Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều nước Đông Nam Á chìm trong khủng hoảng COVID-19 vì biến chủng Delta và tiêm vaccine chậm

Sức khỏe

07/07/2021 17:11

Sau một năm chống đại dịch COVID-19 khá thành công so với thế giới, nhiều nước Đông Nam Á đang trải qua thời kỳ khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Tình hình càng tệ hơn khi tỷ lệ tiêm vaccine không cao và biến thể Delta hoành hành.

Dịch nghiêm trọng, Indonesia phải nhờ các nước giúp

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr hồi tháng 5 vừa qua và sự xuất hiện của các biến thể mới, điển hình là biến thể Delta. Số ca mắc mới hàng ngày đã liên tục lập đỉnh trong những tuần gần đây. Ngày 6/7, Indonesia đã ghi nhận thêm 31.189 ca mắc và 728 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

indo2-7721.jpg
Người dân chờ nạp đầy bình oxy để cung cấp cho bệnh nhân COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế nước này, xét nghiệm cho thấy gần 60% các ca mắc trong ba tuần qua đều nhiễm biến thể Delta. Số ca nhiễm COVID-19 tại Indonesia đã tăng gấp 4 lần chỉ sau một tháng, với tổng số ca nhiễm và tử vong đến thời điểm này lần lượt là trên 2,4 triệu ca và 61.140 ca. Số lượng thực tế có thể còn lớn hơn, bởi công tác xét nghiệm, truy vết diễn ra chậm chạp. Tại thủ đô Jakarta, số người tử vong được đưa đi an táng tăng 10 lần kể từ tháng 5, số bệnh nhân mắc COVID-19 khi tự cách ly tại nhà cũng tăng vọt. 

Với diễn biến như thế này, Indonesia đang có nguy cơ thay thế Ấn Độ, trở thành điểm nóng nhất châu Á. Chuyên gia phân tích ở Jakarta Bambang Harymurti, cho biết tình hình dịch bệnh đang ngày một tệ. Nhiều bệnh viện hoặc là đóng cửa vì hết giường, hoặc là phải yêu cầu bệnh nhân tự lo nguồn ôxy. 

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình đó, Chính phủ Indonesia đã đề nghị một số quốc gia hỗ trợ ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay. Ngày 6/7, Bộ trưởng Điều phối Vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết đây là một phần trong kịch bản ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 ở ngưỡng 40.000-70.000 ca/ngày. 

Song song với đó, Indonesia cũng đang huy động các nguồn lực trong nước, trong đó có quân đội và cảnh sát, nhằm giám sát cộng đồng cũng như xây dựng các bệnh viện dã chiến. Ngày 6/7, Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh thành lập một bệnh viện khẩn cấp chữa COVID-19 tại thủ đô Jakarta. Bệnh viện này có sức chứa lên đến gần 1.000 giường và sẽ tiếp nhận các bệnh nhân từ thủ đô Jakarta cũng như các vùng phụ cận. Chính phủ cũng đã chuẩn bị một số địa điểm để cách ly bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Jakarta.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết bộ này sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 với mục tiêu tiêm chủng 5 triệu liều/ngày theo chỉ đạo của Tổng thống Joko Widodo. Theo Bộ trưởng Budi, Tổng thống đã chỉ đạo tiêm 1 triệu liều/ngày trong tháng 7, đạt mức 2 triệu liều trong tháng 8 và nếu cần có thể tăng lên 5 triệu liều. 

Ca mắc và tử vong tăng, Thái Lan vẫn quyết mở cửa theo lộ trình

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samutprakran, Thái Lan, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca mắc và tử vong vì COVID-19 gia tăng gần đây ở Thái Lan cũng một phần là do biến thể Delta. Đầu tuần này, Cơ quan Khoa học Y khoa Thái Lan cho biết biến thể Delta gây ra 26% tổng số ca mắc ở thủ đô Bangkok trong tuần qua.

Biến thể này gần đây đã xuất hiện tại các đảo như Phuket – hòn đảo đang mở cửa cho du khách quốc tế để thúc đẩy ngành du lịch. Thủ tướng Prayuth Chan-ochan gần đây cho biết có nguy cơ nhưng phải chấp nhận để người dân Thái Lan có thể kiếm sống.

Đợt bùng phát COVID-19 hiện nay ở Thái Lan bắt nguồn từ các khu chợ cá ở Samut Sakhon ở bên ngoài Bangkok và từ các câu lạc bộ đêm trong khu vực giải trí Thonglor. 

Theo tờ Nikkei Asia, từng là hình mẫu chống dịch bệnh thành công năm 2020, nhưng các biện pháp phòng dịch đã gây áp lực lớn với nền kinh tế Thái Lan. Bất chấp tỷ lệ tử vong chưa từng có tiền lệ hồi tháng 6, Thủ tướng Prayuth Chan-ochan vẫn thông báo sẽ mở cửa hoàn toàn đất nước vào tháng 10 tới. Ông cho rằng cơ sở lạc quan là tới tháng 10, một tỷ lệ nhất định người dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Tuy nhiên, trong chương trình tiêm chủng chậm chạp khởi động từ tháng 3 đến nay, Thái Lan mới tiêm được 10,7 triệu liều vaccine cho dân số gần 70 triệu. 

Trong ngày 6/7, Thái Lan có 5.420 ca mắc và 57 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch lên 294.653 và 2.333.

Hệ thống y tế Campuchia sắp tới giới hạn chịu đựng

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đợt bùng phát COVID-19 hiện nay bắt đầu từ sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Khi đó, số ca mắc hàng ngày ở Campuchia dưới 500 và không có ca tử vong. Một số ổ dịch nhỏ nhanh chóng bị dập tắt.

Tuy nhiên, 4 tháng sau đó, tổng số ca mắc ở Campuchia đã là trên 56.000 ca, trong đó 779 ca tử vong. Một quan chức y tế nước này cảnh báo rằng Campuchia gần vượt “lằn ranh đỏ” khi số ca lây nhiễm gia tăng và người lao động nhập cư từ Thái Lan mang theo biến thể Delta về nước.

Khi số ca mắc gia tăng, hệ thống y tế vốn yếu của Campuchia đã bị đẩy tới giới hạn. Chính phủ buộc phải chuyển một trung tâm tiệc cưới lớn thành bệnh viện dã chiến 1.800 giường. Các cơ sở khác cũng phải tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Ông Michael Thigpen, chuyên gia dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tại Phnom Penh, cho biết nhân tố chính khiến Campuchia không thể dập đợt dịch này hiệu quả là do biến thể Delta lây lan nhanh. Theo ông Thigpen, hiện nay, các biện pháp như xét nghiệm và truy vết quyết liệt đã giúp tránh bùng nổ lây nhiễm thêm nhưng tình hình vẫn rất khó lường.

Tuần trước, Campuchia ghi nhận 1.130 ca mắc trong một ngày, mức cao chưa từng có. Ngày 6/7, số ca mắc mới giảm xuống dưới 1.000 nhưng vẫn ở mức cao. Điều đáng lo là lây nhiễm đang xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng nông thôn, vốn có cơ sở vật chất và nguồn lực không bằng thành phố.

Tới nay, Campuchia đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho trên 3 triệu người. Ông Thigpen cho rằng tiến độ này là đáng khích lệ nhưng vẫn cần mở rộng chương trình tiêm chủng.

Malaysia, Philippines vẫn ghi nhận số ca mắc mới cao

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 1/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh tại Malaysia và Philippines cũng vẫn ở mức nghiêm trọng. 

Trong ngày 6/7, Malaysia có tới 7.654 ca mới, tăng mạnh so với ngày trước đó và là ngày thứ hai liên tiếp có trên mức 7.000 ca/ngày. Số ca mắc tăng mặc dù nước này đã phong tỏa toàn quốc suốt một tháng qua để kiềm chế dịch bệnh lây lan.

Tại Philippines, số ca mắc mới trong ngày 6/7 là 4.114. Nước này đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta trong các mẫu bệnh phẩm của công dân trở về nước và từng đến Saudi Arabia. Tính tới nay, 12 triệu dân (10,9% dân số) ở Philippines đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. 

Tính tới hết 6/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại Đông Nam Á là 5.199.824, trong đó 99.571 ca tử vong. Quốc gia đứng đầu về tổng số ca mắc và tử vong trong khu vực là Indonesia với 2.345.018 ca mắc, trong đó 60.027 ca tử vong.
THÙY DƯƠNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement