Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhìn lại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sau 2 năm tại Singapore

Kinh tế thế giới

11/06/2020 09:40

Sau 2 năm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trump và Kim Jong-un, sáng kiến chính sách đối ngoại của Trump trong vấn đề Triều Tiên đã tan vỡ.

Ngày 10/6 tờ Business Times có bài phân tích nhận định rằng sau 2 năm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, sáng kiến chính sách đối ngoại của Trump trong vấn đề Triều Tiên đã tan vỡ. Tuy nhiên, trong khi chính sách ngoại giao lớn của Trump có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, thì một số dự án liên Triều vẫn đạt được những tiến triển đáng kể.

Tổng thống Hàn Quốc coi sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 là “cơ hội” để cải thiện quan hệ liên Triều. Ảnh: AP
Tổng thống Hàn Quốc coi sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 là “cơ hội” để cải thiện quan hệ liên Triều. Ảnh: AP

Trong tháng 5/2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau khi đã củng cố quyền lực chính trị khi Đảng Dân chủ cầm quyền giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4, đã tuyên bố rằng ông sẽ tăng cường cải thiện quan hệ liên Triều chừng nào ông còn tại nhiệm.

Ông Moon cũng coi sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 là “cơ hội” để cải thiện quan hệ liên Triều. Hàn Quốc nằm trong số những nước thành công nhất trên thế giới trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Ông Moon đã đề xuất chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên trong phòng chống dịch bệnh. Ông cũng muốn thúc đẩy đề xuất mà ông đưa ra hồi tháng 1 nhằm khởi động lại các dự án kết nối đường sắt, đường bộ và hoạt động du lịch liên Triều.

Theo giới phân tích, tuyên bố này thể hiện một số tham vọng. Chính phủ Hàn Quốc đã chuẩn bị bản dự thảo sửa đổi Luật trao đổi và hợp tác liên Triều nhằm đơn giản hóa tiến trình can dự với Triều Tiên; tiến hành một cuộc khảo sát nhằm đăng ký để khu phi quân sự - biểu tượng của sự đối đầu liên Triều - được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Tuy nhiên, ông Moon cũng hiểu rõ rằng chương trình nghị sự này bị ảnh hưởng bởi sự đình trệ của cuộc đối thoại Mỹ-Triều. Mối quan hệ này hầu như không được cải thiện kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore và còn căng thẳng hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội. Tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, những bất đồng lớn giữa hai bên đã được bộc lộ, và điều này dường như không có khả năng thay đổi cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây.

Kết quả được dự đoán

Điều hoàn toàn có thể dự đoán được thậm chí trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Singapore là sẽ không có lối thoát cho tình trạng bế tắc này. Lý do không chỉ là thiếu sự chuẩn bị của ê-kíp của Trump cho cuộc gặp thượng đỉnh, mà còn là khoảng cách rất lớn về những kỳ vọng. Đó là những kỳ vọng lớn xung quanh cuộc gặp ngắn ngủi, kéo dài vài giờ đồng hồ ở Singapore. Một số người còn cho rằng đó là khoảnh khắc “Nixon đến Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, đây là một lập luận hết sức sai lầm. Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh năm 1972 sau nhiều cuộc tiếp xúc và hoạt động ngoại giao giữa hai bên trong nhiều năm. Ngược lại, quyết định của Tổng thống Donald Trump gặp Nhà lãnh đạo Kim Jong-un là bất ngờ, không dự tính trước.

Những thiếu sót này bị làm trầm trọng thêm bởi tính cách của Trump được thể hiện tại cuộc gặp ở Singapore. Tổng thống Trump tuyên bố rằng “mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đã qua rồi”, và cho rằng ông đã hoàn tất “tiến trình vô cùng phức tạp là giảm leo thang căng thẳng trên mặt trận cuối cùng của kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh”.

Hiện nay, thách thức chủ yếu của tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là do cách giải thích khác nhau của hai bên. Đối với Trump, ông muốn có sự giải trừ vũ khí đơn phương. Nhưng đối với Kim Jong-un, đó có thể là các cuộc đàm phán kéo dài trong đó Bình Nhưỡng cần được đối xử bình đẳng với Mỹ, đem lại cho ông những thắng lợi hơn nữa về mặt tuyên truyền. Bởi vậy, hầu như không có gì ngạc nhiên khi ông Kim vẫn thận trọng trong việc đưa ra những cam kết về thời gian biểu cụ thể, và muốn giành được nhiều nhượng bộ hơn nữa về kinh tế và chính trị từ ông Trump trước khi có bất kỳ sự giảm bớt khả năng hạt nhân nào - chưa nói đến việc cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Một lý do giải thích tại sao Bình Nhưỡng sẽ không sớm thay đổi lập trường của mình - ít nhất cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới - là cho tới nay, ông Kim Jong-un, chứ không phải Trump, là người thắng lớn hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hầu như không đưa ra nhượng bộ cụ thể nào đối với Mỹ.

Tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong vụ phóng thử hồi tháng 4/2017. Ảnh: KCNA
Tên lửa đạn đạo Triều Tiên trong vụ phóng thử hồi tháng 4/2017. Ảnh: KCNA

Người thắng lớn hơn

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã đình chỉ các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, mở ra triển vọng nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên “làm điều gì đó có ý nghĩa” đối với vấn đề phi hạt nhân hóa. Trump cũng nói rằng ông không vội kết thúc tiến trình đàm phán và hy vọng sẽ có cuộc gặp lần thứ ba với ông Kim. Điều này diễn ra trong bối cảnh không có bằng chứng cho thấy Triều Tiên tiếp tục làm giàu urani và sản xuất tên lửa. Nó cũng làm nổi bật việc ông Kim đã nhận được từ Trump nhiều như thế nào để đổi lấy những cam kết mơ hồ đối với việc phi hạt nhân hóa.

Ở cấp độ cá nhân, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đã có vị thế chính trị lớn hơn đáng kể trên chính trường quốc tế. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần mời ông Kim đến thăm Trung Quốc vào năm 2018 và năm 2019, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền năm 2010. Ông cũng đã đến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2019.

Trong khi đó, ông Trump vẫn phải chịu sức ép chính trị ở Washington yêu cầu phải vạch ra “ranh giới đỏ” đối với việc Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ hay không. Tổng thống Trump nhận thức rõ rằng các vụ thử tên lửa cho thấy ông Kim tiến gần tới việc phát triển một đầu đạn hạt nhân có thể được gắn vào một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ.

Hy vọng của Tổng thống Donald Trump cách đây 2 năm về việc Triều Tiên có thể là điểm sáng trong chính sách đối ngoại nhiệm kỳ đầu của mình dường như đã tan biến. Nếu vấn đề này quay trở lại, nó có thể làm xói mòn khả năng tái cử của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới.

Theo TTXVN

AN LY (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement