16/04/2019 11:39
Nhìn lại lịch sử hơn 800 năm đầy biến cố của Nhà thờ Đức Bà Paris trước khi bị cháy
Được xây dựng trong hơn 1 thế kỷ, bắt đầu từ năm 1160, Nhà thờ Đức Bà Paris được xem là công trình đẹp nhất của kiến trúc Gothic nhà thờ Pháp.
Nhà thờ Đức Bà Paris có lẽ là địa danh nổi tiếng nhất của Pháp. Nó nằm ở trung tâm thành phố trong nhiều thế kỷ, có được sự tôn kính của người dân như một nơi thiêng liêng nhất của nước pháp. Nhưng từ tối 15/4 theo giờ địa phương Paris, một đám cháy lớn đã bùng phát tại nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà nằm trên đảo Île de la Cité ở giữa dòng sông Seine, trung tâm thành phố Paris. Vào thế kỷ thứ 10, Paris là một thành phố quan trọng của Kito giáo. Đây cũng là giai đoạn thành phố có những phát triển mạnh mẽ về cả dân số và kinh tế. Nhà buôn và thợ thủ công tập trung tại chợ lớn bên bờ phải sông Seine. Trường học của nhà thờ tạo được uy tín.
Thương mại là điều giúp cho thành phố phát triển mạnh mẽ, nhưng Paris cũng nổi tiếng là một trung tâm tâm linh. Một giáo phái đã được phát triển xung quanh vị thánh tử đạo tại đây, Thánh Denis. Theo sử sách ghi lại, sau khi bị chặt đầu, Thánh Denis từ từ nhặt đầu mình lên và ung dung bước đi hơn 10km nữa, tiếp tục giảng về sự ăn năn.
9 thế kỷ sau, chính tại điểm ông dừng chân mãi mãi, một Vương cung thánh đường được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 để tưởng nhớ đến vị thánh được tôn sùng trong Giáo hội Công giáo với tư cách là Vị Thánh bảo trợ của Pháp và Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris. |
Giám mục ở Paris Maurice de Sully, một người được tận mắt chứng kiến quá trình Vương cung thánh đường Thánh Denis xây dựng, rất ngưỡng mộ phong cách kiến trúc của các kiến trúc sư tiên phong - những người đang xây dựng thánh đường Thánh Denis theo phong cách Gothic mới lạ với trần nhà cao vút, ánh sáng tràn ngập khắp thánh đường.
Giám mục Sully quyết định tạo ra một cấu trúc tương tự ở trung tâm của Paris: một nhà thờ sẽ là kỳ quan của công giáo và dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria.
Thời gian mỉm cười với dự án của Giám mục Sully. Giai đoạn này được đánh dấu bằng sự bùng nổ kinh tế ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp. Với sự hậu thuẫn tài chính hào phóng do hoàng gia cung cấp, Giám mục Sully đã ký hợp đồng với một kiến trúc sư (không rõ danh tính) để thiết kế nhà thờ mới vào năm 1160.
Công trình này đòi hỏi phải phá hủy nhiều ngôi nhà khác nhau trong khu phố thời trung cổ chật chội và hai nhà thờ hiện có vào thời của họ. Viên đá đầu tiên được đặt vào tháng 6/1163, trong một buổi lễ xa hoa có sự tham dự của Giáo hoàng Alexander III.
Xây dựng nhà thờ
Xây dựng nhà thờ Đức Bà mất gần hai thế kỷ. Nhà thờ trở thành một dự án trọn đời của Giám mục Sully. Thánh đường và hàng lang chính điện được xây dựng đầu tiên.
Năm 1182, dưới triều đại của vị vua mới, Philip II, chính điện của nhà thờ đã xây xong. Giám mục Maurice de Sully sắp có thể cử hành Thánh lễ đầu tiên trong nhà thờ mới nhưng ông lại qua đời vào năm 1196, gần 150 năm trước khi các cấu trúc chính của nhà thờ Đức Bà hoàn thành trong những năm 1300. Giám mục Eudes de Sully tiếp tục chỉ đạo xây dựng công trình.
Theo thiết kế ban đầu của nhà thờ, mái nhà có trọng lượng rất nặng làm cho bức tường phải làm dày hơn, chắc chắn hơn để nâng đỡ nó, điều này đã hạn chế kích thước của các cửa sổ và giảm lượng ánh sáng tự nhiên trong tòa nhà.
Về sau, vào năm 1220, một phát kiến vĩ đại trong phong cách Gothic đã ra đời, trần nhà được thiết kế theo kiểu mái vòm, giúp các kiến trúc sư thiết kế được nhiều cửa sổ hơn, mang theo nhiều ánh sáng tự nhiên hơn vào các tòa nhà - thỏa đúng ước nguyện của giám mục Maurice de Sully quá cố.
Phong cách kiến trúc Gothic. |
Vào những năm 1240, "Bậc thầy kiến trúc" Jean de Chelles hoàn thành gian giữa và hai tòa tháp của mặt tiền chính ở phía tây nhà thờ. Người kế nhiệm tiếp theo của Jean de Chelles là Pierre de Montreuil giám sát việc lắp đặt cửa hoa hồng mới ở các bức tường lớn tại phía bắc, nam và tây của nhà thờ.
Những nét chạm trổ cuối cùng được thực hiện vào những năm 1300 bởi "Bậc thầy xây dựng" Jean Ravy, một trong những người đầu tiên áp dụng phong cách kiến trúc Gothic sáng tạo vĩ đại khác: Tường chống có vòm. Kiến trúc này vừa tạo nét duyên dáng và tăng sự uy nghi của nhà thờ. Đây là một trong những cấu trúc tiêu biểu nhất của Nhà thờ Đức Bà về sau.
Lễ hội ngoại giáo và phát triển triết học
Về mặt văn hóa, Nhà thờ Đức Bà không bao giờ có tầm quan trọng trung tâm đối với chế độ quân chủ Pháp. Họ thích đăng quang tại Nhà thờ Reims khoảng 80 dặm về phía đông bắc của Paris, và mai táng tại Nhà thờ Saint-Denis.
Quốc vương thời trung cổ duy nhất lên ngôi trong Nhà thờ Đức Bà hoàn toàn không phải là người Pháp: Henry VI của Anh được đăng quang ở đó vào năm 1431, như một phần của chiến dịch của nước Anh để mở rộng quyền kiểm soát chính trị đối với Pháp trong thời gian "Chiến tranh 100 năm".
Thay vào đó, Nhà thờ Đức Bà trở thành một biểu tượng đô thị và hình ảnh mà các thế hệ người Paris sống cuộc sống của họ. Trong thời trung cổ, nơi đây đã tổ chức Feast of Fools - lễ hội của những kẻ điên. Đây là một lễ hội ngoại giáo, lễ hội này tập trung vào các tầng lớp thấp kém của xã hội được chủ trì bởi các giám mục nhà thờ.
Bức tượng điêu khắc độc đáo. |
Nhà thờ Đức Bà cũng trở thành cột mốc đánh dấu đời sống trí thức của Pháp bắt đầu phát triển. Vào đầu những năm 1100, nhà triết học vĩ đại Peter Abelard đã dạy tại trường nhà thờ Paris, một tổ chức có từ trước nhà thờ Đức Bà. Nhà thờ mới nổi lên khi danh tiếng của trường học bắt đầu phát triển và học sinh đổ xô đến Paris để tiếp cận với những giáo lý triết học mới nhất của thế kỷ 12 và 13.
Nhiều sinh viên đến Paris mà không có đồng nào để duy trì việc học, và chuyển sang ăn xin và phạm tội để kiếm sống. Những người này được gọi là goliards. Họ thường lui tới các quán bar và tồn tại dưới bóng của nhà thờ hùng vĩ. Các giám mục của Paris cuối cùng đã đồng ý chấm dứt tình trạng này.
Vào năm 1215, Đức Hồng Y Robert de Courçon đã ra lệnh cho một nghị định được đọc ra từ trước của nhà thờ Đức Bà, đưa ra nhiều đạo luật khác nhau nhằm áp đặt trật tự trong cộng đồng đại học. Và từ lúc đó nơi đây cũng được dùng để tra tấn và hành quyết. Vào năm 1314, trên một hòn đảo nhỏ bên cạnh nhà thờ Đức Bà, Jacques de Molay, người cuối cùng của Hiệp sĩ đền thánh, đã bị thiêu đốt.
Nổi loạn và phá hoại
Trong thế kỷ 18, tư duy về kiến trúc đã thay đổi hoàn toàn. Ở giữa triều đại của Louis XIV, nhà thờ đáng kính phải đối mặt với một cuộc trùng tu triệt để và gây tranh cãi, một cuộc "phục hồi" đã bắt đầu mà các thế hệ sau này đã xem đây là hành vi gây ra nhiều thiệt hại cho di tích.
Các tác phẩm điêu khắc, đã được kéo xuống. Các cửa sổ kính màu từ thế kỷ 12 và 13 đã được thay thế bằng kính trong suốt. Chỉ có ba cửa sổ hoa hồng vẫn may mắn giữ lại được phần lớn kính màu. Một trụ cột của ô cửa trung tâm đã bị phá hủy để cho phép các xe ngựa lớn đi qua.
Nhà thờ tiếp tục đối mặt với sự tàn phá nặng nề hơn vào năm 1789, thời Cách mạng Pháp diễn ra. 28 bức tượng trong Phòng trưng bày các vị vua của nhà thờ bị phá hủy trong quá trình nhà thờ bị lục soát.
Các tác phẩm điêu khắc lịch sử trang trí cho các ô cửa, các bức tượng đồng và mái nhà... cũng bị hủy hoại dưới những biến cố thời cuộc. Thậm chí, những chiếc chuông đồng nặng hàng chục tấn cũng bị mang xuống nấu chảy để làm pháo.
Chiếc chuông Emmanuel khổng lồ. |
Cuối cùng, vào năm 1801, chính phủ Napoléon Bonaparte đã ký một hợp đồng với Tòa thánh, theo đó Giáo hội Công giáo sẽ giành lại quyền kiểm soát Nhà thờ Đức Bà. Công việc bắt đầu ngay lập tức để dọn dẹp tòa nhà và sửa chữa các cửa sổ. Đến năm 1804, ở một trạng thái đủ chấp nhận, Vua Napoleon được trao vương miện ở đó với tư cách là hoàng đế.
Nhà thờ Đức Bà được trùng tu
Nhà thờ Đức Bà đã được trở lại thời huy hoàng vào giữa thế kỷ 19, nhờ một phần không nhỏ của tiểu thuyết gia Victor Hugo. Một ánh sáng hàng đầu của chủ nghĩa lãng mạn Pháp, Hugo dẫn đầu sự hồi sinh của việc quan tâm đến quá khứ thời trung cổ và nghệ thuật Gothic.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng năm 1831 của ông, sau đó được xuất bản bằng tiếng Anh với tên gọi "Thằng gù nhà thờ Đức Bà", Hugo tưởng tượng về sự hỗn loạn của thời trung cổ ở Paris, đã hòa trộn, kết hợp trong Nhà thờ Đức Bà.
Một sự phục hồi của nhà thờ đã được bắt đầu vào những năm 1840. Kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc đã bắt đầu vào năm 1844 để trùng tu công trình. Gần 25 năm, ông cố gắng hồi sinh sức mạnh và vẻ đẹp của nhà thờ Đức Bà. Ông đã khôi phục mặt tiền phía tây và Phòng trưng bày các vị vua, đồng thời bổ sung thêm các kiến trúc mới: một ngọn tháp cao chót vót, các tác phẩm điêu khắc của Mười hai sứ đồ...
Một số kiến trúc được bổ sung thêm sau khi được trùng tu. |
Vào thế kỷ 19, Thành phố Paris cũng bắt đầu hiện đại hóa theo những cách có lợi cho nhà thờ cũ. Vào những năm 1850, Napoleon III đã giao cho Nam tước Baron Haussmann thực hiện một công trình tái tạo đô thị khổng lồ của Paris, trong đó nhiều tòa nhà cũ của thành phố sẽ được dọn sạch để tạo ra những đại lộ và quảng trường rộng mở.
Những ngôi nhà và các tòa nhà khác xung quanh nhà thờ được tháo dỡ để mở ra một quảng trường mới phía trước mặt tiền chính. Lần đầu tiên, người Paris có thể đứng lại và chiêm ngưỡng thánh đường trong tất cả sự hùng vĩ của nó.
Kể từ đó, hình ảnh của Nhà thờ Đức Bà đã trở nên không thể tách rời với hình ảnh của Paris. Tòa nhà thường xuyên xuất hiện trong các bức tranh của Matisse và Picasso, trong khi "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" đã truyền cảm hứng cho một số bộ phim.
Advertisement