông đặc đến 90%, được chỉ định ghép phổi.
Tuy nhiên, sau hơn 115 ngày “chiến đấu” hết mình của lực lượng y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân 91 đã phục hồi kỳ diệu, xuất viện và trở về Anh an toàn. Đây là một kỳ tích của ngành y tế Việt Nam khiến cả thế giới khen ngợi.
2. Xét xử vụ nâng giá máy xét nghiệm COVID-19; truy tố vụ tiếp viên hàng không lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng
Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao kinh phí hàng chục tỷ đồng để mua sắm thiết bị khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Từ nguồn tiền này, các đối tượng gồm ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cùng 9 đồng phạm bị cáo buộc có hành vi bàn bạc, mua bán lòng vòng để nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 để chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng từ tiền ngân sách.
Vụ án gây bức xúc dư luận vì xảy ra vào thời điểm cả nước đang gồng mình chống đại dịch.
Cũng liên quan tới vấn đề chống dịch COVID-19, ngày 3/12, Công an TP.HCM cũng đã tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" liên quan đến vụ tiếp viên của Vietnam Airlines trong thời gian cách ly đã cố tình vi phạm quy định, làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Được biết, đây là lần đầu tiên các sai phạm trong phòng chống COVID-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng bị xem xét xử lý hình sự.
3. Thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 trên người
Ngày 17/12, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người vaccine Nanocovax phòng ngừa COVID-19.
Đến thời điểm này, tất cả các tình nguyện tham gia thử nghiệm đợt 1 đều an toàn, khỏe mạnh.
Ngoài Nanogen, hiện tại ở Việt Nam còn có 3 đơn vị đang tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 là Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech). Trong đó, IVAC và Vabiotech sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 3/2021.
4. Ca mổ tách cặp song sinh phức tạp Trúc Nhi - Diệu Nhi
Ngày 15/7/2020, gần 100 y bác sĩ dưới sự cố vấn chuyên môn của GS. BS Trần Đông A đã thực hiện ca đại phẫu tách cặp song sinh dính liền phức tạp Trúc Nhi - Diệu Nhi. Sau hơn 12 giờ đồng hồ, ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cùng các chuyên gia đến từ nhiều bệnh viện khác đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tách dính phức tạp này.
Ngoài ca đại phẫu phức tạp trên, 2 bé còn trải qua nhiều cuộc đại phẫu khác để chỉnh hình cơ quan, tạo hình khung chậu, tiết niệu, tiêu hóa và tầng sinh môn… Sau 25 ngày phẫu thuật, cả 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đã có thể ngồi dậy, đến sau hơn 1 tháng thì cả 2 đã ăn được những chén cháo đầu tiên.
Đến ngày 7/10, Trúc Nhi - Diệu Nhi đã chính thức xuất viện và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận ca mổ là "ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam...".
4. Bộ Y tế chính thức khai trương Cổng công khai y tế
Đây là kết quả phối hợp giữa Bộ Y tế và Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel nhằm công khai hóa thông tin y tế tại địa chỉ: congkhaiyte.moh.gov.vn.
Trước mắt, Bộ Y tế công khai 5 lĩnh vực: dược và mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh, và hành chính công.
Trong đó, lĩnh vực dược và mỹ phẩm được công khai giá thuốc lưu hành và giá thuốc đấu thầu, các doanh nghiệp sai phạm, vi phạm; trang thiết bị y tế được công khai giá thầu, giá niêm yết của các thiết bị y tế, vật tư y tế và sinh phẩm hóa chất; an toàn thực phẩm được công khai thông tin về các sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu hành và đã được thu hồi, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng và các vi phạm trong quảng cáo các sản phẩm này; khám chữa bệnh được công khai giá khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và giá niêm yết các dịch vụ tại các cơ sở y tế; riêng hành chính công thực hiện công khai kết quả xử lý thủ tục hành chính của Bộ Y tế.
5. Phê duyệt đề án khám chữa bệnh từ xa
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 với quan điểm chủ đạo “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.
Đề án hướng tới mục tiêu mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến các cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; đồng thời trong tương lai sẽ tiến hành kết nối các bệnh viện tuyến trên với các nước có nền y khoa tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
7. Pate Minh Chay gây ngộ độc khiến nhiều người nguy kịch
Hàng chục bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở sau khi sử dụng sản phẩm “Pate Minh Chay” (Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới - huyện Đông Anh, TP.Hà Nội).
Qua kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm “Pate Minh Chay” thuộc các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Vi khuẩn này có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm pate nhãn hiệu Minh Chay ô nhiễm vi khuẩn có độc tố mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, vi khuẩn Clostridium botulinum có khả năng sống sót cao, nha bào của chúng tồn tại khá nhiều nơi trong môi trường và thực phẩm như: trong đất, phân, bùn, động vật, hải sản, đồ hộp... nhiều tháng; có thể sống trong đồ hộp đã mở nhiều tuần. Trong điều kiện bảo quản lạnh và có môi trường thích hợp, vi khuẩn có thể sinh ra nhiều độc tố.
8. Một người hiến tạng cho bệnh nhân khắp 3 miền đất nước
Ngày 2/12, hàng trăm cán bộ, chuyên gia, thầy thuốc, nhân viên thuộc các cơ sở y tế đã phối hợp với Cảnh sát giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) để thực hiện ca vận chuyển tạng của người hiến là anh N.H.Q. (30 tuổi) từ Vũng Tàu đi TP.HCM, Huế và Hà Nội.
Trong đó, tim của người hiến đã được ghép cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế; thận được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy; gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Tới nay, tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều đang bình phục.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện thành công ca điều phối ghép đa tạng này, đặc biệt trao tặng kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho người hiến tạng.
9. Bệnh viện Việt Đức thực hiện 23 ca ghép tạng trong vòng 13 ngày
Vào đầu tháng 9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thiết lập 1 kỷ lục với việc thực hiện 23 ca ghép tạng trong vòng 13 ngày. Trong đó có 3 ca ghép tim, 4 ca ghép gan và 16 ca ghép thận. Các tạng hiến từ cả người chết não và người sống. Sau ghép, sức khỏe các bệnh nhân đều tiến triển tốt, ổn định.
Số ca trên phản ánh tốc độ tăng năng lực ghép tạng ở Việt Nam. Trước khi ca ghép gan đầu tiên diễn ra năm 2004, nhiều chuyên gia đã được cử sang nước ngoài học tập, khoảng thời gian chuẩn bị cho ca phẫu thuật dài 5 năm.
Ghép tạng là kỹ thuật khó cần sự phối hợp chính xác giữa các kíp mổ bên cho và bên nhận. Y bác sĩ không chủ động được thời gian vì phụ thuộc nguồn tạng hiến, nhưng chỉ chậm trễ một chút là có thể hỏng tạng. Các ca mổ ghép thường dài cả chục giờ và việc chăm sóc hậu phẫu chống thải ghép phức tạp.
10. Bệnh Whitmore và bạch hầu tái bùng phát
Sau thời gian im ắng, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xuất hiện, nhất là bệnh bạch hầu, bệnh Whitmore...
Từ đầu tháng 10/2020 tại khu vực các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên đã ghi nhận nhiều người mắc bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Đây được xem là căn bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” đã khiến hàng chục người mắc bệnh và tử vong.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh Whitmore là bệnh có thể lây nhiễm cho người hoặc động vật. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở các nước khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Úc do lây truyền sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh bị ô nhiễm.
Trong khi đó, bệnh bạch hầu cũng tấn công nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hơn 200 ca bạch hầu được phát hiện, nhiều trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh bạch hầu là do tình hình dịch bệnh COVID-19 khiến các bậc phụ huynh ngại đưa con đi tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở các tỉnh Tây Nguyên thấp, chỉ đạt 50%.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp