Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều nhà đầu tư sẽ 'ăn quả đắng'

Việc tăng mạnh nguồn cung cùng với sự có mặt của hàng loạt “tên tuổi” nổi tiếng đã đưa phân khúc khách sạn tại Đà Nẵng lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.

Theo thống kê của CBRE, trong sáu tháng đầu năm 2017, thị trường khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng đón nhận thêm một khách sạn 5 sao và ba khách sạn 4 sao cung cấp thêm hơn 1.000 phòng, nâng tổng nguồn cung 3 - 5 sao lên 12.969 phòng.

Sự bùng nổ khách sạn tại Đà Nẵng đang dấy lên nhiều nỗi lo.

Nguồn cung khủng

Cùng với nguồn cung hiện hữu, tính đến cuối năm 2017, dự kiến thị trường sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng từ 21 khách sạn được khai trương nâng tổng số phòng lên hơn 16.800 phòng, tăng 40% so với năm 2016.

“Đây là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong hai năm đến, tốc độ tăng trưởng nguồn cung dao động từ 7% - 9% mỗi năm. Đến năm 2019, thị trường dự kiến có tổng cộng 19.600 phòng khách sạn 3-5 sao”, đại diện CBRE nhấn mạnh.

Cũng theo CBRE, bên cạnh những thương hiệu hiện hữu như Mecure, IHG, Novotel,.. thì trong năm 2017, Đà Nẵng cũng sẽ đón nhận những thương hiệu khách sạn mới, chính thức hoạt động như Sheraton, Four Points by Sheraton, Hilton và JW Mariot… Điều này đã đưa Đà Nẵng lên dẫn đầu cả nước về số lượng các thương hiệu quốc tế.

Liên quan đến kết quả kinh doanh, theo CBRE, trong Quý 2/2017, các khách sạn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá phòng bình quân khối 4-5 sao đạt 117.6USD/phòng/đêm, tăng 3% theo năm và công suất phòng trung bình là 62%, tăng 2,0 điểm phần trăm theo năm.

Trong đó, khối khách sạn 4 sao trong dẫn đầu về mức tăng doanh thu phòng bình quân (37% theo năm) do các khách sạn mới đã bắt đầu ổn định việc kinh doanh. Theo sau là khối khách sạn 4 sao ven biển với tỷ lệ tăng là 8.8% theo năm về doanh thu phòng bình quân. Đây cũng là phân khúc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về nguồn cung khách sạn mới trong bốn năm qua.

Bình luận về xu hướng này, bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cho rằng, hàng loạt khách sạn 4 sao khai trương trong những năm gần đây, đặc biệt là các khách sạn mới nằm dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp, góp phần vẽ nên đường skyline mới cho thành phố Đà Nẵng.

Những khách sạn này mang đến cho du khách dịch vụ nghỉ dưỡng chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và tiện nghi khách sạnhiện đại với giá cả phải chăng, hướng đến lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế có ngân sách khiêm tốn hơn cho việc nghỉ dưỡng đang tăng trưởng mạnh mẽ.

“Trong thời gian sắp đến, tuyến đường này sẽ chào đón thêm nhiều tòa nhà cao tầng hơn nữa và đa dạng hơn về loại hình bất động sản”, bà Dương Thùy Dung nhấn mạnh.

Cùng với sự gia tăng về nguồn cung khách sạn, liên quan đến một phần nguồn cầu của phân khúc này – tức khách du lịch thì theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong sáu tháng đầu năm 2017 thành phố chào đón khoảng 3.230.336 lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 38%. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách quốc tế tăng 36% và lượng khách nội địa tăng 11%.

Và những nỗi lo

Những con số đưa ra trên đây đã cho thấy một “viễn cảnh” rất tươi sáng của trường khách sạn tại Đà Nẵng về tỷ lệ lấp đầy, giá cho thuê, lượng khách, các nhà khai thác… nhưng đằng sau đó là những nỗi lo mà nếu không có các giải pháp căn cơ, thị trường khách sạn tại Đà Nẵng rất dễ rơi vào “khủng hoảng” mà mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ nguồn cung “khủng” như vừa đề cập ở trên.

Đầu tiên là về nguồn nhân lực. Còn nhớ, cách đây khoảng 3 năm, trong một lần tham dự Hội thảo, Tổng Giám đốc một resort 5 sao có tiếng ở Đà Nẵng than vãn, doanh nghiệp của ông đang tìm mọi cách để giữ chân nhân sự, đặc biệt là các nhân sự cấp cao. Nguyên nhân theo ông là do khách sạn, resort mới liên tục mọc lên và để có nhân lực hoạt động, họ tìm mọi cách để “lôi kéo” nhân viên trong resort của ông về với mình.

“Tuyển một nhân viên mới, chúng tôi phải bỏ vài ngàn USD để đào tạo nhưng làm được một thời gian thì họ cũng ra đi. Tăng lương, tăng thưởng cũng không giữ được vì có đơn vị khác trả cao hơn. Mà người lao động, thấy chỗ nào trả lương cao hơn thì đi cũng là lẽ thường tình”, ông nói.

Gặp lại ông vào những ngày gần đây, hỏi tình hình nhân sự tại resort của ông có khá hơn không? Ông vẫn lắc đầu ngán ngẩm.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch HH Du lịch Đà Nẵng cũng từng băn khoăn: Đà Nẵng lại phát triển quá nóng về khách sạn, resort mà không quan tâm đúng mức đến việc đào tạo nguồn nhân lực nên nảy sinh rất nhiều tiêu cực.

“Cùng với đó, chất lượng nhân lực thấp trong khi yêu cầu công việc quá cao thì chẳng khác gì sắm xe Rolls Royce nhưng để tài xế xe lam lái. Đây chính là mối nguy cho du lịch Đà Nẵng cả hiện tại và tương lai nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời” - ông Vinh nói.

Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các khách sạn cũng là điều rất đáng bàn. Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 vừa được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bốchia sẻ thông tin rất đáng chú ý đối với những nhà đầu tư đang “ôm mộng” với phân khúc này.

Cụ thể, Grant Thornton Việt Nam nhận định, áp lực cạnh tranh với các khách sạn cao cấp ngày càng tăng, nhất là với khách sạn 5 sao khi nguồn cung trên thị trường có xu hướng tăng và nhiều dự án dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Do đó, theo nhiều chuyên gia, nếu cứ mải mê chạy theo những dự báo về tương lai tươi sáng của thị trường khách sạn thì trong thời gian tới, rất có thể nhiều nhà đầu tư sẽ “ăn quả đắng” với phân khúc này.

THU GIANG (Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement