05/02/2020 14:21
Nhiều nhà thuốc tại TP.HCM nâng giá khẩu trang y tế, găm hàng trong dịch bệnh
Hiện nay hệ thống siêu thị Coop Mart và nhà thuốc Pharmacity tại TPHCM đều thông báo hết mặt hàng khẩu trang, dự kiến đến giữa tuần sẽ có nguồn hàng để cung cấp trở lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên cả nước đã có 2.180 vụ tăng giá khẩu trang, tạm giữ hơn 460.000 chiếc khẩu trang vi phạm.
Theo trang tin Thành Ủy TPHCM, trong ngày 3 và 4/2, các Đội quản lý thị trường TPHCM đã tiến hành kiểm tra các địa điểm kinh doanh thiết bị y tế trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Đội quản lý thị trường số 4 đã có cuộc kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế Kim Sa - hộ kinh doanh trang thiết bị y tế - dụng cụ y khoa Kim Sa, địa chỉ số 278 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Qua kiểm tra, đội công tác phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 12 hộp khẩu trang gồm 2 hộp khẩu trang Medi loại 50 cái/hộp, 3 lớp và 10 hộp khẩu trang Tâm Thiện Chí loại 25 cái/hộp, có than hoạt tính thể hiện Việt Nam sản xuất, không có niêm yết giá bán. Theo trình bày loại khẩu trang Medi bán giá 80.000 đồng/hộp; loại khẩu trang Tâm Thiện Chí bán giá 50.000 đồng/hộp. Tất cả đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Đội lập biên bản tạm giữ để xử lý.
Một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 12 phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Ảnh: Nguyễn Nam |
Tại khu vực quận 6, Đội quản lý thị trường số 6 đã tiến hành kiểm tra đối với 2 cửa hàng kinh doanh gồm: Cửa hàng Bạch Vân, địa chỉ số 80 Tháp Mười, Phường 2, Quận 6. Tại đây đang kinh doanh 250 gói (loại 10 cái/gói) không hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý. Cửa hàng Bạch Vân, địa chỉ số 5 - 7 - 9 - 11 - 13 Nguyễn Hữu Thận, Phường 2, Quận 6. Tại đây, đang kinh doanh 700 gói (loại 10 cái/gói) không hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.
Đội quản lý thị trường số 12 đã kiểm tra tại 2 cửa hàng kinh doanh thuộc địa phận quận Gò Vấp và quận 12. Cụ thể, kiểm tra tại Nhà thuốc Phụng Hoàng, địa chỉ số 543 đường Quang Trung, Phường 10, quận Gò Vấp cho thấy, nhà thuốc đã treo biển “hết hàng khẩu trang”. Tuy nhiên, qua kiểm tra đội xuất phát hiện nhà thuốc đang chứa trữ 657 cái khẩu trang các loại, không có nhãn hàng hóa, không rõ xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, có niêm yết giá 3.000 đồng/cái. Đại diện nhà thuốc này cho biết, số lượng khẩu trang trên được mua từ một người đàn ông đi xe máy biển số Bình Dương đến chào bán với giá 2.000 đồng cái. Nhà thuốc có hành vi găm hàng trong tình hình dịch bệnh, biến động tình hình cung cầu. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.
Khi kiểm tra tại nhà thuốc Kiên Trung, địa chỉ số 95 Tỉnh lộ 15, phường Thạnh Lộc, Quận 12, Đội QLTT số 12 đã phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 90 cái khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 270.000 đồng. Đội đã lập biên bản tạm giữ số hàng trên để xử lý.
Trong khi đó, Đội QLTT số 16 đã có cuộc kiểm tra liên ngành của quận Bình Tân đã kiểm tra 7 vụ gồm: Nhà thuốc Tâm An, địa chỉ 266 Vành Đai Trong, Khu phố 3, Bình Trị Đông B; Công ty cổ phần dược phẩm Pharmacity, địa chỉ 76 đường số 1, Bình Trị Đông B; Nhà thuốc Lê Quang, địa chỉ 83 đường số 1, Bình Trị Đông B; Nhà thuốc Minh Châu, địa chỉ 190 Tân Hòa Đông, Bình Trị Đông; hộ kinh doanh nhà thuốc Tân Phú 5, địa chỉ 35 Phan Anh, Khu phố 2, Bình Trị Đông; Nhà thuốc Ngọc Bích, địa chỉ 514 Kinh Dương Vương, phường An Lạc; nhà thuốc Hiền Mai, địa chỉ 458 Kinh Dương Vương, Khu phố 2, phường An Lạc. Tất cả các nhà thuốc đều không vi phạm, đoàn kiểm tra đã cho ký cam kết niêm yết giá đầy đủ, bán đúng giá niêm yết và hàng hóa phải có đầy đủ chứng từ nguồn gốc, cũng như đảm bảo chất lượng, không găm hàng, đầu cơ, tích trữ; đảm bảo quyền lợi của người mua hàng đúng theo quy định của pháp luật.
Theo Cục QLTT TPHCM, trong thời gian sắp tới Cục sẽ tăng cường chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay, không lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để găm hàng, tăng giá, đưa ra thị trường các loại khẩu trang nhập lậu, giả, kém chất lượng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp