Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều nước ASEAN lên kế hoạch cho phép đi lại nội khối

Kinh tế thế giới

31/07/2020 10:01

Báo Khmer Times dẫn ý kiến của giới chuyên gia cho rằng các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần cân bằng giữa nỗi lo sức khỏe cộng đồng với tăng trưởng kinh tế nếu muốn "bật đèn xanh" cho việc đi lại nội khối trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn chưa dừng lại.

Theo giới phân tích, cho phép đi lại là cần thiết để quan hệ kinh doanh và quan hệ cá nhân trong khu vực xích lại gần nhau. Singapore và Malaysia dự kiến ngày 10/8 tới sẽ cho phép đi lại với các nước thành viên khác trong ASEAN.

Singapore và Malaysia là những quốc gia đầu tiên trong ASEAN đưa ra kế hoạch cho phép đi lại giữa hai nước. Theo thông cáo chung hôm 14/7, bộ ngoại giao hai nước trên đã nhất trí mở “làn đường xanh” cho phép nhà kinh doanh và những người có giấy phép lao động được qua lại biên giới hai nước sau một thời gian dài hoạt động đi lại bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Tất nhiên, hành khách phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 và thông báo lộ trình di chuyển. Hai nước cũng đồng ý trong tháng này ra thông báo các yêu cầu bắt buộc về y tế và thủ tục đến và rời khỏi Malaysia cũng như Singapore.

Các nước khác trong khu vực ASEAN cũng đang xem xét cho phép đi lại nội khối. Chẳng hạn như Brunei đã lập một ủy ban nghiên cứu đề xuất mở “làn đường xanh” với các nước láng giềng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thái Lan ngày 29/7 thông báo sẽ cho phép hơn 100.000 lao động nhập cư từ Lào, Myanmar và Campuchia từng bước được trở lại Thái Lan, song những người này phải xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh.

Jeremy Lim, Giám đốc phụ trách y tế toàn cầu của Đại học Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng “làn đường xanh” Malaysia-Singapore là một cách để mở cửa trở lại hoạt động di chuyển trong ASEAN, đồng thời sẽ mở đường cho thỏa thuận đi lại song phương và đa phương trong khu vực.

Ông Lim nói: “Có nhiều sự tương tác trong khu vực ASEAN, trong đó có quan hệ kinh tế, xã hội và quan hệ gia đình. Vì thế, đóng cửa biên giới rõ ràng gây thiệt hại cho tất cả các nước trong khu vực”. Qua lại biên giới có thể làm phức tạp thêm việc truy dấu, xét nghiệm và cách ly liên quan đến COVID-19, song ông tin rằng điều này có thể giải quyết được nếu các nước trong khu vực đồng bộ hóa các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phòng dịch COVID-19.

Theo ông Lim, thỏa thuận giữa Singapore và Malaysia về “làn đường xanh” cho thấy tiến trình đồng bộ hóa giữa hai nước đạt mức độ cao. Theo đó, họ sẽ chia sẻ dữ liệu, quan điểm và kinh nghiệm để có thể học hỏi lẫn nhau.

Trong khi đó, Giáo sư Sumit Agarwal từ Đại học Kinh doanh thuộc Đại Quốc gia Singapore cho rằng mở cửa đi lại sẽ không mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế nhưng có ích cho người dân. Đối với một số ít quốc gia, nới lỏng đi lại không đóng góp nhiều cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), song mở cửa một phần biên giới ít ra sẽ cho phép người dân Đông Nam Á đi lại tự do, gặp gỡ những người thân trong gia đình sống trong cùng khu vực.

Đầu năm nay, các nước ASEAN đã đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Biện pháp này đã giúp khu vực hạn chế số ca nhiễm COVID-19, nhưng gây ra thiệt hại to lớn về kinh tế-xã hội. Đóng cửa biên giới làm gián đoạn nguồn đầu tư, giảm doanh thu về du lịch, làm lao động nhập cư phải rời đi và khiến các gia đình xa cách nhau.

Thiệt hại khổng lồ về kinh tế-xã hội do đóng cửa biên giới là minh chứng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa các nước ASEAN. Theo Sách thống kê thường niên của ASEAN, trong năm 2018 có gần 50 triệu người đi lại trong khu vực, chiếm khoảng 47% tổng hoạt động đi và đến các nước thành viên ASEAN.

Công dân ASEAN thường học tập và đi lại qua biên giới các nước thành viên. Ví dụ như trường hợp của Singapore và Malaysia, mỗi ngày bình thường có hơn 450.000 người đi qua cầu đường bộ nối đảo quốc Singapore với thành phố Johor Bahru miền Nam Malaysia và đây là một trong những đường biên giới đất liền đông người qua lại bậc nhất thế giới.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã phải thừa nhận mối quan hệ ràng buộc này trong khu vực. Trong thông cáo sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 diễn ra tháng Sáu vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã kêu gọi giữ quan hệ nội khối bằng cách tạo thuận lợi cho khả năng cho phép người dân di chuyển, trong đó có đi lại vì mục đích kinh doanh, buôn bán, trong khi vẫn đảm bảo giữ gìn sức khỏe cộng đồng.

(Nguồn: TTXVN)

PV (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement