09/04/2021 16:40
Nhiều nhà đầu tư F0 'chết' vì sốt đất
Cứ 100 người tay ngang nhảy vào cơn sốt đất có 80 người chạy theo đám đông bị chôn vốn, thất thoát tiền bạc, thiệt hại lớn, theo CEO LDG Group.
Tại buổi toạ đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" mới đây, nhiều chuyên gia đã mổ xẻ hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực cùng hệ lụy của những cơn sốt và chỉ ra ai được lợi, ai chịu rủi ro giữa cuộc chơi đầy biến động này.
Ông Nguyễn Minh Khang - Tổng giám đốc LDG Group, cho biết có nhóm đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất để thổi giá tăng chóng mặt và chỉ có họ được hưởng lợi từ những biến động này. Cứ 100 người tham gia thị trường khi sốt đất diễn ra thì có đến 80 người chạy theo đám đông, đa phần là tay ngang, nhà đầu tư F0 mua tài sản lần đầu sập bẫy sốt đất (tương đương 80%). Chỉ có 20 người đứng đằng sau các cơn sốt đất hưởng lợi từ sự tăng giá bất động sản phi mã, chiếm tỷ trọng 20%.
Ông Khang phân tích, các nhà đầu tư chết vì sốt đất do chạy theo đám đông nhưng nắm thông tin chậm hơn, ít kiến thức và non kinh nghiệm, đồng thời họ thường dùng đòn bẩy tài chính, cắm nhà (thế chấp tài sản nhà) để gia nhập cuộc chơi vì niềm tin quá lớn. Kẻ thắng trong các cơn sốt đất chỉ có nhóm tạo sốt, cò mồi và một số ít người may mắn.
Ông Khang khuyến cáo thêm, khác với chứng khoán cần một tỷ trọng dòng vốn tương đối lớn để chi phối thị trường, với thị trường bất động sản, các đối tượng đứng đằng sau cơn sốt đất không phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn có thể tạo sóng thị trường để trục lợi.
Các đối tượng đứng đằng sau tạo ra cơn sốt đất thường hoạt động có tổ chức, bố trí cò mồi nhắm vào tâm lý mua nhanh bán nhanh kiếm lời khủng. Hành vi của đa số nhà đầu tư F0 trong cơn sốt đất là chạy theo đám đông, cầm cố nhà cửa, rút hết tiền tiết kiệm, vay mượn nhiều nơi để mua đất giá cao với kỳ vọng lãi lớn trong thời gian ngắn. Song đa phần những người này đã, đang và sẽ "chết" trong cơn sốt đất.
Đồng tình với ông Khang, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phú Đông, khẳng định các đối tượng đứng đằng sau tạo cơn sốt đất đang hoạt động ngày càng tinh vi. Nắm bắt được sự tăng giá và sức nóng của thị trường phụ thuộc vào các giao dịch thực tế, họ thậm chí cố tình thực hiện các vụ mua bán thật, dù không nhiều và sử dụng chính giao dịch đó làm mồi nhử, tạo tâm lý đám đông.
Họ còn sử dụng đội ngũ cò mồi và mạng xã hội để gây hiệu ứng thu hút các nhà đầu tư tay ngang nhập cuộc. Khi cơn sốt lên đỉnh điểm, các đối tượng này rút khỏi thị trường và để lại nhiều hệ lụy cho những người đến sau.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) thừa nhận, thời gian qua khi thị trường địa ốc xảy ra sốt đất có nhiều nhà đầu tư F0 (lần đầu tham gia thị trường) đổ tiền mua nhà đất. Việc họ mắc bẫy tâm lý đám đông trong cơn sốt đất là điều dễ hiểu vì họ thiếu kiến thức, non kinh nghiệm.
Sau những cơn sốt đất, đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội an cư lạc nghiệp vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Vừa qua, một dự án có giá 30-33 triệu đồng mỗi m2 nhưng sau cơn sốt, giá bán đã bị đẩy lên trên 50 triệu đồng mỗi m2. "Cơ hội nhà ở của người tiêu dùng có nhu cầu thật tại dự án này bị mất đi", ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, hệ lụy của tình trạng sốt giá đất không mới vì đã từng xảy ra hơn 10 năm trước. Đơn cử như câu chuyện của TP Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với 5 lần sốt giá và 5 lần xẹp "bong bóng" và nhà đầu tư cuối cùng "ôm sô", không rút tiền ra kịp thì mất tài sản. Hệ lụy này khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, thậm chí phá sản trong khi nhà đất bị bỏ hoang.
Bài học từ những cơn sốt giá đất trước đây vẫn còn nhan nhản khắp thị trường, khi cơn sốt đi qua, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Để giải quyết triệt để những cơn sốt đất, lãnh đạo HoREA đề xuất nên đánh thuế chuyển nhượng rất cao nhằm triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng.
Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. Hiện nay, nhà nước có chính sách thu hồi đất, chậm đưa vào sử dụng nhưng chỉ thu hồi những dự án bất động sản không đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, công cụ về quy hoạch, chủ yếu là các tỉnh, cần quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm, ví dụ định hướng phát triển TP. HCM về hướng nào, mỗi năm sẽ được quy hoạch. Việc này nằm trong tầm tay của chính quyền các tỉnh, thành nên cần được triển khai hiệu quả, vừa tăng nguồn cung cho thị trường nhà đất, vừa kiểm soát được thị trường bất động sản.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp