Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhiều ngân hàng báo lãi cao nhất kể từ năm 2011 đến nay

Ngân hàng

16/01/2018 06:39

Dù chưa có báo cáo tài chính năm 2017 nhưng nhiều ngân hàng đã ước lược khoản lãi ngàn tỉ, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Lợi nhuận vào ngàn tỉ

8.800 tỉ đồng là con số lợi nhuận của năm 2017 vừa được BIDV công bố. Theo đại diện của nhà băng này, năm nay ngân hàng đã hoàn thành vượt nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch. 

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của BIDV đạt 1.176.000 tỉ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2016, tiếp tục là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam. 

Tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1.106.000 tỉ đồng, tăng 17,9% so với 2016. Trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đạt trên 934.000 tỉ đồng, tăng 17,4% và chiếm 12,5% huy động vốn toàn ngành ngân hàng.

Điểm đáng chú ý trong công bố của BIDV là chênh lệch thu chi năm 2017 của ngân hàng này đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay với 24.032 tỉ đồng, tăng 44% so với 2016. Sau trích lập dự phòng và các khoản khác, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 8.800 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra và là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. 

Năm 2017, các ngân hàng lớn đều đạt lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỉ đồng.
Năm 2017, các ngân hàng lớn đều đạt lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỉ đồng.

Tương tự, Vietcombank cũng đã công bố mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 10.000 tỉ đồng trong năm 2017, tăng 20% so với năm 2016 và vượt 8,7% so với kế hoạch năm đề ra. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng đưa ra con số dự kiến trong năm vừa qua. 

Năm 2017, Vietcombank được đánh giá đạt mức tăng trưởng quy mô, hiệu quả kinh doanh cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.

Năm 2017, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt khoảng 9.206 tỉ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch. Quy mô hoạt động kinh doanh cũng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra. 

Cụ thể, tổng tài sản hợp nhất của Vietinbank ước đạt hơn 1,1 triệu tỉ đồng, tăng 15,3% và hoàn thành 101% kế hoạch. Dư nợ tín dụng đạt 839.000 tỉ đồng, tăng 18%. Tổng nguồn vốn ước đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 16% và hoàn thành 102% kế hoạch đề ra.

Năm 2018, Vietinbank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm khoảng 15-17%, nguồn vốn huy động tăng khoảng 18-20%, dư nợ tín dụng tăng trưởng khoảng 16-17%. Vietinbank cũng đặt mục tiêu kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đảm bảo đạt và vượt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Một ngân hàng vừa mới niêm yết trên HOSE vào ngày 5/1 là HDBank cũng công bố lợi nhuận trước thuế năm 2017 lên tới 2.420 tỉ đồng, cao hơn gấp hơn 2 lần con số của năm 2016 và là năm đạt kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng và cả Công ty Tài chính HD Saison là 1,5%, còn nếu tính riêng HDBank chỉ là 1,1% trên tổng dư nợ.

Trong tương lai, HDBank đặt kế hoạch sẽ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 37% mỗi năm, từ nay đến năm 2021 và hướng đến là ngân hàng top đầu trong hệ thống thay vì vị trí thứ 8 như hiện nay. Riêng năm 2018, HDBank đặt kế hoạch lãi hơn 3.920 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm 30/11/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ đạt 6.460 tỉ đồng, tổng tài sản đạt gần 154.000 tỉ đồng, tổng huy động vốn đạt trên 141.000 tỉ đồng, tổng dư nợ đạt trên 98.000 tỉ đồng… Tạm tính vào ngày 15/12/2017, lợi nhuận của LienVietPostBank đã đạt khoảng 1.700 tỉ đồng, vượt 13% so với kế hoạch đầu năm là 1.500 tỉ đồng. Các chỉ tiêu tài chính khác như huy động vốn, cho vay của LienVietPostBank cũng đều vượt kế hoạch đề ra.

Các ngân hàng nhỏ đã sớm
Các ngân hàng nhỏ đã sớm "về đích" ở quý III năm 2017.

OCB cũng là một trong những ngân hàng gây ấn tượng trong hoạt động kinh doanh năm 2017. Không chỉ là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành Basel II, OCB cũng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm là 780 tỉ đồng chỉ sau 9 tháng. Do đó, Hội đồng quản trị OCB đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận đến cuối năm 2017 là 1.000 tỉ đồng. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết thúc năm 2017 lợi nhuận của OCB đã đạt 1.013 tỉ đồng, vượt cả kế hoạch điều chỉnh.

Theo đánh giá độc lập của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế của hệ thống ước tăng 44,5% so với năm trước.

Xài tiền vào việc gì?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 rất khả quan, ở mức khoảng 18% nên lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên. Sở dĩ các ngân hàng đạt được mức lợi nhuận khủng là do có sự hỗ trợ rất lớn từ tín dụng, bởi đây vốn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Ngoài ra, một vài tín hiệu về quá trình tái cơ cấu và quản trị rủi ro trong thời gian vừa qua cũng báo hiệu một năm khấm khá cho ngành ngân hàng.

“Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tập trung phát triển dịch vụ mới, sản phẩm mới và mở rộng tín dụng trên cơ sở quản lý rủi ro tốt hơn. Nhờ đó mà nền tảng tài chính của hầu hết các nhà băng đều đã được cải thiện đáng kể. Hệ số khả năng sinh lời ROA, ROE đã tăng gần gấp đôi so với những năm trước”, ông Hiếu nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, nhờ kết quả kinh doanh vượt trội năm 2017, lãnh đạo ngân hàng đã có kế hoạch sẽ chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tỉ lệ 25-30% cho cổ đông. Phương án chia cổ tức và tỷ lệ bằng tiền mặt ra sao, cổ phiếu thế nào sẽ được trình và xin ý kiến cổ đông trong cuộc họp thường niên năm nay.

Với tỉ lệ cổ tức 25-30%, HDBank sẽ lọt vào nhóm các ngân hàng có cổ tức và cổ phiếu thưởng chia cho cổ đông nhiều nhất, cùng với VPBank và VIB năm ngoái.

Còn đối với VietcomBank, ở Đại hội cổ đông thường niên 2017, ngân hàng này đã đưa ra mức cổ tức 8%. Năm 2016, ngân hàng này cũng chi ra gần 2.900 tỉ đồng để trả cổ tức cho năm 2017.

Tương tự, BIDV cũng đưa ra mức trả cổ tức tối thiểu năm 2017 là 7% và không thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

Đầu năm 2017, với kế hoạch lợi nhuận 1.500 tỉ đồng thì LienVietPostBank dự kiến tỉ lệ chia cổ tức 12%. Nhưng đến cuối năm lợi nhuận vượt kế hoạch, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã điều chỉnh tỉ lệ chia cổ tức lên 15%. Trong đó, 12% bằng tiền mặt và 3% là cổ phiếu. LienVietPostBank đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước về sự thay đổi này. Ngoài ra, lãnh đạo LienVietPostBank tiết lộ năm nay mức thưởng Tết cũng sẽ cao hơn so với năm trước để động viên người lao động.

Ở thời điểm hiện tại, tăng vốn là điều các ngân hàng đều mong mỏi.
Ở thời điểm hiện tại, tăng vốn là điều các ngân hàng đều mong mỏi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, năm nay các ngân hàng sẽ dễ chi tiêu quỹ lợi nhuận hơn, có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt. Điểm khác biệt của năm 2017 là áp lực chia cổ tức bằng tiền mặt có thể giảm mạnh. Ngược lại, nhiều cổ đông lại muốn được chia bằng cổ phiếu vì giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đang tăng nhanh, lợi nhuận thu về cho nhà đầu tư nhiều hơn. Mà đây lại là cơ hội để các ngân hàng tranh thủ tăng vốn.

“Ưu tiên số một của nhiều ngân hàng hiện vẫn là tăng vốn vì nhu cầu vốn của những năm tới rất cao. Do vậy, các ngân hàng sẽ thận trọng phân phối lợi nhuận, chỉ dành một phần nhất định chia bằng tiền mặt. Còn với các ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, lợi nhuận vẫn đạt kế hoạch đặt ra nhưng ngân hàng không chia cổ tức mà giữ lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính, trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu”, ông Hiếu nhận định.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải ưu tiên mục tiêu xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tái cơ cấu hơn là dùng tiền chia cổ tức. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, dù lợi nhuận tốt nhưng các ngân hàng phải tiếp tục tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, sẽ có độ vênh nhất định giữa tỉ lệ nợ xấu do các ngân hàng tự xác định với kết quả công bố của thanh tra của Ngân hàng Nhà nước.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement