18/11/2017 03:54
Nhiều tỉnh lên phương án đối phó bão số 14, TP.HCM sẵn sàng di dời dân ở xã đảo Thạnh An
Ngay sau khi nhận được thông tin bão số 14 hình thành trên Biển Đông và đang hướng vào đất liền, các địa phương được dự báo bão sẽ đổ bộ vào khẩn trương lên phương án đối phó.
Tại tỉnh Thừa Thiên- Huế: Ngày 18/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết vừa phát công điện gửi các địa phương, đơn vị chức năng, chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn yêu cầu chủ động phòng, chống đợt mưa lớn trên diện rộng kết hợp thời tiết xấu do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.
Ngoài phương án sơ tán dân ở những vùng xung yếu, thấp trũng, sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TT-Huế yêu cầu thực hiện lệnh cấm biển kể từ trưa 18/11, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn là Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền phải vận hành điều tiết nước trong 72 giờ về mức an toàn lần lượt theo cao trình là 35m, 80,6m, 56m, để chủ động đón lũ.
Dự báo lũ trên các sông tại Huế lại lên do hồ thủy điện xả lũ và mưa lớn trong vài ngày tới.
Dự báo, lũ trên sông Hương do tác động hồ chứa xả nước sẽ lên mức 1,6m (trạm Kim Long), trên báo động I: 0,6m; sông Bồ lên mức 2,m (trạm Phú Ốc), trên báo động I: 0,5m).
Tại tỉnh Khánh Hòa:UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến và tăng cường thông tin về bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh; rà soát lại các phương án phòng chống thiên tai, trong đó đặc biệt lưu ý chỉ đạo kiểm tra việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại các địa điểm tránh trú bão.
Các huyện, thị, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm; không để người ở lại nhà tạm, nhà yếu có thể tốc mái, đổ sập khi bão to gió lớn. Công tác sơ tán phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 18.11.
Các địa phương thông báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản biết, sắp xếp trở vào bờ; kiên quyết không để người dân ở lại lồng bè khi bão tới.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm đếm các phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, tàu du lịch, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản đang hoạt động trên biển, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu hành trên biển.
Cụ thể, các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy kháckhông được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 18/11.
Đối với các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển phải trở vào bờ trước 16 giờ ngày 18/11 cho đến khi hết bão.
Trong cơn bão số 12, Khánh Hòa ghi nhận hơn 40 người chết; trong số đó, nhiều người là chủ hoặc người lao động làm thuê tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản.
Tại tỉnh Ninh Thuận:Sáng 18/11, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cùng với các sở, ngành, chính quyền các địa phươngtổ chức họp khẩn lên các phương án ứng phó với với cơn bão số 14.
Tỉnh Ninh Thuận thực hiện lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi đánh bắt kể từ sáng 18/11, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ nhân dân các khu vực ven biển chằng chống nhà cửa hoàn thành các công việc trước 21 giờ tối nay.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện tàu, thuyền và thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từvĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Hiện tại, Ninh Thuận có 2.651 phương tiện nghề cá với 16.474 lao động hoạt động. Số tàu, thuyền đang hoạt động trên biển 679 chiếc với 5.275 lao động đã liên lạc được, còn 1.972 chiếc tàu thuyền đang neo đậu tại các bến, cảng.
Ban quản lý các cảng cá tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; kịp thời hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu tránh, trú bão ven biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ đội biên phòng tỉnh duy trì liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa đã tích đầy nước do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và khu vực vùng hạ du.
Các lực lượng xung kích, công an, bộ đội các địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó với cơn bão số 14.
Tại TP.HCM:Chiều 17/11, tại cuộc họp khẩn giữa UBND TP.HCM với các sở ngành và quận huyện để triển khai phương án phòng tránh, ứng phó với cơn bão số 14.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, theo dự báo, bão ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP HCM như cơ quan dự báo nhận định, nhưng không được chủ quan vì bão thường khó lường, bất thường và diễn biến phức tạp. Nhất là TP.HCM có nhiều công trình xây dựng, cần trục, cây xanh… và đang trong đợt đỉnh triều cường đạt 1,6 m.
Để chủ động ứng phó với bão, ông Liêm yêu cầu các sở ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến, triển khai các phương án đã được diễn tập từ trước. Đặc biệt, huyện Cần Giờ phải sẵn sàng công tác di dời dân ở xã đảo Thạnh An và người dân trong nhà tạm bợ, ven sông rạch. "Kịch bản đã có rồi, chỉ cần hô cái là di dời dân đi ngay", ông Liêm nói.
Advertisement