Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều trường đại học ở TP.HCM tăng học phí lên gấp đôi

Chính sách - Hạ tầng

13/04/2021 16:10

Trong năm tới, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Bách khoa, Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đều tăng học phí.

Những trường nào học phí tăng?

Cụ thể, theo đề án tuyển sinh năm 2021 của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí áp dụng cho tân sinh viên khóa mới trong năm học 2021-2022 ở mức 32 triệu đồng/năm đối với các ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Học phí các ngành còn lại là 28 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, sinh viên đóng thêm chi phí học tập 2 học phần bắt buộc, Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh theo quy định hiện hành.

Trong khi đó, năm ngoái, mức thu của trường đối với sinh viên có hộ khẩu tại TP.HCM là 14,3 triệu đồng, hộ khẩu tỉnh thành khác là 28,6 triệu đồng.

Tại Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), chương trình đại trà, học phí mới là 25 triệu đồng/năm (sinh viên hiện tại đóng khoảng 12 triệu đồng/năm).

Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Anh thu học phí 66 triệu đồng/năm, tăng 10% so với mức hiện tại. Học phí chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật vẫn giữ nguyên mức 50 triệu đồng/năm.

mg-6928-jpg-3780-1585199391-5075-1591762088.jpg
Các trường đồng loạt tăng học phí. 

Theo lộ trình, học phí chương trình đại trà năm học 2022-2023 tăng lên 27,5 triệu đồng, năm học 2023-2024 là 30 triệu đồng. Mức thu này sẽ giữ ổn định cho hai năm tiếp đó.

Đại học Kinh tế - Luật dự kiến học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng, năm 2022 ở mức 22,6 triệu đồng, năm 2023 thu 24,8 triệu đồng, năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, trường dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng 10-15%. Học phí hệ đại trà hiện tại ở mức khoảng 9,8 triệu đồng/năm.

Đại học Công nghệ thông tin dự kiến thu học phí năm 2021 là 25 triệu đồng; năm 2022 mức 30 triệu đồng; năm 2023 thu 45 triệu đồng; năm 2024 là 49,5 triệu đồng và năm 2025 tăng lên 54,4 triệu đồng.

Với mức học phí này ĐH Bách khoa đang dẫn đầu với mức 66 triệu đồng/năm.

Tại sao học phí tăng?

Lý giải việc tăng học phí, theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa, vào tháng 7/2020, Đại học Bách khoa được phê duyệt đề án tự chủ theo quyết định của Đại học Quốc gia TP.HCM. Hai trường Kinh tế - Luật và Công nghệ thông tin cũng được phê duyệt tự chủ.

Theo ông Thắng trả lời trên Zing.vn, chi phí để đào tạo một kỹ sư rất lớn, năm 2019 đã hơn 60 triệu đồng/năm/sinh viên. Trường thu học phí khoảng 12 triệu đồng. Bù lại, trường có khoản kinh phí thường xuyên do Nhà nước cấp.

Khi thực hiện tự chủ, ngân sách Nhà nước không cấp thường xuyên, trường tăng học phí lên mức 25 triệu đồng/năm để bù đắp phần nào.

Ông Thắng nói thêm trường có thêm kinh phí từ các dự án, chuyển giao công nghệ, nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp, xã hội để việc đào tạo đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lý giải học phí tăng vì trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học.

Trường thông tin thêm đơn giá học phí các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định.

Thực tế, năm ngoái, khi Đại học Y Dược TP.HCM thực hiện tự chủ và đưa ra mức học phí cao so với mức thu hiện tại, dư luận cũng thắc mắc.

Khi Nhà nước và Bộ Y tế không hỗ trợ thường xuyên cho chi phí đào tạo sinh viên ngành y, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng như các trường y thực hiện tự chủ sẽ phải tính toán để đưa ra mức học phí mới nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Cũng như ngành kỹ thuật, kinh phí đào tạo ngành y rất lớn.

Ngoài ra, để hỗ trợ sinh viên, trường còn trích nguồn thu để tăng mức học bổng. Dự kiến, học bổng hỗ trợ sinh viên có thể lên đến 50 tỷ đồng/năm, tăng gấp đôi so với mức hiện tại (khoảng 20 tỷ đồng/năm).

Bên cạnh đó, hội cựu sinh viên trường đang xây dựng chương trình hỗ trợ học phí hoặc cho vay lãi suất thấp, khoảng 15 tỷ đồng/năm.

Học phí các trường hiện tại ra sao?

Học phí chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến, liên kết năm 2020-2021 của các trường ĐH công lập dao động từ 40 - 70 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình đào tạo đại học chính quy của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 11,7 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, học phí các chương trình theo đề án trong năm 2020-2021 cao nhất lên tới 44 triệu đồng.

Cụ thể, ngành Khoa học máy tính chương trình tiên tiến 43,5 triệu đồng/năm, ngành Công nghệ thông tin chương trình chất lượng cao 32,5 triệu đồng/năm, ngành Công nghệ thông tin liên kết ĐH Claude Bernard Lyon I-Pháp 41 triệu đồng/năm, ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học chương trình chất lượng cao, ngành Hóa học chương trình liên kết ĐH Le Mans - Pháp 44 triệu đồng/năm.

Các ngành Sinh Học, Công nghệ Sinh học, Khoa học môi trường, Hóa học chương trình chất lượng cao) 40 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông chương trình chất lượng cao 32 triệu đồng /năm.

Mức học phí cho sinh viên chính quy đại trà, kỹ sư tài năng của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là 11,7 triệu đồng/năm. Trong khi đó chương trình tiên tiến, chất lượng cao, học phí trung bình 30 triệu đồng/học kỳ, tương đương 60 triệu đồng/ năm.

Theo Vietnamnet, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), học phí chương trình đại trà tính theo tín chỉ là 204 nghìn đồng/tín chỉ. Tuy nhiên, với chương trình cử nhân chất lượng cao mức thu là 36 triệu đồng/năm.

Học phí Trường ĐH Công nghệ thông tin học (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho chương trình đại trà 20 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến 40 triệu đồng/năm.

Một trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM là Trường ĐH Quốc tế có học phí khoảng 48 triệu đồng/năm. Học phí chương trình liên kết (chương trình du học tại các trường đối tác) giai đoạn 1 khoảng 56 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 thu theo chính sách học phí của trường đối tác.

Học phí chương trình 4 0 (chương trình liên kết học tại Trường ĐH Quốc tế, nhận bằng của trường ĐH West of England) giai đoạn 1 khoảng 63-67 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng 116 triệu đồng/năm.

Năm 2020, ở Trường ĐH Luật TP.HCM, học phí cho chương trình đại trà là 18 triệu đồng/năm. Lớp Anh văn pháp lý 36 triệu đồng/năm. Lớp chất lượng cao ngành Luật và ngành Quản trị kinh doanh 45 triệu đồng/năm và Lớp chất lượng cao ngành Quản trị - Luật là 49,5 triệu đồng/năm.

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, học phí chương trình đại trà là 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm. Học phí chương trình chất lượng cao tiếng Việt là 28 - 30 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao tiếng Anh 32 triệu đồng/năm, chất lượng cao tiếng Việt - Nhật 32 triệu đồng/năm.

Học phí cho chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng ở mức gần 30 triệu đồng/năm, chương trình đại trà khoảng 19 triệu đồng/năm.

Tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, học phí chương trình tiêu chuẩn ngành Dược là 42 triệu đồng/năm, các ngành khác từ 18,5-22 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình chất lượng cao được thu ở năm thứ nhất là 32,5-40,5 triệu đồng/năm tùy ngành, đến năm thứ 4, mức thu là 42-52 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình đại học bằng tiếng Anh năm thứ nhất từ 49-52 triệu đồng/năm tùy ngành, đến năm thứ 4 có mức thu là 62 -66 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Ngoại thương với chương trình đào tạo đại trà là 18,5 triệu đồng/năm.

Các chương trình Chất lượng cao, Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, Kế toán - Kiếm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế có học phí 40 triệu đồng/năm.

Học phí chương trình tiên tiến là 60 triệu đồng/năm.

(Tổng hợp)

HẢI MY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement