20/03/2018 16:05
Nhiều siêu thị từ chối bán thủy sản nhiễm Chloramphenicol trong ngưỡng được phép
Dư lượng Chloramphenicol trong thủy sản nếu dưới 0,3 ppb vẫn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng nhiều siêu thị tại VN lại không chấp nhận.
Chloramphenicol (CAP) là hoạt chất đang nằm trong danh sách hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản.
Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho hay, thời gian gần đây đơn vị này nhận được khá nhiều phản ánh của các hội viên than phiền gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, mặc dù sản phẩm của họ vẫn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cụ thể, trong thủy sản xuất khẩu khi kiểm nghiệm nếu thấy dư lượng CAP thấp hơn mức 0,3 ppb (ppb là đơn vị đo mật độ thường dành cho các mật độ tương đối thấp) thì vẫn được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp giấy chứng nhận xuất khẩu.
Tuy nhiên, một số siêu thị tại VN đang không chấp nhận bán những sản phẩm thủy sản có tồn dư chất này, bất kể dưới ngưỡng 0,3ppb trong hệ thống bán lẻ của mình. Bất kể hiện nay VN vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định ngưỡng cho phép của chỉ tiêu CAP hay các chỉ tiêu về hóa chất, khắng sinh cấm sử dụng trong thủy sản tiêu thụ tại thị trường trong nước.
VASEP và DN đã phản ánh với Lãnh đạo Cục NAFIQAD Bộ Y tế, cho đây là bất cập. Đồng thời Hiệp hôi cũng kiến nghị Bộ Y tế ra quyết định công bố ngưỡng giới hạn tối thiểu cho các chỉ tiêu kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa với mức tương đương với ngưỡng cho phép của các chỉ tiêu này trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Chloramphenicol là một dạng kháng sinh dùng trong nuôi trồng thủy sản. |
Cục An toàn Thực phẩm (VFA) thuộc Bộ Y tế đề nghị VASEP đề xuất ngưỡng quy định bổ sung dựa trên cơ sở quy định của quốc tế, các quốc gia trên thế giới, thực tiễn sản xuất, kinh doanh trong nước kèm theo các bằng chứng khoa học đánh giá nguy cơ để Cục An toàn thực phẩm báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế soát xét, bổ sung.
Đại diện VASEP cho rằng, điều này là không hợp lý do các ngưỡng cho phép của các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh đối với hàng thủy sản xuất khẩu đã được Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn quy định rõ ràng, còn việc nghiên cứu các quy định của quốc tế, các quốc gia trên thế giới, tìm hiểu thực tiễn sản xuất, kinh doanh và tiến hành các nghiên cứu đánh giá nguy cơ về một chỉ tiêu an toàn thực phẩm không thuộc chức năng và khả năng của VASEP.
Hiện VASEP đang đề nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT có ý kiến chỉ đạo giúp tháo gỡ vấn đề trên để tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa thủy sản tại thị trường trong nước.
Advertisement