Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều người dân miền núi 'đua' trồng lan đột biến

Thị trường 24h

14/04/2021 16:38

Nhiều hộ dân ở huyện miền núi Yên Thủy đầu tư vào cây "lan đột biến", trong khi đó lãnh đạo tỉnh cảnh báo việc này có thể mang lại rủi ro.

Cách Hà Nội 90 km, thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy) có hơn 11.000 dân, đa số làm nông nghiệp với nghề truyền thống là trồng mía, khoai sắn. Thời gian gần đây, nhiều hộ dân đầu tư các khu vườn trong khuôn viên gia đình, đóng khung thép xung quanh để trồng "lan đột biến". Riêng khu phố Cả ở thị trấn Hàng Trạm với hơn 100 hộ dân đã có hàng chục hộ theo nghề này

"Vùng này đa số dân nghèo, quanh năm bới đất lật cỏ mang lại thu nhập 20-30 triệu đồng. Gần đây xuất hiện một số gia đình trên địa bàn trồng lan đột biến rồi xây nhà to, mua ôtô đẹp, nhưng nguồn gốc tài sản của họ như thế nào, chúng tôi không thể nắm rõ", ông Bùi Văn Dụng, Tổ trưởng khu phố Cả, phản ánh.

Một chậu lan được cho là đột biến có tên Bạch Tuyết được rao giá 400 triệu/mầm. Ảnh: Tất Định.

Một chậu lan được cho là "đột biến" có tên Bạch Tuyết được rao giá 400 triệu mỗi mầm của người dân ở huyện Yên Thủy. Ảnh: Tất Định.

Ngôi nhà ba tầng to nhất khu phố Cả (thị trấn Hàng Trạm) là của anh Trần Văn Tài, 44 tuổi, với hai giàn lan rộng 300 m2 bao quanh nhà; quạt thông gió chạy ù ù, đèn sáng suốt đêm. Bên trong giàn, các chậu lan xếp thành từng hàng, mỗi chậu đánh dấu, ghi các tên như: Bạch Tuyết, 5 cánh trắng HO, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, Hồng Á Hậu...

Sân nhà anh Tài đỗ chiếc ôtô mới, bên cạnh đặt máy đếm tiền "để tiện giao dịch". "Tất cả cơ ngơi này được xây dựng trong 2 năm và đều nhờ vào lan", chủ nhà nói.

Theo lời kể của anh này, 5 năm trước, anh bỏ công việc đồng áng, đi xe máy khắp tỉnh Hòa Bình lùng sục mua lan phi điệp. Một lần tình cờ vào nhà dân ở xã Núi Thành, huyện Lạc Thủy, gặp cây phi điệp 5 ngọn nở hoa màu hồng khác lạ, anh liền hỏi mua. Chủ nhà đồng ý giao cho khách 3 ngọn với giá 300.000 đồng, anh Tài mang về bán cho một người cùng thị trấn được 2,3 triệu đồng.

Sau đó, anh quay lại mua tiếp 2 ngọn lan để bán cho khách ở Hà Nội với giá 5,5 triệu đồng, và người này đặt tên cho cây là Hồng Yên Thủy. "Giá của cây lan này hiện từ 8 đến 15 triệu đồng mỗi cm, tùy thân dài ngắn", anh Tài nói.

Anh Trần Văn Tài, khu phố Cả, thị trấn Hàng Trạm. Ảnh: Tất Định.

Anh Trần Văn Tài, khu phố Cả, thị trấn Hàng Trạm. Ảnh: Tất Định.

Tích lũy vốn, vay mượn thêm, anh Tài tiếp tục đầu tư mua những loại cây mà anh gọi là "lan đột biến", chăm sóc một thời gian rồi bán cho khách. Thấy nghề này làm ăn được, anh kéo thêm 3 anh em trong gia đình tham gia.

Theo một số người dân, câu chuyện nhiều gia đình "bỗng nhiên trở thành tỷ phú" tương tự nhà anh Tài được bàn tán xôn xao ở địa phương, và khiến không ít người sốt sắng đầu tư cho loại cây "làm giàu".

Giữa năm 2020, ông Đỗ Đình Vinh, 54 tuổi, khu phố Thắng Lợi (thị trấn Hàng Trạm), bỏ làm thợ xây, gom góp hơn 100 triệu đồng tiền tiết kiệm, đầu tư vào lan đột biến. Ông mua những mầm cây được gọi là "năm cánh trắng Phú Thọ", "năm cánh trắng HO" chừng 5 cm với giá từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi cm.

"Chăm sóc chừng một năm, cây có thể dài ra 50-60 cm, nếu vẫn giữ giá thì lãi hàng trăm triệu", ông nhẩm tính lúc mới mua. Tuy nhiên, đến nay giá những loại cây đó xuống dần, nếu bán có thể lỗ so với lúc mua mầm (ước khoảng 500.000 đồng đến một triệu đồng mỗi cm), nên ông chưa bán ra cây nào. Ông Vinh quay lại làm thợ xây, để lại giàn lan cho vợ con chăm sóc, "chờ giá lên cao hơn ".

Giàn lan của ông Trần Văn Tiến bỏ không từ nhiều tháng nay. Ảnh: Tất Định.

Giàn lan của ông Trần Văn Tiến bỏ không từ nhiều tháng nay. Ảnh: Tất Định.

Cùng "khởi nghiệp" với ông Vinh, ông Trần Văn Tiến, 50 tuổi, khu phố Cả, bán thịt lợn ở chợ thị trấn Hàng Trạm, đầu tư gần 200 triệu đồng mua "lan đột biến". Do không có kinh nghiệm, lan mua về trồng được vài tháng thì nhiều cây bị thối, chết dần. Thấy nguy cơ hàng trăm triệu đồng biến mất theo mầm lan héo, ông Tiến hoảng hốt bán tháo cây sau 5 tháng, lỗ 50 triệu đồng tiền làm giàn thép.

Giàn lan rộng 50 m2, giờ chỉ còn vài chậu để lăn lóc, cửa không đóng khóa. "Tôi không có gan làm giàu bằng mấy cây này, bỏ là bỏ hẳn luôn chứ chẳng tính quay lại", ông Tiến nói.

Tổ trưởng khu phố Cả Bùi Văn Dụng cho hay, ông chưa trực tiếp chứng kiến vụ giao dịch "lan đột biến" tiền tỷ nào. Tuy nhiên, với tư cách là tổ trưởng phụ trách việc vay vốn của người dân, thời gian gần đây ông Dụng nhận thấy "số người vay vốn gia tăng đáng kể so với trước".

"Hiện tổng dư nợ trong tổ hơn 3 tỷ đồng, khi vay người dân có trình bày một số lý do theo quy định và chúng tôi không thể xác định họ có đầu tư vào phong lan hay không", ông Dụng nói.

Theo ông Lã Xuân Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Hàng Trạm, địa phương chưa thống kê được số hộ trồng và kinh doanh phong lan trên địa bàn. "Giao dịch lan đột biến đều do người dân tự thỏa thuận, chúng tôi không nắm được", ông Trường giải thích.

Trước hiện tượng giao dịch, kinh doanh hoa "lan đột biến" tiền tỷ trên địa bàn, hồi cuối tháng 3, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình đã ra công văn truyền đạt ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, "có giải pháp phù hợp tuyên truyền, phổ biến, cảnh tỉnh để người dân hiểu đúng bản chất kinh doanh hoa lan đột biến, hạn chế rủi ro; xử lý những hành vi mua bán không hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền".

Qua nắm bắt thông tin, công văn của Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình nêu "nhiều hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan". Việc này "có thể sẽ mang nhiều rủi ro cho các hộ gia đình góp vốn có nguy cơ để lại nhiều hậu quả xấu khó lường cho xã hội, đảo lộn đời sống của người dân và mất trật tự an ninh".

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình cũng đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là liên quan đến yếu tố "lan đột biến".

Theo các nhà khoa học phong lan đột biến có cấu trúc gene bị thay đổi, dẫn đến hình thái thân, lá, hoa khác biệt so với những cá thể trong quần thể ban đầu. Tùy vào đặc điểm màu của cánh, mắt, lưỡi hoa, nhà vườn, địa điểm phát hiện, giới chơi cây đặt cho "lan đột biến" những cái tên như: Năm cánh trắng Phú Thọ, năm cánh trắng HO, Bạch Tuyết, Ngọc Sơn Cước, Hồng Yên Thủy, Hồng Minh Châu...

Gần đây xuất hiện những cuộc giao dịch lan đột biến trên khắp cả nước, được livestreams rầm rộ, với số tiền thông báo lên tới hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, thời gian qua nhà chức trách huyện Yên Thủy đã bắt giữ một số người với cáo buộc lừa đảo liên quan đến "lan đột biến". Gần đây nhất, giữa tháng 1/2021, Công an huyện Yên Thủy bắt giữ Tạ Thị Suối Vân, 29 tuổi, trú tại xã Bảo Hiệu, vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa phong lan đột biến giả trên các trang mạng xã hội.

Theo nhà chức trách, từ tháng 6 đến tháng 7/2020, Vân đã lừa bán hoa phong lan đột biến giả với tổng số tiền lên đến 4,6 tỷ đồng.

TẤT ĐỊNH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement