21/01/2023 15:58
Nhiều người Trung Quốc ở trong tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' khi về quê ăn Tết vì COVID
Chen Ling hầu như không thể kìm chế được sự phấn khích của mình khi đoàn tàu cao tốc từ Bắc Kinh lăn bánh vào ga đường sắt Đông Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc.
Đó là một buổi chiều, chỉ vài ngày trước khi Tết Nguyên đán đến, và chuyến tàu rất đông nhưng Chen Ling hầu như không quan tâm đến sự đông đúc đó.
Cô gái 29 tuổi rất vui khi trở thành một trong số hàng triệu người trên khắp Trung Quốc trở về thăm gia đình trong dịp được xem là quan trọng nhất trong năm.
Chen Ling đã không về thăm cha mẹ và quê nhà của mình ở ngoại ô TP Trịnh Châu kể từ năm 2019 – trước khi chính sách "không COVID" hà khắc của Trung Quốc ngăn cản mọi người đi di chuyển.
"Tôi chỉ nghĩ đến việc gặp lại gia đình mình", cô nói với Al Jazeera trong một cuộc phỏng vấn qua nền tảng mạng xã hội WeChat của Trung Quốc.
"Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy họ",Chen Ling nói. "Mẹ tôi cũng vậy khi tôi ôm bà lần đầu tiên sau hơn ba năm"m cô nói và kể lại việc cô vội vã xuống tàu và băng qua một con đường đầy tuyết của nhà ga đông đúc để thấy cha mẹ mình đang đợi bên ngoài lối vào chính.
Với việc dỡ bỏ nhanh chóng chính sách không có COVID, các gia đình trên khắp Trung Quốc đang đoàn tụ lần đầu tiên sau nhiều năm để đón Tết Nguyên đán.
Nhiều người, chẳng hạn như Chen Ling, rất vui mừng. Cô nói rằng nếu chỉ vài tháng trước được thông báo rằng mình sẽ được đoàn tụ với gia đình trong kỳ nghỉ lễ, cô sẽ không tin điều đó.
Nhưng nhiều người cũng lo ngại rằng việc đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán – được mô tả là cuộc di cư hàng năm lớn nhất trên thế giới – sẽ khiến các thành viên gia đình dễ bị tổn thương tiếp xúc với sự lây lan của COVID-19.
Sau ba kỳ nghỉ Tết Nguyên đán – từ năm 2020 đến năm 2022 – khi các hạn chế đi lại, cũng như các yêu cầu về cách ly và xét nghiệm, khiến rất nhiều gia đình Trung Quốc phải xa cách nhau, một số người đang phải vật lộn với một quyết định khó khăn: Liệu họ có nên tiếp tục giữ khoảng cách với những người thân yêu dễ bị tổn thương trong dịp Tết năm nay hay không?
Đó là một vấn đề nan giải và câu trả lời là không hề đơn giản.
'Tôi nhớ và thực sự muốn về nhà'
Zhang Jie, 35 tuổi, là một trong số nhiều người Trung Quốc cảm thấy việc đoàn tụ với gia đình không đơn giản như vậy.
Zhang Jie nói với Al Jazeera từ Thượng Hải: "Ngay cả khi bây giờ có thể, tôi sẽ không về thăm gia đình vào dịp Tết Nguyên đán".
Cha mẹ và ông bà của Zhang Jie sống trong cùng một gia đình ở quê, một ngôi làng nhỏ cách Vũ Hán không xa. Anh sợ rằng mình có thể vô tình mang theo virus corona nếu trở về nhà để tham gia các lễ hội.
"Không ai trong số họ mắc COVID và ông bà của tôi đã già và chưa được tiêm phòng nên dù nhớ họ và rất muốn về nhà nhưng tôi quyết định không mạo hiểm", anh nói với Al Jazeera.
Thay vào đó, anh sẽ ở lại Thượng Hải và ăn mừng năm mới với một số người bạn, những người giống như anh, từ chối trở về thăm gia đình vì lo sợ cho tính mạng của những người thân lớn tuổi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ quan điểm tương tự trong một bài phát biểu hôm thứ Năm.
"Tôi lo lắng nhất về khu vực nông thôn và nông dân", ông Tập nói.
Ông nói: "Cơ sở vật chất y tế ở nông thôn tương đối yếu nên công tác phòng chống rất khó khăn và gian khổ", đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người cao tuổi hiện nay phải được ưu tiên hàng đầu.
Đã có vô số câu chuyện trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc về việc các nguồn lực y tế được chuyển tới các bệnh viện và phòng khám ở nông thôn để chuẩn bị cho sự gia tăng các ca nhiễm ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đưa tin rằng làn sóng COVID-19 mà nước này đang trải qua có thể đã lên đến đỉnh điểm, sau khi tấn công các thành phố như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải ngay sau khi các hạn chế bắt đầu được dỡ bỏ vào đầu tháng 12.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc gần đây cũng tiết lộ rằng khoảng 60.000 người đã chết kể từ đầu tháng 12, mặc dù ủy ban này tin rằng "đỉnh điểm khẩn cấp" của đợt bùng phát mới nhất dường như đã qua, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, những nguồn tin bên ngoải Trung Quốc có đánh giá rõ ràng hơn. Theo một phân tích được cập nhật gần đây của công ty nghiên cứu sức khỏe Airfinity có trụ sở tại London, Trung Quốc có thể chứng kiến khoảng 36.000 ca tử vong mỗi ngày trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó khách du lịch là chất xúc tác hàng đầu trong việc lây lan vi rút về phía tây.
Ở lại hay trở về?
Sau nhiều năm đã xa nhau, một số người nói với Al Jazeera rằng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đến thăm các thành viên gia đình trong dịp Tết Nguyên đán.
Họ có các chiến lược giảm thiểu rủi ro COVID của riêng mình, bao gồm giảm thiểu tiếp xúc và trải qua một đợt cách ly nhỏ, tự áp đặt trước ngày khởi hành.
Họ cũng cho biết họ đã cố gắng đi theo con đường trực tiếp nhất có thể đến các điểm đến của mình để tránh tiếp xúc với những người khác và nếu có thể, tránh hoàn toàn phương tiện giao thông công cộng bằng cách di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Nhưng một số vẫn còn mâu thuẫn về việc phải làm gì vào dịp này.
Liu Hong, 28 tuổi, rất băn khoăn không biết nên ở lại Quảng Châu nơi cô sinh sống hay về thăm gia đình ở Lan Châu, miền Trung Bắc Trung Quốc để đón năm mới.
"Tôi không muốn lây lan COVID, ít nhất là cho các thành viên trong gia đình mình, nhưng tôi cũng thực sự nhớ cha mẹ và ông bà sau ba năm xa cách", Liu Hong nói với Al Jazeera.
Cô giải thích: "Không chỉ là tôi nhớ gia đình mình".
"Ông tôi bị bệnh ung thư và không còn nhiều thời gian nữa nên nếu tôi không đến gặp ông lúc này ở Lan Châu, tôi có thể sẽ không bao giờ có cơ hội", cô nói.
Không thể đưa ra quyết định quan trọng như vậy, Liu Hong nói rằng cô đã nói với bà và ông của mình - hai thành viên dễ bị tổn thương nhất trong gia đình với COVID - về tình thế tiến thoái lưỡng nan của cô và nhờ họ quyết định.
Ông bà của Liu Hong đã cho cô một câu trả lời nhanh chóng và rất dứt khoát.
"Họ nói với tôi rằng tôi thật lố bịch và tất nhiên là tôi nên về nhà".
(Al Jazeera)
Tin liên quan
Advertisement